85 lượt xem

Làm Sao Để Chơi Cờ Tướng Giỏi

Phương pháp hiệu quả để nâng cao nhanh chóng trình độ cờ tướng

(Chia sẻ từ một kỳ thủ chuyên nghiệp bên Trung Quốc)

Người dịch: Tiểu tử thích cờ

Do vốn tiếng Trung có hạn nên trong khi dịch không tránh khỏi thiếu sót, rất mong nhận được sự góp ý của quý bạn yêu cờ.

Tiểu tử thích cờ – Admin Web Cờ Tướng

Việc nâng cao kỹ năng chơi cờ một cách nhanh chóng và hiệu quả là điều mà nhiều kỳ thủ nghiệp dư mong muốn. Tôi biết nhiều người, đã chơi cờ trong một khoảng thời gian dài, song trình độ của họ vẫn chưa có nhiều tiến bộ.

Hôm nay, tôi muốn chia sẻ với các bạn về quá trình luyện cờ của những kỳ thủ chuyên nghiệp, hy vọng giúp cho các bạn tránh khỏi những con đường sai lầm, từ đó nhanh chóng nâng cao sức mạnh của mình trong cờ tướng.

Ở đây, tôi giả định rằng tất cả mọi người đều đã biết về bàn cờ và quân cờ cũng như cách đi và ăn quân, ví dụ như Mã nhật 日 Tượng điền 田.

Đầu tiên, chúng ta sẽ nói về kỹ năng cơ bản trong cờ tướng.

Đa số người ham mê cờ tướng, sau khi hiểu biết về quân cờ và quy tắc, ngay lập tức đi tìm đối thủ để tỉ thí (đánh cờ bàn hoặc chơi online). Sau một thời gian dài, họ cảm thấy không có sự tiến bộ hoặc tiến bộ rất chậm. Vì sao vậy?

Lí do chính là họ không có kỹ năng cơ bản.

Những người yêu thích cờ tướng này, sau một thời gian, dựa vào khả năng bản thân và kinh nghiệm tổng hợp, có thể vượt qua một số đối thủ trình độ nhập môn. Nhưng khi chạm trán với những người có trình độ, họ sẽ ngay lập tức lộ rõ thực lực của mình. Vì sao vậy?

Vẫn là vì họ thiếu kỹ năng cơ bản!

Mua bàn cờ tướng uy tín

Phân phối bởi Web Cờ Tướng

Mua bàn cờ tướng uy tín
Mua trên Shopee
ghi bien ban co tuong
Mua trên Shopee
Mua trên Shopee

Có người hỏi: Chơi cờ tướng có cần kỹ năng cơ bản không?

Đáp: Có! Bất kỳ nghệ thuật trí tuệ hay thể thao nào cũng cần kỹ năng cơ bản. Càng là cao thủ, càng cần phải rèn luyện kỹ năng cơ bản!

Có người hỏi: Biết cách đi của quân Mã hay quân Tượng, đó có phải là kỹ năng cơ bản không?

Đáp: Không phải! Đó chỉ là kiến thức thông thường, không có gì gọi là kỹ năng!

Có người hỏi: Nếu thiếu kiến thức cơ bản về cờ tướng, liệu điều đó có ảnh hưởng đến khả năng chơi cờ của tôi không?

Đáp: Bạn vẫn có thể chơi cờ tướng, nhưng sẽ không thể chơi tốt. Nếu thiếu kiến thức cơ bản, bạn sẽ phải đi đường vòng, và rất nhiều người đã đi trên con đường này suốt cả đời.

Câu hỏi: Vậy kỹ năng cơ bản trong cờ Tướng là gì & làm sao để chơi giỏi cờ tướng?

Ồ, tôi uống ly trà trước đã.

