Trong giai đoạn sơ sinh, trẻ sẽ dành phần lớn thời gian để ngủ nhằm giúp cơ thể thích nghi với môi trường mới và phát triển một cách toàn diện về cả thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp trẻ sơ sinh khó ngủ, ngủ không sâu giấc gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ. Vậy trẻ sơ sinh khó ngủ nguyên nhân do đâu? Cần lưu ý gì khi chăm sóc trẻ?
Trẻ sơ sinh ngủ như thế nào?
Trong vòng vài ngày ngày đầu, trẻ sơ sinh ngủ trung bình 16-18 giờ/ngày và ngủ từng giấc ngắn 1-2 giờ, đến 4 tuần tuổi trẻ ngủ khoảng 14 giờ/ngày. Giấc ngủ ở trẻ sơ sinh khác với giấc ngủ ở trẻ lớn và người lớn, được chia thành giấc ngủ cử động mắt nhanh (REM – rapid eye movement) và giấc ngủ không cử động mắt nhanh (Non-REM – Non- rapid eye movement). (1)
Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), một chu kỳ ngủ của trẻ sơ sinh có 5 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Buồn ngủ – ngủ gà ngủ gật.
- Giai đoạn 2: Ngủ thật sự – giấc ngủ REM hay còn gọi giấc ngủ hoạt động, ngủ nông. Trẻ sơ sinh vặn mình, giật mình, rên “è è”, mắt chuyển động bên dưới mi mắt nhắm. Nhịp thở thường không đều, ngưng thở 5-10 giây, sau đó bắt đầu đột ngột thở nhanh 50-60 lần/phút trong 10-15 giây rồi thở đều đặn lại cho đến khi chu kỳ lặp lại.
- Giai đoạn 3: Giấc ngủ nhẹ nhàng, trẻ thở đều đặn hơn và ít cử động.
- Giai đoạn 4 và 5: Giấc ngủ sâu và rất sâu (Non-REM) hay còn gọi là giấc ngủ im lặng. Trẻ nằm yên và không cử động, ngủ ngày càng sâu và khó đánh thức.
Theo BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh – Trưởng khoa Sơ sinh, Trung tâm Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, giấc ngủ hoạt động có thể quyết định sự phát triển não bộ của trẻ, còn giấc ngủ im lặng tốt cho sức khỏe và giúp củng cố trí nhớ. Ngược lại, khi trẻ mất ngủ trong thời gian dài, cơ thể mất cân bằng, trẻ trở nên cáu gắt, ít lanh lợi và hoạt bát hơn so với trẻ bình thường.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh khó ngủ
Thực tế, có rất nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ, khiến trẻ dễ thức giấc và khó ngủ hơn bình thường nhưng phần lớn các yếu tố này xuất phát từ môi trường và các hành vi liên quan. Một số nguyên nhân thường gặp khiến trẻ sơ sinh khó ngủ gồm:
1. Nguyên nhân sinh lý giấc ngủ
Theo nghiên cứu, đối với người trưởng thành, giai đoạn non-REM sẽ chiếm khoảng 75% tổng thời gian của giấc ngủ, và 25% còn lại là giai đoạn REM nhưng đối với trẻ sơ sinh thì 2 giai đoạn này có thời gian gần như bằng nhau. Trong giai đoạn REM, các cơ quan hô hấp sẽ hoạt động nhiều hơn dẫn đến nhịp tim và nhịp thở tăng nhanh. Lúc này, trẻ có thể thức giấc khi có bất kỳ cử động hay tác động nhẹ nào. (2)
Hơn nữa, chu kỳ ngủ ở trẻ sơ sinh (50 phút) ngắn hơn chu kỳ ngủ ở người lớn (90-100 phút). Vì vậy, trẻ dễ bị thức giấc và thức dậy thường xuyên hơn.
2. Trẻ sơ sinh khó ngủ do nguyên nhân bệnh lý
BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh cho biết, bất kỳ tổn thương thực thể nào cũng đều ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Do đó, trẻ sơ sinh khó ngủ có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như:
- Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Viêm hô hấp trên, viêm phổi, viêm phế quản,… là các bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh. Ở độ tuổi này, sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ chưa được phát triển toàn diện do đó, trẻ dễ nhiễm bệnh khi bị các tác nhân gây bệnh tấn công, phổ biến là vi khuẩn. Đối với các trường hợp khó ngủ do nhiễm khuẩn đường hô hấp, trẻ sẽ có các biểu hiện đi kèm như thở khò khè, khó thở, quấy khóc bất thường,…
- Béo phì: Một số trẻ sơ sinh gặp phải tình trạng thừa cân, béo phì dẫn đến phì đại đường thở, khiến việc hô hấp trở nên khó khăn. Lúc này, trẻ sẽ có biểu hiện thở bằng miệng do khó thở, khó ngủ, dễ thức giấc và hay quấy khóc vào ban đêm.
