Trả lời câu hỏi Đọc hiểu Ra sông giặt áo cho chồng: Nhà thơ đã chọn hình tượng gì để gợi cảm hứng cho bài thơ? Ý nghĩa của hình tượng đó là gì? Xác định các yếu tố tạo nên chất dân gian của bài thơ? Xác định phép điệp cú pháp và nêu hiệu quả nghệ thuật phép điệp đó trong bài thơ. Viết đoạn văn ngắn ( khoảng 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về hình ảnh người vợ trong bài thơ.
Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi:
RA SÔNG GIẶT ÁO CHO CHỒNG
Ra sông giặt áo cho chồng
Mây xanh thả xuống một dòng sông xanh
Áo đạn xẻ, người đâu lành
Trường Sơn một cánh tay anh gửi rừng
Bến sông bóng chị rưng rưng
Sông bao nước mắt dửng dưng được nào?
Gái quê như hạt mưa rào
Đã vào tay lính là trao trọn đời
Mỗi năm chỉ một lần thôi
Áo Trường Sơn giặt lại phơi nắng hồng.
Ra sông giặt áo cho chồng
Thời gian và rối bòng bong tay người
Súng gươm một trận khóc cười
Gái quê buồn thả sông trôi se lòng.
Ra sông giặt áo cho chồng
Vắt vai cả một dòng sông mang về.
(Hồ Anh Tuấn, Trong tập thơ “Tự tình với mùa thu”, nxb Văn hóa Dân tộc, 2010)
Đọc hiểu Ra sông giặt áo cho chồng
Câu 1. Nhà thơ đã chọn hình tượng gì để gợi cảm hứng cho bài thơ? Ý nghĩa của hình tượng đó là gì?
Câu 2. Xác định các yếu tố tạo nên chất dân gian của bài thơ?
Câu 3. Xác định phép điệp cú pháp và nêu hiệu quả nghệ thuật phép điệp đó trong bài thơ
Câu 4. Viết đoạn văn ngắn ( khoảng 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về hình ảnh người vợ trong bài thơ.
Trả lời câu hỏi đọc hiểu
Câu 1.
– Hình tượng gợi cảm hứng cho bài thơ là: Tấm áo của người chồng đã hi sinh.
– Ý nghĩa: Ca ngợi những hi sinh cao cả của người lính Trường Sơn hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đem lại hòa bình cho đất nước. Đồng thời, thể hiện lòng thủy chung, son sắt, niềm tự hào của người vợ liệt sĩ.
Câu 2. Các yếu tố tạo nên chất dân gian của bài thơ là:
– Thể thơ lục bát thường gặp trong ca dao.
– Hình ảnh dòng sông, bến sông, mây xanh,…
– Sử dụng tóm lược một số đoạn ca dao, tục ngữ như: như hạt mưa rào (Thân em như hạt mưa rào/Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa), vò rối (rối như tơ vò).
Câu 3.
– Phép điệp cú pháp câu thơ: “Ra sông giặt áo cho chồng” lặp lại 4 lần, tính cả nhan đề bài thơ.
– Hiệu quả của phép điệp:
+ Thể hiện nỗi nhớ chồng trong những năm tháng anh chiến đấu xa nhà
+ Mỗi lần giặt áo và trở về nhà, người vợ thấy dòng sông như trở nên gần gũi, giống như hình bóng anh đang ở gần bên mình hơn.
+ Nhấn mạnh nỗi nhớ, tình yêu thương vô bờ của người vợ khi chồng mình đã đi xa.
Câu 4.
Hình ảnh người vợ trong bài thơ là một người vợ thủy chung, tự hào. Cô chấp nhận làm vợ lính, anh đi chiến đấu không hẹn ngày gặp lại và rồi hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nhưng cô vẫn một lòng chung thủy. “Mỗi năm chỉ một lần thôi” đó chính là lần giỗ chồng, nỗi nhớ và niềm tự hào lại dâng lên trong mỗi lần giặt áo. Qua bài thơ, ta càng biết ơn những người vợ liệt sĩ bao nhiêu năm, dù trong chiến tranh hay hòa bình, vẫn một lòng một dạ tình nghĩa thủy chung, trọn đạo vợ chồng, xứng đáng với truyền thống đạo lý của người Việt Nam ta.
–
Trên đây Topbee đã mang tới cho các bạn những kiến thức bổ ích qua bài Đọc hiểu Ra sông giặt áo cho chồng. Những câu trả lời dựa trên ngữ liệu văn bản, được chắt lọc kỹ càng đảm bảo chính xác nhất. Hy vọng bài đọc hiểu sẽ giúp các em học tốt môn Ngữ Văn!
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.