Nếu có đủ thời gian 15 phút để đợi, thì hãy giao đôi giày của bạn cho anh ấy, còn nếu đang gấp thì hẹn bạn dịp khác, vì anh ấy không thích đánh giày một cách qua loa. Vâng! Anh ấy chính là chàng đánh giày với thương hiệu “Ghét ẩu” độc nhất vô nhị ở sài Gòn.
Từ một ông chủ đến một chàng đánh giày
Nguyễn Hồng Vương (sinh 1984, quê ở Phú Yên) là chàng đánh giày mà chúng tôi nhắc đến. Năm 15 tuổi, vì gia đình khó khăn, anh Vương rời quê nhà để vào TP. HCM tìm kiếm cơ hội phát triển. Để có thể bám trụ lại mảnh đất khắc nghiệt này, anh chàng không hề từ chối một công việc nào có thể đem lại thu nhập cho bản thân. Từ phục vụ nhà hàng, giúp việc cho các gia đình đến buôn bán ve chai, chàng trai trẻ ngày đó đều cố gắng làm để kiếm tiền nuôi bản thân và phụ giúp gia đình.
“Cần cù làm việc một thời gian, tôi tích góp được một số vốn. Được một người chị kết nghĩa sang lại quán cơm, năm 18 tuổi tôi đã may mắn trở thành chủ của tiệm cơm trên đường Trần Quang Diệu” – anh Vương nhớ lại những ngày đầu.
Thế nhưng khoảng thời gian cuối năm 2003, ở Việt Nam bùng phát dịch cúm gia cầm và làm ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của quán, sau một thời gian làm ăn thua lỗ, anh Vương đã phải chấp nhận bán đi cơ ngơi tâm huyết của bản thân.
Anh kể: “Lúc đó buồn lắm, ngồi ở nhà thì tâm trạng cứ khó chịu, nên tôi đi ra ngoài cho khuây khỏa, tôi gặp một cậu đánh giày ở quán cà phê. Cũng đang chán, nên tôi nói đùa là cho tôi học đánh với, thế là cậu ta một chiếc, tôi một chiếc cùng nhau đánh. Đó là bài học đầu tiên đưa tôi đến với nghề đánh giày”.
Kể từ đó, chàng trai trẻ có một niềm đam mê kỳ lạ với công việc đánh giày. Anh tự mày mò mua dụng cụ về, rồi thử đi làm nghề. Thế nhưng, vạn sự khởi đầu nan. Ngày đầu tiên đi đánh giày, anh chàng mời hàng chục người nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Thất vọng anh quyết định chỉ mời thêm một người nữa, nếu không được thì sẽ đi về. May mắn đã mỉm cười, vị khách ấy đã đồng ý.
“Tôi hồi hộp toát hết mồ hôi, vừa mừng vừa lo. Nhưng cảm thấy rất hạnh phúc. Hôm đó tôi đánh được thêm 6 đôi giày nữa và thu được 21 ngàn, số tiền đầu tiên tôi kiếm được từ cái nghề trên trời rơi xuống này” – anh Vương bồi hồi nhớ lại ngày đầu tiên vào nghề.
Cái duyên đến bất ngờ, thế mà anh chàng đã gắn bó với công việc này hơn 10 năm nay. Đều đặn mỗi sáng anh Vương thức dậy sớm để ra đường từ 6h, sau đó đi dạo quanh bờ kè uống cà phê, đến tầm 7h thì lái xe máy đi đánh giày đến khoảng trưa thì trở về nhà.
Đừng cho rằng đánh giày thì không cần tạo dựng uy tín và thương hiệu!
Cách đây 2 năm, anh Vương có dịp đánh giày cho một vị khách khó tính. Vốn rất cẩn thận, nhưng sau khi trả giày cho vị khách này, ông ấy nhất quyết buộc anh phải đánh lại. Nhận lại giày, anh chàng phát hiện mình còn quên chưa đánh một chỗ. Nhưng đánh đến lần thứ 3 anh Vương vẫn tiếp tục chưa đạt yêu cầu.
“Tôi phát hiện mình làm dính xi lên mặt trong của giày thế là phải ngồi tẩy. Cuối cùng vị khách cũng chấp nhận. Tôi lấy tiền công đánh giày là 15 ngàn, ông ấy nói đánh bốn lần thì phải là 60 ngàn chứ. Tôi trả lời ông ấy rằng con đánh một lần hay bốn lần cũng chỉ lấy 15 ngàn, chỉ mong là khách hàng hài lòng. Thế là ông ấy rút tờ 200 ngàn ra trả tiền công cho tôi” – anh chàng hào hứng kể.
Sau lần đó, chàng đánh giày hiểu được giá trị của cái tâm mình đặt trong công việc, vì vậy anh Vương quyết định đầu tư một cách nghiêm túc vào những giá trị mang đến sự tin tưởng cho khách hàng, nhằm phát triển công việc. Anh lập thương hiệu “Ghét ẩu”, lập website, số điện thoại riêng, thiết kế logo… nhằm đem lại sự chuyên nghiệp cho công việc của bản thân. “Đừng cho rằng đánh giày thì không cần tạo dựng uy tín và thương hiệu, công việc nào cũng cần điều đó” – anh Vương chia sẻ.
Với chàng đánh giày “ghét ẩu”, mỗi đôi giày, anh đánh ít nhất 15 phút, nếu khách hàng không có thời gian để đợi thì anh sẽ không nhận. Với cách làm việc khác biệt của bản thân, nhiều lần anh Vương bị các đồng nghiệp chơi xấu gây cản trở công việc, có người còn lập thương hiệu “thích ẩu” để đối đầu với anh. Thế nhưng, anh chàng chẳng mấy quan tâm, đây là miếng cơm manh áo của anh và điều anh quan tâm là làm sao luôn giữ nó ổn định nhất.
Ngoài công việc đánh giày buổi sáng, buổi chiều anh Vương còn đi môi giới nhà đất, tour du lịch, tối thì đi bàn hàng kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống của anh nhờ thế cũng không còn vất vả như xưa. Tôi không gọi anh là “anh đánh giày ghét ẩu” như mọi người vẫn hay gọi, với tôi anh là “chàng đánh giày có tâm nhất Sài Gòn”.
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.