Có ba phần cơ bản trong cờ Tướng:

  • Luyện tập giải các tàn cuộc trong ít nhất 6 tháng – Giúp rèn luyện khả năng tính toán và hiểu về sức mạnh của từng quân cờ cũng như cách phối hợp chúng với nhau.
  • Có khả năng ghi nhớ và phân tích lại ván cờ vừa chơi để hiểu được những lỗi mình mắc phải – Giúp cải thiện kỹ năng tính toán và hiểu sâu hơn về cách đi cờ.
  • Học các cổ phổ trong ít nhất một năm – Phát triển hiểu biết toàn diện về cách khai, trung, tàn cuộc, từ đó lĩnh hội sâu hơn về ý nghĩa của cờ tướng

Lưu ý rằng đây không phải là chỉ ăn với chơi cờ, mà tối thiểu hãy dành mỗi ngày một tiếng.

Các bạn hãy giúp mình đăng ký kênh YouTube nha. Sự ủng hộ của mọi người là động lực rất lớn với đội ngũ biên tập. Xin cảm ơn!

https://www.youtube.com/@tieututhichco

Trên đây chỉ là những kỹ năng cơ bản, tôi không nói rằng bạn sẽ chơi cờ tướng giỏi chỉ bằng việc nắm vững chúng! Nhưng nếu bạn muốn tiếp tục phát triển khả năng chơi cờ và không ngừng tiến bộ, những điều trên đây là những yếu tố cơ bản nhất.

Không có khả năng tính toán, thậm chí không có khả năng phân tích lại các nước cờ đã chơi, cũng không thể ghi nhớ được vài chục cục cờ, bạn sẽ mãi chỉ là một người yêu thích cờ tướng. Chơi cho vui thì không có vấn đề gì, bạn vẫn đánh thắng một cơ số người mà, nhưng bạn sẽ không thể trở thành một cao thủ vì thiếu hụt kỹ năng cơ bản!

“Chân truyện nhất cú thoại, giả truyện vạn quyển thư”

Lược dịch: Điều đích thực chỉ cần một câu, điều giả dối cần vạn quyển sách.

Nếu bạn tận tâm thực hiện những điều đã nói ở trên trong vòng một năm hoặc thậm chí lâu hơn, đồng thời có thể chơi thực chiến thường xuyên, đảm bảo trình độ của bạn sẽ cao hơn rất nhiều so với những người chỉ biết chơi trên mạng hoặc với bạn bè mà không nghiêm túc.

Bạn nói điều này rất tẻ nhạt?

Đúng, nó rất tẻ nhạt!

Chỉ khi kiên trì vượt qua các thử thách mới có thể đạt được thành công, giống như câu danh ngôn “Hoa mai tỏa hương giữa giá rét mùa đông”. Thật đúng như vậy.

Khi bạn đang đối đầu với một đám đông trong sân trường và nhìn vào đôi mắt ngưỡng mộ của những cô gái xung quanh, thì dù có tẻ nhạt đến đâu cũng đáng đấy ^^

Tôi nói hơi nhiều rồi, cũng để xem mọi người phản ứng ra sao, nếu mọi người không phiền và còn muốn nghe, tôi sẽ cụ thể nói về cách phát triển ba kỹ năng cơ bản này một cách đúng đắn, chẳng hạn như:

  • Xem các tình huống cờ tàn nào?
  • Những cuốn sách cờ tướng nào nên học?
  • Và làm thế nào để học?

Học cờ tàn

Cờ tàn được chia thành ba loại, bao gồm tàn cục căn bản, tàn cục thực chiến và tàn cục nghệ thuật.

  • Tàn cục căn bản là để cho bạn biết về Pháo Tốt có thể chiến thắng Sĩ Tượng toàn hay không? Ngọa tào mã kết hợp với các quân khác như thế nào? Hay cách song Sĩ (song Tượng) đối phó khi đối phương một Mã. Đây là các tình huống cờ tàn căn bản, tương tự như các kỹ thuật đấm bốc cơ bản trong quyền Anh.
  • Tàn cục thực chiến là những tình huống cờ tàn được các vị danh thủ xử lý trong các trận đấu.
  • Tàn cục nghệ thuật là loại cờ tàn được thiết kế ra để thưởng thức hoặc để đố nhau, chúng ta vẫn gọi là cờ thế.