- Các bệnh lý khác: Còi xương, viêm tai giữa, trào ngược dạ dày, các vấn đề về thần kinh,…
Lưu ý, trẻ sơ sinh khó ngủ do bệnh lý cần được đưa đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt bởi tình trạng này có thể gây ra hệ lụy nguy hiểm, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
3. Bé khó vào giấc đêm do ngủ nhiều vào ban ngày
Trẻ sơ sinh dành phần lớn thời gian của ngày để ngủ nên tình trạng khó ngủ vào ban đêm ở trẻ có thể bắt nguồn từ việc trẻ sơ sinh ngủ quá nhiều vào ban ngày. Bố mẹ có thể điều chỉnh lại thói quen này của trẻ bằng cách tập cho trẻ phân biệt ngày và đêm. Ban ngày nên mở cửa sổ cho trẻ làm quen với ánh sáng tự nhiên, hạn chế ngủ ngày nhiều.
4. Do môi trường xung quanh
Các yếu tố môi trường như ánh sáng quá nhiều (tiếp xúc nhiều với ánh sáng đèn vào ban đêm, ít ánh sáng tự nhiên vào ban ngày), nhiệt độ phòng không phù hợp (quá lạnh hoặc quá nóng), tiếng ồn,… Hơn nữa, thói quen sử dụng điện thoại, laptop, các thiết bị điện tử vào ban đêm của bố mẹ hay người thân ở gần không gian ngủ của trẻ cũng gây tác động xấu đến giấc ngủ của trẻ sơ sinh.
Nghiên cứu cho thấy ánh sáng xanh từ màn hình sẽ gây ức chế sản sinh hormone Melatonin – hormone điều tiết nhịp độ sinh học, cải thiện giấc ngủ, giúp tinh thần tỉnh táo vào buổi sáng, từ đó, khiến trẻ sơ sinh ngủ giật mình, khó ngủ
5. Trẻ khó ngủ do tã bị ướt, giường và quần áo không sạch sẽ
Tã ướt, giường chiếu, quần áo không sạch sẽ là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh cảm thấy không thoải mái, khó ngủ.
6. Thiếu dưỡng chất
Một số trường hợp trẻ sơ sinh khó ngủ có thể gây ra bởi tình trạng thiếu hụt dưỡng chất, điển hình như thiếu vitamin D, kẽm, magie, sắt,… Điều này có thể khiến trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc, luôn trong trạng thái mệt mỏi, ngủ gà ngủ gật vào ban ngày, khó ngủ vào ban đêm.
7. Nguyên nhân khác
Bên cạnh các nguyên nhân được nhắc đến ở trên, một số yếu tố, thói quen hằng ngày có thể khiến trẻ sơ sinh khó ngủ gồm:
- Cho trẻ ngủ trên võng, nôi điện hoặc bồng bế trẻ tạo cảm giác phụ thuộc khiến trẻ khó ngủ khi thiếu vắng những dụng cụ này.
- Trẻ có tính cách nghịch ngợm, khó tính. Nghiên cứu cho thấy trẻ dễ tính thường sẽ ngủ ngoan hơn và dễ ngủ hơn so với trẻ khó tính.
- Ảnh hưởng thông qua người mẹ trong giai đoạn thai kỳ. Khi mang thai, nếu mẹ thường xuyên bị khó ngủ, trầm cảm hay có thói quen sinh hoạt không khoa học thì trẻ sinh ra rất khó để ngủ sâu giấc.
- Chơi đùa, trò chuyện, kích thích trẻ quá nhiều trước giờ ngủ.
- Cố gắng đưa trẻ vào giấc ngủ quá mức, sai cách, khiến trẻ khó chịu, bị kích thích.
- Thời gian ngủ ở trẻ sơ sinh vào buổi trưa trễ hoặc trưa quá nhiều
Bé không chịu ngủ phải làm sao?
Để cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh khó ngủ, bố mẹ có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây:
1. Tập cho trẻ phân biệt ngày và đêm
Ở một số trẻ sơ sinh, thói quen thức đêm có thể đã hình thành ngay từ khi còn trong bụng mẹ nên khi chào đời, trẻ không thể tự điều chỉnh dẫn đến tình trạng trẻ khó ngủ vào ban đêm. Cách tốt nhất để khắc phục tình trạng này là tập cho trẻ phân biệt giữa ngày và đêm.
