Giới thiệu cờ Shogi – biểu tượng nước Nhật
Shogi là một từ tiếng Nhật, có nghĩa là “ Tướng kỳ” hay “ Cờ tướng”. Tương tự như cờ tướng Trung Hoa, cờ vua,… cờ Shoghi có nguồn gốc bắt nguồn từ cờ Saturanga của Ấn Độ – một loại cờ có từ thế kĩ thứ V. Cờ Shogi có tên gọi khác là cờ Nhật bản hay cờ tướng Nhật Bản.
Cờ Shogi có 8 quân cờ khác nhau, người chơi sẽ phải điều khiển 40 quân cờ và người chiếu hết “Vua” của đối phương sẽ là người chiến thắng. Chỉ cần có bàn cờ và các quân cờ thì người chơi có thể chơi bất kỳ lúc nào bất kỳ nơi đâu. Tại Nhật Bản, cờ Shogi được phát triển mới từ những nền tảng cũ trước đó.
“Cầm, kì, thi, họa” là những thú vui tao nhã của các bậc hiền triết xưa. Trong 3 thú vui đó, chỉ riêng cờ là làm người ta nhất định phải phân thắng bại, có thể khiến người ta cay cú khi thua và vui mừng khi chiến thắng. Đặc biệt, ở Nhật, cờ shougi là loại phổ biến từ xưa đến nay. Với lối chơi độc đáo và luật có- một – không- hai, shogi thực sự đã hút rất nhiều sự quan tâm của tất cả mọi người Nhật ở mọi lứa tuổi.
Hôm nay, Học viện Board Game sẽ giới thiệu về lịch sử và luật chơi của cờ tướng Nhật Bản – Shogi đến các đồng môn nhé.
Thành phần bộ cờ Shogi bao gồm:
Bàn cờ Shogi
Trên bàn cờ Shogi, có kẻ 9×9 ô vuông, do đó tổng cộng có 81 ô vuông có trên bàn cờ. Các ô trống có kích thước là hình vuông hoặc chữ nhật đều được miễn sao ô trống đó đặt vừa được quân cờ.
Sẽ có 3 hàng ở phía mình được gọi là “sân nhà”, còn 3 ô sẽ nằm ở phía đối phương được gọi là “sân địch”. Khác với cờ vua, bàn cờ nhật Shogi không có màu đen trắng mà là một màu.
Các quân cờ Shogi
Các quân cờ shogi cũng khá tương tự như cờ tướng gồm có: 1 quân vua, 1 quân xe, 1 quân tượng, 2 quân tướng vàng, 2 quân tướng bạc, 2 quân mã, 2 quân hương xa và 9 quân tốt. Tổng cộng mỗi người chơi sẽ có 20 quân cờ khác nhau, mỗi quân cờ được thiết kế dạng hình nêm (nhìn trong hình) bên trên có ghi tên của quân cờ bằng mực đen.
Bên dưới quân cờ có chữ ghi bằng mực đỏ, khi quân cờ phong cấp thì sẽ lật mặt chữ màu đỏ lên để biết quân cờ này đã được phong cấp. Trên cơ bản thì quân cờ của cả hai bên đều giống nhau từ màu sắc đến hình dạng do đó người ta sẽ căn cứ vào hướng chỉ của quân cờ để phân biệt quân nào của bên nào.
Các quân cờ của hai bên không phân biệt màu mà hoàn toàn có màu giống nhau, các quân cờ có hình nêm nên hai người chơi dựa vào chiều của chỉ của quân cờ để biết được đấy là quân của bên nào.
Sau đây là bảng tên các quân với chữ Nhật tương ứng. Tên viết tắt dùng trong việc bình luận và ghi chép ván cờ.
竜 là dạng đơn giản của 龍.
Chữ viết trên mặt trái, của các quân để chỉ ra quân đã được phong cấp, thường được viết bằng mực đỏ theo kiểu chữ thảo rất khó đọc.
Sắp xếp bàn cờ Shogi
20 quân cờ của 2 bên bàn đầu khi thiết lập bàn cờ được sắp xếp theo các thứ tự như sau:
- Hàng cuối cùng, sát mép bàn cờ: được sắp xếp đối xứng. Trung tâm là 1 quân Vua. Thứ tự từ ngoài vào trong lần lượt là : Hương xa, Mã, Tướng bạc, Tướng vàng.
- Hàng thứ hai: chỉ có 2 quân cờ.
- Quân Tượng ở phía bên tay trái người chơi, vị trí phía trên Quân Mã trái.
- Quân Xe ở phía tay phải người chơi, vị trí trên Quân Mã phải.