Sau đây, tôi sẽ nói về một số trải nghiệm của bản thân liên quan đến việc học cờ tàn.

Rất nhiều bạn bè của tôi mắc phải một sai lầm.

Họ thích nghiên cứu các tàn cuộc giang hồ phức tạp nhất có thể, mong muốn chơi tới 500 hiệp rồi kết quả là một trận hoà. Họ cứ nghĩ rằng càng phức tạp thì khả năng của họ càng cao.

Điều này hoàn toàn sai lầm!

Tàn cục giang hồ xuất phát từ giang hồ, một trò chơi đầy rẫy những cạm bẫy chết người! Để giải thích rõ hơn, nó giống như võ thuật biểu diễn. Được mọi người ngưỡng mộ, thậm chí họ còn sẵn sàng quyên tiền cho bạn. Nhưng khi phải chiến đấu thực sự thì câu chuyện lại hoàn toàn khác.

Dù bạn có nhớ được 500 tàn cuộc giang hồ, điều đó không có nghĩa là khả năng thực chiến của bạn cũng cao tương ứng. Gặp những chuyên gia giải cờ thế tại những lễ hội, có chắc rằng tên của họ xuất hiện trên bảng anh hùng???

Ngược lại, nếu bạn nghiên cứu một bài cục cực kỳ độc đáo, chưa ai từng thấy, và sau đó mang nó đến để cho Hồ Vinh Hoa giải. Giả như ông ta cũng không thể giải được ngay tại chỗ, điều này có nghĩa là khả năng thực chiến của ông ta kém chăng?

Vẫn là câu nói cũ, tìm hiểu về cờ thế giang hồ có thể cải thiện một số khả năng tính toán, nhưng nó chỉ là một trò chơi, không phải là đối kháng chính thống!

Nếu bạn muốn nâng cao khả năng thực chiến bằng cách luyện tập cờ thế giang hồ, có lẽ bạn đang tìm kiếm một điều không thể đạt được. Hãy thận trọng!

Tất nhiên, nếu bạn nói mình thích sự hoa mỹ của các thế cờ giang hồ, đó cũng là điều bình thường và không có gì đáng trách!

Ứng dụng cờ tàn trong thực chiến như thế nào?

Có một số bạn hỏi rằng: “Tôi đã luyện tập nhiều ván tàn cục và tôi cũng đã nắm được các sát pháp cơ bản, nhưng tại sao tôi cảm thấy không thể áp dụng chúng trong thực chiến?”

Điều quan trọng ở đây là trong thực chiến, khả năng xử lý ván cờ ở giai đoạn trung cục, đặc biệt là giai đoạn chuyển tiếp từ trung cục sang tàn cục, mới là yếu tố quan trọng, không phải là tàn cục.

Để giải thích đơn giản, nếu bạn muốn sử dụng Xe Tốt để phá Sĩ Tượng Toàn, bạn không thể đánh mất cả hai Xe trước khi chuyển sang giai đoạn tàn cục được. Vì vậy, trong giai đoạn trung cuộc, bạn cần phải suy nghĩ kỹ lưỡng! Điều này rất quan trọng!

Rất nhiều người chơi cờ với tâm trí lơ đễnh, chỉ khi vào đến giai đoạn tàn cuộc mới bắt đầu suy nghĩ, và thường rất bị động.

Trong thực chiến, điều gì là quan trọng nhất khi chơi tàn cục?

Nếu khi vào tàn cục thắng bại đã được xác định rồi, thì không có gì để nói nữa.

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, khi chơi đến tàn cục, tình hình vẫn chưa rõ ràng. Lúc đó, điều cần thiết nhất là gì? Ha ha, đó là sức khỏe và sự kiên nhẫn.