Ban ngày, mẹ nên tập cho trẻ ngủ trong khoảng một giờ và dùng thời gian còn lại để chơi đùa, trò chuyện với trẻ, khiến trẻ thức càng nhiều càng tốt. Ban đêm, mẹ nên bắt đầu cho trẻ ngủ từ 19h. Đồng thời, mẹ nên chú ý cho trẻ bú thêm một cữ vào buổi khuya để trẻ ngủ sâu giấc hơn, có thể ngủ đến 7-8h hôm sau.
2. Dạy trẻ tự ngủ
Thay vì bồng trẻ trẻ trên tay để đưa trẻ vào giấc ngủ, sau đó, đặt trẻ xuống giường cho trẻ ngủ, bố mẹ nên lựa chọn một cách thức khác không gây cảm giác phụ thuộc cho trẻ như: ru con ngủ bằng âm nhạc, vỗ về nhẹ nhàng ở khu vực đầu và mông của trẻ,…
3. Chuẩn bị sẵn sàng cho giấc ngủ của con
Đối với trẻ sơ sinh, việc chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho giấc ngủ sẽ giúp trẻ thoải mái, dễ đi vào giấc ngủ, trẻ ngủ ngon hơn và thẳng giấc hơn. Theo chia sẻ của BS.CKII Phạm Lê Mỹ Hạnh, mẹ chỉ nên cho trẻ bú một lượng sữa vừa đủ trước khi trẻ đi ngủ, đồng thời, hạn chế cho trẻ bú đêm khi không cần thiết. Hơn nữa, trẻ cần được vệ sinh cá nhân sạch sẽ, mặc quần áo giữ ấm và thay tã có độ thông thoáng và khả năng thấm hút tốt. Các hoạt động chơi đùa, kích thích trẻ cần được dừng lại trước giờ ngủ 2-3 giờ. Bố mẹ có thể tập cho trẻ thói quen ngủ đúng giờ và nhận biết một số tín hiệu đến giờ ngủ như tắm, thay đồ, hát ru, hôn chúc ngủ ngon…
Khi trẻ ngủ, bố mẹ nên duy trì nhiệt độ phòng thích hợp, không gian yên tĩnh, ánh sáng phù hợp. Đặc biệt, bố mẹ nên hạn chế trò chuyện và sử dụng các thiết bị điện tử khi trẻ ngủ.
Một số lưu ý về giấc ngủ của bé sơ sinh
Để phòng ngừa hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ (SIDS) đặc biệt khi ngủ, là trẻ chết đột ngột mà không tìm ra nguyên nhân ngay cả sau khi tử thiết, năm 2011 Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến cáo như sau:
- Đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ.
- Ngủ trên mặt phẳng cứng
- Bú mẹ.
- Có thể ngủ chung phòng với ba mẹ, anh chị nhưng không nên ngủ chung giường.
- Tiêm chủng thường quy.
- Không để bất cứ vật mềm trong nôi trẻ (gối, mền, túi ngủ, thú nhồi bông…).
- Không che phủ đầu và phòng ngủ không quá nóng (phòng ngủ phải thông thoáng, không quấn trẻ quá mức, chỉnh nhiệt độ phòng tùy theo tình trạng trẻ…).
- Tránh tiếp xúc khói thuốc lá.
- Để tránh đầu dẹp do nằm ngửa quá nhiều và ảnh hưởng tới sự phát triển của não, khi trẻ thức nên cho trẻ lần lượt thay đổi tư thế nằm sấp, nghiêng phải và nghiêng trái.
Mẹo giúp bé sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc
Để trẻ sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc, bố mẹ có thể thực hiện một số mẹo dưới đây:
1. Quấn khăn
Nguyên tắc:
- Đảm bảo an toàn:
- Trẻ phải được quấn đúng cách và tránh quấn quá chặt để vẫn còn đủ không gian để trẻ thở và cử động trong tấm khăn. Một số nghiên cứu cho thấy khi quấn chặt ngực dễ đưa đến xẹp phổi và tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi.
- Theo khuyến cáo của Viện loạn sản khớp hông Quốc tế, trẻ phải ở tư thế 2 chân hơi dạng và gối gập khi quấn trẻ (giống tư thế con ếch). Trẻ vốn quen với tư thế này trong tử cung, nếu bị quấn trong tư thế ép chân thẳng trẻ có khả năng bị loạn sản hông và trật khớp háng do làm lỏng khớp và phá hủy sụn khớp.
- Chỉ cần quấn khăn khi ngủ và khi trẻ được 2 tháng tuổi thì không nên quấn trẻ nữa.
- Giữ tư thế sinh lý: Trẻ được giữ ở tư thế gập sinh lý hướng về đường giữa và thẳng người: Vai cuộn tròn về phía trước, hai bàn tay đưa về giữa để tay tiếp xúc tay và tay tiếp xúc miệng, hông gập và gối gấp về phía bụng. Điều này giúp phát triển thần kinh và cơ xương bình thường, dẫn đến phát triển về nhận thức và xã hội tốt hơn, đặc biệt ở những trẻ sinh non.