- Hàng thứ ba: bao gồm 9 Quân Tốt.
Số người chơi và thời gian chơi Shogi
Thông thường một trò chơi Shogi gồm có 2 người chơi. Thời gian để mỗi bên chuẩn bị cho trận đấu là 2 phút. Thời gian thông thường cho mỗi trận đấu khoảng 1 tiếng. Đối với những kỳ thủ chuyên nghiệp thời gian thường kéo dài từ 8 – 16 tiếng. Còn đối với cờ nhanh thời gian kéo dài chỉ trong khoảng 20 phút.
Mục đích trò chơi
Giống với cờ Vua, mục đích cuối cùng của chơi cờ Shogi là chiếu hết Vua đối phương để kết thúc trận đấu.
Hướng dẫn cách chơi cờ Shogi chuẩn người Nhật
Cách di chuyển các quân cờ Shogi
Có 4 cách di chuyển cơ bản của các quân cờ: tiến, lấy, bắn, thành. Cách di chuyển của quân cờ tùy thuộc vào quân cờ (giải thích ở mục cách đi các quân cờ bên dưới), đầu tiền người chơi cần nhớ các bước của các quân cờ.
Tiến cờ:
Quân cờ nào cũng có thể tiến về trước. Có những quân cờ bạn sẽ di chuyển được nhiều bước, có những quân cờ sẽ nhảy băng qua được cờ của bạn và đối phương, cũng có những quân cờ chỉ tiền về phía trước và không được lùi.
Ăn cờ:
Trong trường hợp mà có quân cờ của đối phương ngay tại vị trí mà bạn muốn di chuyển thì bạn sẽ ăn cờ của đối phương. Sau đó bạn sẽ di chuyển cờ của bạn vào ô. Nếu cờ của bạn nằm tại vị trí mà đối phương muốn di chuyển đến thì bạn sẽ bị đối phương ăn mất quân cờ. Quân cờ bạn ăn được sẽ có thể sử dụng như một quân cờ mà bạn sở hữu, gọi là “Mochigoma”.
Thả quân:
Sử dụng các quân bắt được của đối phương trong thuật ngữ gọi là “thả quân”. Trong cờ Shogi các quân bị bắt theo đúng nghĩa đen, tuy nhiên người chơi có thể thả lại vào trong bàn cờ như là một quân của người đã bắt nó. Khi đến lượt chơi của mình, thay vì đi tiếp các quân cờ các kỳ thủ có thể đưa một quân bị bắt từ trước và đặt chúng (dưới dạng chưa phong cấp) ở bất kỳ ô nào còn trống trên bàn cờ và quân cờ đó sẽ trở thành một quân của kỳ thủ đó. Kỳ thủ chỉ được thả quân vào bất kỳ ô nào còn trống.
Khi thả quân bạn không được ăn quân của phe đối địch và quân đó sẽ không được phong cấp ngay nếu được thả trong vùng phong cấp nhưng lại có thể ăn quân và được phong cấp ở các nước đi kế tiếp.
Quân được thả phải có khả năng thực hiện nước đi hợp lệ như quân tốt, mã, hương xa không được phép thả trên hàng xa nhất hay mã cũng sẽ không được thả ở hàng 8.
Đối với quân tốt luật thả quân sẽ có quy định sau:
- Không thể thả quân tốt trên cùng cột với một quân tốt chưa được phong cấp của cùng bên. Nếu bạn có Tốt chưa phong cấp trên tất cả các cột sẽ không thả được quân tốt nào nữa.
- Quân tốt có thể thả để tạo thành thế chiếu Vương, nhưng không được thả để chiếu hết.
Phong cấp:
Đối với một kỳ thủ, “vùng phong cấp” là 3 hàng cuối tại phía bên kia của bàn cờ, hay nói một cách khác là 3 hàng sắp quân của bên đối địch khi ván cờ bắt đầu. Khi một quân cờ đi ngang qua ranh giới của vùng phong cấp (dù là đi ngang qua để đi vào hay đi ngang qua để đi ra, nhưng không phải là “thả quân”) thì quân cờ đó có thể được phong cấp, nhưng không bắt buộc. Khi chọn phong cấp thì quân cờ sẽ được lật ngược để hiện ra giá trị mới của nó.
Một quân sau khi được phong cấp sẽ có cách đi mới. Luật phong cấp cho các quân là:
- Vua và Tướng vàng không bao giờ được phong cấp; và một quân đã được phong cấp sẽ không được phong cấp thêm.
- Tướng bạc, Mã, Hương xa và Tốt, sau khi được phong cấp, sẽ không đi như cũ mà đi như một Tướng vàng.