Để tôi kể cho bạn một câu chuyện vui khi tôi tham gia giải cờ tướng cách đây hơn chục năm. Trận đấu kéo dài từ lúc 13h00 cho đến 17h30, nhưng vẫn không thể quyết định thắng bại. Từ lúc bước vào thời gian tàn cục, cả hai bên đều nhận ra rằng sẽ là một trận hòa! Chỉ là tôi hơi chiếm ưu thế.

Xem thêm  BAO LÂU THÌ BẠN NÊN GIẶT GIÀY MỘT LẦN ĐỂ GIÀY LUÔN BỀN ĐẸP?

Tuy nhiên, nếu tôi thắng, đội của tôi sẽ giành được chức vô địch, trường hợp mất điểm, đội của tôi sẽ chỉ có huy chương bạc mà thôi. Làm sao có thể chấp nhận chia điểm đây?

Sau hơn 4 giờ đấu tranh gay gắt, đối thủ cuối cùng cũng phạm sai lầm và để tôi ăn quân, rồi đành phải thua. Sau trận đấu, tôi mời đối thủ đi ăn và liên tục xin lỗi. Tôi nói rằng lý do tôi có thể thắng chỉ đơn giản là do bữa trưa tôi ăn nhiều hơn nên có thể chịu đựng được thôi.

Đây là một ví dụ cực đoan, trong nhiều năm thi đấu của tôi chỉ xuất hiện một lần như vậy. Tuy nhiên, nó cho thấy một vài điểm:

  • Những định thức về các tình huống tàn cục không phải lúc nào cũng đúng trong thực tế. Ví dụ như khi giải các bài tập tàn cục, chúng ta thường có khái niệm cố định rằng, Mã Tốt sẽ không bao giờ thắng được Sĩ Tượng toàn. Tuy nhiên, trong thực tế không nhất thiết phải vậy.
  • Trong thực chiến, tàn cục giống như đấu võ trong đêm tối, hai người đều không dám thở to, phải có tâm lý cẩn trọng hơn cả trong khai cuộc và trung cuộc mới được.
  • Khai cuộc giống như một vị tướng chỉ huy, đòi hỏi phải có tầm nhìn toàn cục. Trung cuộc giống như một võ sĩ đấu vật chuyên nghiệp so đọ nội công. Tàn cuộc giống như một sát thủ vụng trộm trong đêm tối, chiến đấu bằng mưu mô thủ đoạn, chiêu pháp bất ngờ.
  • Bạn có thể bắt đầu rèn luyện cờ tàn từ cuốn sách nào? Có rất nhiều tài liệu về tàn cục trong thời kỳ nhà Minh và nhà Thanh, nhưng đa số có mùi vị của tàn cục giang hồ. Nếu bạn mới bắt đầu, hãy chọn một cuốn sách như “Tượng kỳ sát pháp đại toàn” của một đại sư hiện đại. Tên sách cụ thể tôi sẽ không nói để tránh bị nghi ngờ bán sách, bạn có thể tìm trên mạng sẽ có rất nhiều.
  • Đối với các thế cờ giang hồ nổi danh như “Thất Tinh Tụ Hội“, “Dã Mã Thao Điền” thì vẫn cần phải hiểu biết một chút. Hiểu biết về nó có ích gì không? Đơn giản là để lừa người và không bị người lừa thôi. Khi khoe khoang, chúng ta cũng phải có tí vốn trong bụng phỏng không ạ!
  • Phải thuộc lòng các bài tập tàn cục sao? Nếu chỉ nghĩ việc thuộc lòng là điều đòi hỏi cao nhất thì đó là sai lầm. Thực hành tàn cục giúp rèn luyện khả năng tính toán và kỹ năng tác chiến của quân cờ. Quan trọng không phải chỉ thuộc lòng các nước đi trong bài tập, mà là khi giải quyết các bài tập tàn cục, cần phải hiểu rõ cách sử dụng từng quân cờ. Đây là bước đầu tiên để đạt được sự hoà hợp giữa chúng ta và cờ. Để giải thích một cách đơn giản, đó là bạn biết các quân như Xe, Mã có thể tác chiến như thế nào.
  • Mục đích của việc làm các bài tập tàn cục không chỉ dừng lại ở việc đưa ra đáp án, mà là để liên tục nghiên cứu quá trình giải quyết sau khi đã giải xong. Nếu chỉ làm xong bài tập rồi bỏ nó sang một bên thì tiến bộ sẽ rất chậm.
  • Đừng nghĩ rằng tôi đã giải quyết được tất cả các bài tập tàn cục, tôi sẽ trở thành vô địch. Điều này chỉ là cơ bản, con đường phía trước còn dài đó. Nó chỉ giống như việc bạn đã mua vé tàu, nhưng chuyến tàu vẫn chưa khởi hành. Chẳng ai đối đầu với bạn ngay lập tức trong tàn cục, hãy từng bước một, trong khai cuộc và trung cuộc.
  • Không đề xuất mua những cuốn tàn cục đủ loại đến cả ngàn bài tập, chỉ nhìn thôi đã thấy ngợp rồi. Một cuốn sách mỏng có khoảng 180 bài tập là đủ, nhưng cần phải bao gồm đầy đủ các phương pháp sát chiêu cơ bản, không cần nhiều mà cần chính xác, phải nghiên cứu lại từng bước giải quyết các bài tập.
  • Đối với các ví dụ thắng trong tàn cục, không phải chỉ cần nhớ để thuộc lòng, mượn một câu nói học tiếng Anh: quên đi ngữ pháp, hãy cứ nói tự nhiên.
  • Không nên dành phần lớn thời gian trong đời để luyện tàn cục. Chúng ta nên xây dựng nền tảng tốt và tiếp tục xây lên tầng thứ hai, thứ ba, và không chỉ dừng lại ở đó.
  • Không phải khi luyện tập tàn cục thì không thể học thứ gì khác. Mà là trong giai đoạn bắt đầu học, ít nhất 60 đến 70% năng lượng phải dành cho tàn cục. (Thực ra trong giai đoạn này bạn cũng không thể học được gì khác, vì không thể hiểu được).
  • Nhiều người nói tàn cục không quan trọng. Khai, trung quan trọng hơn. Tôi nghĩ khai, trung và tàn cục đều quan trọng như nhau. Nhưng khai , trung ở một mức độ phức tạp hơn Tàn cục. Hãy bắt đầu từ những điều cơ bản nhất, từ từ học lên. Tàn cục có ít quân, tình huống khá rõ ràng, thích hợp cho người mới bắt đầu. Nếu để một người vừa mới học cờ, nghiên cứu chiến thuật của trung cục ngay lập tức, thì quá tàn nhẫn với họ. Nếu chỉ tập trung nghiên cứu khai cục mà không có sức mạnh ở trung cục, bạn sẽ trở thành kẻ vô địch trong mười nước, nhưng khi đến trung cục, bạn sẽ thua ngay lập tức. Cần từng bước một, chậm mà chắc.

Ghi nhớ và phân tích ván cờ

Phía trên tôi đã chia sẻ về vấn đề tàn cục trong kỹ năng cơ bản của cờ tướng, hôm nay chúng ta sẽ nói về khả năng phân tích lại trận đấu (hay còn gọi là phục bàn “复盘”)

Phục bàn được hiểu là sau khi đánh xong một ván cờ, phải nhớ lại và giải thích những nước cờ tuyệt vời hay những nước đi tồi tệ trong trận đấu.

Điều này cũng là kỹ năng cơ bản của những kỳ thủ chuyên nghiệp, phải nói là kỹ năng cơ bản đến cực độ. Tôi nhận thấy rất nhiều người yêu thích cờ tướng, đã chơi cờ rất nhiều năm nhưng vẫn chưa thể thực hiện được kỹ năng cơ bản này. Điều này không phải do họ không có khả năng, mà là do không có ai nói với họ về sự quan trọng của việc phục bàn!

Có người nói rằng không cần thiết phải làm vậy, tôi có thể ghi nhớ nước đi bằng cách viết ra giấy: P2-5 , M2.3, …

Nhưng thật sự thì việc này rất cần thiết, không phải để tiết kiệm giấy mà ở chỗ khác.