- Thoải mái: Đảm bảo trẻ vẫn cử động thoải mái trong tấm khăn quấn.
Cách quấn trẻ:
- Sử dụng khăn mỏng hình vuông hoặc chữ nhật
- Trải khăn ra trên mặt bàn hay giường, gấp 1 góc khăn lại.
- Đặt trẻ nằm ngửa trên khăn trải, đầu nằm trên nếp gấp, vai ở dưới nếp gấp khăn.
- Để hai tay gập về giữa, choàng góc trái khăn qua người và luồn mép khăn vào dưới thân phải trẻ. Mép trên khăn chỉ nên ở ngang ngực trẻ, tránh quá cao sẽ có nguy cơ che phủ mặt trẻ gây ngạt thở, thỉnh thoảng có thể để 2 bàn tay ra ngoài để trẻ có cơ hội đưa tay lên miệng để tự trấn an.
- Choàng góc phải tấm khăn qua vai, bụng và phần thân trái, luồn góc này vào dưới mông để giữ lại. Không cần kéo căng tấm trải, giữ nó thẳng và đủ thoải mái cho trẻ.
- Gấp phần khăn còn lại dưới mông, nới lỏng phần mông và đùi trẻ để 2 chân cử động thoải mái trong tư thế hơi dạng và gập gối.
- Không quấn quá chặt, đảm bảo có thể nhét 2-3 ngón tay giữa ngực trẻ và khăn.
2. Nằm kén
Mục đích cũng tương tự như quấn khăn nhưng có ưu điểm là không hạn chế cử động của trẻ, giúp trẻ luôn giữ tư thế gập sinh lý và có thể xoay trở trẻ.
Tuy nhiên viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ không khuyến cáo cho trẻ nằm kén khi ngủ vì tăng nguy cơ bị ngạt thở khi trẻ úp mặt xuống. Cho nên khi cho trẻ nằm kén cần phải quan sát trẻ thường xuyên.
3. Tạo môi trường ngủ an toàn cho trẻ:
Để giúp trẻ ngủ ngon, cần tạo môi trường ngủ thích hợp và an toàn cho trẻ:
- Để thiết lập lại chu kỳ ngày đêm, trẻ nên tiếp xúc nhiều với ánh sáng tự nhiên ban ngày, còn ban đêm chỉ để ánh sáng đèn dịu nhẹ.
- Nơi trẻ ngủ nên hạn chế tiếng động.
- Massage giúp trẻ ngủ ngon và điều chỉnh lại nhịp ngày đêm.
- Giúp trẻ khô thoáng khi ngủ: mặc quần áo thoáng mát
Các câu hỏi thường gặp
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp khi trẻ sơ sinh bị khó ngủ:
1. Tại sao trẻ sơ sinh khó ngủ vào ban đêm?
Thực tế, tình trạng trẻ sơ sinh khó ngủ vào ban đêm không phải là tình trạng hiếm gặp. Phần lớn các trường hợp này bắt nguồn từ việc trẻ đã ngủ quá nhiều vào ban ngày. Tuy nhiên, nếu ban ngày trẻ sơ sinh ngủ ít nhưng ban đêm bé khó ngủ, không chịu ngủ, mẹ có thể kiểm tra xem các yếu tố môi trường như: tã, nhiệt độ phòng, ánh sáng, tiếng ồn,… và loại bỏ các vật dụng có thể khiến trẻ cảm thấy sợ, giật mình.
2. Tại sao trẻ sơ sinh khó ngủ vào ban ngày?
Trẻ sơ sinh dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ nhưng nếu trẻ gặp tình trạng khó ngủ vào ban ngày, có thể nhiệt độ và ánh sáng trong phòng khiến trẻ cảm thấy khó chịu, chói mắt. Bố mẹ có thể điều chỉnh lại nhiệt độ, kéo rèm khi trẻ ngủ. Nếu được thì nên cho bé ngủ phòng riêng để tránh bị quấy rầy bởi những hoạt động của mọi người xung quanh.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ Trung tâm Sơ Sinh, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
Trẻ sơ sinh khó ngủ là một trong những vấn đề thường gặp, do đó, bố mẹ không nên quá lo lắng khi trẻ gặp phải tình trạng này. Trong trường hợp trẻ khó ngủ kèm theo các triệu chứng bất thường hoặc sau khi đã điều chỉnh các yếu tố xung quanh có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ nhưng trẻ vẫn không có dấu hiệu cải thiện, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ càng sớm càng tốt.
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.