- Tượng và Xe, sau khi được phong cấp, sẽ giữ cách đi cũ và thêm cách đi của Vua. Điều này có nghĩa là Tượng sau khi được phong cấp sẽ có thể đi đến toàn thể các ô trên bàn cờ.
Tuy không bắt buộc nhưng khi một Tốt, Mã hay Hương xa đến hàng cuối cùng của bàn cờ thì nó phải được phong cấp, nếu không nó sẽ không còn nước đi. Với cùng lý do, khi một Mã đến hàng trước hàng cuối cùng thì nó cũng phải được phong cấp.
Sau khi bị bắt thì các quân phong cấp trở lại dạng bình thường (chưa phong cấp) của chúng.
Cách đi của từng quân cờ trên bàn cờ Shogi
Quân Vua: có thể đi/ăn quân 1 ô một lần theo mọi hướng.
Tướng Vàng: có thể đi được 1 ô về mọi hướng, trừ 2 nước đi chéo về sau ( tổng 6 cách đi). Không được phong cấp.
Tướng bạc: đi 1 ô theo 4 đường chéo và 1 ô tiến về phía trước ( tổng 5 cách đi). Sau khi phong cấp: tướng bạc đi như Tướng vàng.
Tượng: có thể theo 4 đường chèo bao nhiêu ô tùy ý, miễn là không bị chặn quân. Sau khi phong cấp: có thể đi như Tượng hoặc như Vua.
Xe: có thể đi ngang hoặc dọc bao nhiêu ô tùy ý, miến không bị chặn. Sau khi phong cấp: có thể đi như Xe hoặc Vua.
Mã: đi như Mã trong cờ vua, tức là đi theo hình chữ L, nhưng chỉ đi tiến lên đằng trước như hình ( 2 cách đi) và có thể nhảy qua các quân khác. Khi đến hàng 8 hoặc 9, Mã sẽ được phong cấp. Sau khi Phong cấp: Mã đi như Tướng vàng.
Hương xa: chỉ có thể đi theo chiều dọc, tiến lên phía trước. Sau khi phong cấp: Hương xa đi như Tướng vàng.
Tốt: chỉ đi thẳng phía trước 1 ô. Sau khi phong cấp: Tốt đi như Tướng vàng.
Nhập thành Yagura
Nhập thành Yagura được coi là một trong những thế nhập thành mạnh nhất trong shōgi. Yagura bảo vệ Vua rất vững chắc; một hàng tốt an toàn; các quân Tượng, Xe và một Tốt chuẩn bị một cuộc tấn công với sự hỗ trợ của Tướng bạc hoặc Mã cạnh Xe. Tuy vậy đối thủ cũng dễ dàng nhập thành y hệt nên không bên nào có lợi thế.
Kết thúc ván cờ
Một kỳ thủ bắt được Vua của đối phương là người thắng cuộc. Trong thực tế việc này ít xảy ra vì một bên sẽ tự nhận thua khi thấy không cứu vãn được thất bại.
Nếu một bên không bị chiếu nhưng không có nước đi hợp lệ thì sẽ bị xử thua (giống cờ tướng).
Trong shōgi chuyên nghiệp, một kỳ thủ đi sai luật sẽ bị xử thua ngay. Trong các giải khác việc này được nhân nhượng đôi chút.
Có 2 cách hòa cờ trong shōgi: lặp lại nước đi (千日手 sennichite) và Vua cùng tồn tại (持将棋 jishōgi).
Nếu thế cờ lặp lại 4 lần với nước đi của cùng một kỳ thủ, thì ván cờ coi là không được tính. Hai thế cờ được coi là giống nhau khi quân trong tay và thế cờ trên bàn cùng giống nhau. Tuy nhiên, thế cờ đó không được là thế chiếu Vua, kỳ thủ nào chiếu lặp 4 lần sẽ bị xử thua ngay.
Trong shōgi chuyên nghiệp các ván cờ hòa theo kiểu lặp nước này sẽ không tính là một ván hòa mà các kỳ thủ sẽ chơi lại ngay ván khác, với màu quân thay đổi và thời gian ít hơn.
Ván cờ hòa với Vua cùng tồn tại (jishōgi) khi cả hai quân Vua cùng vào vùng phong cấp của bên mình và cả hai đều không còn khả năng chiếu hết đối phương hoặc ăn thêm quân. Khi tình trạng này xảy ra thì dùng cách tính điểm các quân của từng bên để tìm ra người thắng cuộc: mỗi quân Xe hoặc Tượng tính 5 điểm, và các quân khác trừ Vua tính 1 điểm (quân phong cấp chỉ tính như quân thường). Bên nào có ít hơn 24 điểm sẽ bị xử thua. Nếu cả hai bên đều có ít hơn 24 điểm thì ván cờ sẽ không được tính.