Từ lâu lắm rồi tôi đã nghe một câu chuyện, kể rằng có một đứa trẻ đứng nhìn hai ông lão đánh cờ. Đang đánh đến giữa chừng thì bàn cờ bị đổ, đứa trẻ này có thể sắp lại tất cả các quân cờ rơi ra đúng vị trí ban đầu, tất cả mọi người đều ngỡ ngàng và nói đó chắc chắn là một thần đồng!

Đối với các kỳ thủ chuyên nghiệp, câu chuyện này khá hài hước. Mới thế này mà đã gọi là thiên tài ư? Đây chính là khoảng cách giữa người mới học và kỳ thủ chuyên nghiệp. Những điều mà bạn cảm thấy rất kỳ diệu, đối với những kỳ thủ chuyên nghiệp, chỉ là kiến thức cơ bản. Họ không chỉ có thể đặt lại quân cờ cho bạn, mà còn có thể dùng khả năng phục bàn đó để lặp lại từng bước cờ mà bạn đã đánh. Điều này được gọi là khả năng phục hồi lại cục cờ.

Mời bạn tham gia group Hội những người yêu cờ để cùng nhau phát triển kỳ nghệ nhé.

Khả năng phân tích lại ván cờ không phải là bạn vừa đi vừa nhớ kịch bản. Thay vào đó, bạn chỉ cần đánh như thường lệ mà không cần suy nghĩ đến nhiệm vụ phục bàn. Sau khi xong ván, bạn mới cần khôi phục lại trong tiềm thức về các nước để phân tích lại trận đấu đó.

Điều này có nghĩa là, với một trận đấu, tổng số nước đi của cả hai bên là khoảng 60 nước (ít hay nhiều tùy thuộc vào từng trận đấu cụ thể), bạn có thể lưu trữ và truy xuất thông tin lớn này một cách nhanh chóng trong đầu mình. Thực tế, điều này cũng đại diện cho năng lực cơ bản của bạn trong đánh cờ. Khi bạn có thể nhớ lại các nước đi của ván đấu một cách dễ dàng, khả năng tính toán của bạn sẽ được cải thiện rất nhiều. Mọi người có thể thử làm điều này.

Một số người mới học cảm thấy điều này nghe có vẻ khó, một số bạn cũng đã than phiền với tôi rằng “Tôi không thể nhớ được, đây là một nhiệm vụ bất khả thi với tôi, liệu trí nhớ của tôi có kém không?” Làm thế nào để giải quyết vấn đề này?

Đầu tiên, khi các kỳ thủ chuyên nghiệp được người khác khen ngợi vô số lần về khả năng ghi nhớ tốt, thông minh thì họ vẫn tỏ ra vui, nhưng trong lòng họ biết rằng điều này gần như không có liên quan gì đến việc thông minh hay không, đó là một loại khả năng. Nó không khác gì việc tôi có thể nâng tạ được 50 cân, còn bạn có thể nâng được 60 cân. Tất cả chỉ phụ thuộc vào việc bạn đã dành thời gian để rèn luyện hay chưa.

Nói qua 1 chút, thực tế, ban đầu tôi không cố ý phát triển năng lực phân tích lại từng bước này. Như một kỳ thủ chuyên nghiệp, trong quá trình huấn luyện hàng ngày, tôi đã tự động hóa quá trình này.

Tiếp theo, vì đó là một năng lực, nên không thể hôm nay xem một lần, ngày mai làm được rồi. Khả năng phân tích sau trận đấu được xây dựng từng bước một, và có một số phương pháp nhất định. Bây giờ tôi sẽ cố gắng đưa ra một số bước và phương pháp để phát triển khả năng này.

Học cách ghi biên bản cờ tướng

Bạn sẽ biết cách ghi chép các trận đấu cờ tướng. Điều này khá đơn giản, nên mình sẽ không nói nhiều.

Ghi biên bản cờ tướng

Hãy tìm một người bạn để đấu cờ với bạn.

Trong lúc chơi, hãy luôn ghi chép lại các nước cờ. Sau khi chơi xong, hai người cùng nhớ lại các nước cờ đã đi. Ban đầu, bạn chỉ cần nhớ các nước cờ của mình, điều này sẽ giảm bớt một nửa khó khăn.

Hãy nhớ luôn ghi chép lại các nước cờ đã đi, dù đó là một việc đơn giản, nhưng đó chính là cách giúp bạn tiến bộ dần dần, hãy thử xem sao.

Thái độ khi chơi cờ chỉ với tinh thần giải trí và thái độ chơi với tất cả tâm huyết là hoàn toàn khác nhau, và sự tiến bộ trong kỹ năng cờ của bạn cũng sẽ khác biệt lớn. Hãy điều chỉnh thái độ của mình, bắt đầu từ việc ghi chép các nước cờ đã đi.

Xem thêm  Chơi Game Trong Máy Tính

Hãy ghi nhớ các cục cờ cổ (đối cục, không phải tàn cục)

Hầu hết các đối cục cờ cổ đều không quá dài, phù hợp để thuộc. Bạn có thể không cần thuộc hết tất cả các biến trong thời gian đầu.

Tìm một ván cờ hiện đại: Link

Ví dụ như trận đấu của các danh thủ trong giải Vô địch cá nhân năm nay. (Cục của thần tượng chắc chắn sẽ mang lại hứng thú cho bạn đúng không).

Đầu tiên xem biên bản của trận đấu từ một đến ba lần, trong khi đi hãy phân tích một chút tư duy của danh thủ. Sau đó, để biên bản qua 1 bên và tìm một người bạn, hoặc giả định có một người đối diện, giới thiệu trận đấu từ đầu đến cuối cho họ xem, đồng thời nói về quan điểm của bản thân. Hãy xem liệu bạn có thể tạo ra lại trận đấu của danh thủ hay không.

Tất nhiên ở giai đoạn đầu bạn có thể không nhớ hoàn toàn được, hãy giữ biên bản và nếu không nhớ ra thì xem lại, dần dần sẽ có khả năng.

Mục đích của việc học thuộc những trận đấu cổ điển và xem những trận đấu hiện đại là khác nhau. Thực tế, nhiều trận đấu cổ điển trong ngày nay gần như không còn ai dùng trong đấu giải.

Tuy nhiên, khi chơi thông thường có thể gặp phải. Khi hai bên chênh lệch trình độ quá lớn có thể gặp phải. Và khi cả hai đều biết cục đó thì có thể gặp phải (như trường hợp của tôi trong một trận đấu, khi cùng đối phương chơi theo lối trong Mai Hoa Phổ, chúng tôi đã đi được vài chục nước và đều không dám thay đổi nước đi, cũng không muốn thay đổi, sợ làm hỏng cái ý cảnh đó). Mặc dù gặp rất ít, nhưng tôi vẫn khuyên bạn nên xem qua, về lý do tại sao thì tôi sẽ nói rõ hơn sau này.”

Trong số bốn điểm trên, nếu bạn thật sự không có thời gian, xin hãy nhất định giữ vững điểm thứ ba, đó là thuộc lòng các cục cờ cổ. Điều này thực sự là một lời khuyên chân tình.

Kỹ năng được xây dựng từng chút một, không thể đạt được ngay lập tức, nhưng chỉ cần bạn làm theo bốn điểm trên, trong vòng từ ba tháng đến nửa năm, ít nhất khả năng tính toán của bạn sẽ được cải thiện đáng kể.

Khả năng đánh giá lại các nước cờ là một vấn đề về phẩm chất của người chơi cờ tướng, đó là sự phản ánh của một kỹ năng tổng hợp, kỹ năng này rất gắn liền với khả năng tính toán. Những người yêu thích cờ tướng và muốn cải thiện khả năng tính toán của mình đều có thể thử làm.