Năng lực cần thiết trong cờ Shogi
Năng lực cần thiết trong cờ Shogi đó là “năng lực dự đoán nước cờ”. Bí quyết là bạn cần phải suy nghĩ được 3 nước cờ tiếp theo trên bàn cờ như bạn phải suy nghĩ quân cờ nào đặt ở đâu, ngoài ra còn phải suy nghĩ đối phương sẽ di chuyển quân cờ nào đến vị trí nào, thậm chí là bản thân sẽ di chuyển thả quân như thế nào… Dù là số lượng quân cờ nhiều, khi di chuyển trên bàn cờ, bạn cần phải suy nghĩ ra 3 bước đi và phải dự đoán được các bước tiếp theo.
Chiến lược và chiến thuật chơi shōgi
Do quân của shōgi không bị chết mà chỉ bị bắt và thay đổi từ bên này qua bên kia nên càng đổi quân, ván cờ càng phức tạp. Khai cuộc diễn biến chậm, trung cuộc tăng tốc và tàn cuộc là một cuộc chạy đua ác liệt xem ai chiếu hết trước đối phương. Tỷ lệ hòa cờ, do đó, chỉ là 1-2%.
Thả quân là một trong những điểm độc đáo và hấp dẫn nhất của shōgi so với cờ vua hay cờ tướng. Khả năng này tạo ra một chiến lược mới, và người chơi phải tập trung phòng thủ nhiều hơn. Tấn công chớp nhoáng sẽ tạo ra nhiều lỗ hổng trong thế trận ở nhà và tạo điều kiện cho đối phương thả quân phản công ngay khi có quân cầm ở tay. Vì Tốt tấn công trực diện và không thể bảo vệ lẫn nhau, chúng thường bị mất lúc khai cuộc và là quân thích hợp để thả trong các trường hợp trên. Thả một quân Tốt sau tuyến phòng thủ của đối phương, phong cấp cho nó và thả quân Tốt khác ngay sau để bảo vệ quân Tốt trước là cách tấn công hiệu quả.
Phối hợp trong việc thả quân là một chiến thuật quan trọng của shōgi. Nên giữ một quân Tốt trong tay để tấn công, và tính toán các thế thả quân có thể.
Quyết định ngay trong khai cuộc có nên trao đổi Tượng hay không cũng là một vấn đề cần suy nghĩ. Nếu đổi, quân Tượng này có thể thả vào đất địch tấn công 2 quân của đối phương cùng một lúc. Kể cả khi bị đuổi phải rút về, quân Tượng này có thể được phong cấp và thống trị bàn cờ.
Tuy vậy, các quân tấn công có thể bị mắc kẹt lại ở phần đất địch khi đối phương thả một quân Tốt chặn đường rút về. Vì vậy quân Xe mạnh nhất thường đứng xa từ sân nhà hỗ trợ cho các quân khác yếu hơn tấn công.
Một loại tấn công phổ biến dùng Tướng bạc (bogin) là tấn công bằng cách đưa một quân Tướng bạc lên cùng hàng với cột có quân Xe. Vì Tướng bạc có thể lùi dễ dàng trong khi Tướng vàng lại bảo vệ tốt các quân ở cạnh mình, nên Tướng bạc dùng chủ yếu khi tấn công, còn Tướng vàng chủ yếu cho phòng thủ.
Có rất nhiều các khai cuộc “chuyển Xe” (furibisya), trong đó quân Xe di chuyển về hướng trung tâm hoặc bên trái của bàn cờ để hỗ trợ tấn công. Tuy vậy vì là quân mạnh nên Xe cũng bị tập trung tấn công bởi các quân khác yếu hơn, nên thông thường Vua và Xe được đặt ở hai cánh khác nhau để đảm bảo an toàn cho Vua.
Tiến Tốt biên có thể giúp phát động tấn công từ hai cánh. Thông thường khi một bên tiến Tốt biên, bên kia phải quyết định có nên tiến Tốt biên đối đầu ngay để tránh các trung cục phức tạp, hoặc dành nước đi đó cho phản công trên cánh đối diện.
Vì phòng thủ là rất quan trọng cùng với việc các quân của shōgi đi khá chậm chạp, giai đoạn khai cuộc thường kéo dài chừng 20 nước hoặc hơn với việc sắp xếp Xe, Tượng và đưa Vua vào vị trí an toàn trước khi tổ chức tấn công.
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.