Nhiều người đã chơi cờ nhiều năm nhưng cảm thấy khả năng tính toán của mình vẫn giống như ngày đầu tiên, và họ nghĩ rằng điều đó là do bản thân họ quá ngu ngốc, bẩm sinh là vậy.

Hôm nay, tôi đã nói rõ điều đó, chỉ để cho mọi người hiểu rằng đó là một kỹ năng, và có thể được rèn luyện. Chỉ cần xem bạn đã dành thời gian hay chưa thôi, không có gì khó khăn cả. Khi bạn đã vượt qua được thử thách này, bạn mới có thể thực sự cảm nhận được niềm vui trong cờ tướng.

Bắt đầu nói về chủ đề tiếp theo: Tập trung vào cách luyện các cục cờ cổ, đồng thời nói về cách sử dụng phi đao trong bố cục.

1. Những cuốn cổ phổ thường ngắn gọn, một số có dấu hiệu của sự sắp xếp.

Ví dụ, nếu bạn xem các cuốn sách cổ xưa như “Quất Trung Bí“, bạn sẽ thấy các ván cờ trong đó rất ngắn, chỉ khoảng 20 nước đi, và có dấu hiệu rõ ràng của sự thiết kế, tức là được đôi bên cùng phối hợp ra sao. Vì sao vậy?

Suy cho cùng thì điều quan trọng nhất của việc luyện những đối cục này, là giúp bạn phát triển phong cách và cảm giác chơi cờ! Lý do ngắn gọn là vì quá dài sẽ không giúp bạn hiểu được toàn cục của trận đấu. Nếu trận đấu ngắn, bạn có thể dễ dàng nhớ lại từng bước đi và dần dần hình thành cái nhìn toàn cục.

Tại sao khi xem biên bản những ván đấu đó, ta thấy có dấu vết của sự phối hợp? Nó giống như một người cha đang chơi trò chơi đánh vật với con để trau dồi lòng dũng cảm và sự tự tin của con. Người cha phải tự ngã xuống đất, phải để con cảm thấy rằng con mạnh hơn cha.

Tóm lại, điều này cũng giúp bạn làm quen với phong cách chơi cờ này và phát triển một phong cách chơi cờ nhất định. Những trận đấu này thường bắt đầu với chỉ vài nước đi và trực tiếp xoay quanh tướng đối phương. Dưới “sự phối hợp” của đối thủ, kết quả cuối cùng là tướng đối phương bị chiếu tướng.

Ví dụ như khi bạn xem Quất Trung Bí, bạn có thể cảm nhận được phong cách chơi quyết liệt, khí tử tranh tiên, lao thẳng tới cung tướng. Nếu bạn cảm nhận được nhiều hơn, bạn sẽ phát triển được phong cách của riêng mình và đánh giá toàn cục sẽ được nâng cao một mức độ nhất định, bạn có thể thử một lần.

Đó mới là một trong những mục đích chính của việc luyện các cuốn này.

2. Một trận đấu giống hoàn toàn với cách chơi trong cổ phổ khó có thể được tái hiện trong thực tế, nhưng phong cách lại mãi mãi tồn tại.

Ví dụ, tôi có một người anh em học cùng khóa, anh ta đã giành được chức vô địch toàn tỉnh. Ai khi đấu với anh, chỉ vừa đi được vài nước, họ đã cảm nhận được anh ta như đã nhảy ra từ trong Quất Trung Bí, với sự tấn công tích cực và uy lực mạnh mẽ.

Bạn rõ ràng đã nhận ra phong cách của anh ta, bạn cũng biết rằng khi anh ta chơi lại với bạn lần sau, phong cách của anh ta sẽ không thay đổi, nhưng bạn vẫn không thể ngăn cản được anh ta!

Bản thân tôi khi đó cũng phải mất vài năm để có thể cầm chân anh ta.

Phong cách của anh ta được thể hiện trên toàn bàn cờ, chính là đại thế. Khi các cao thủ đấu cờ, họ chú trọng đến “đại thế” – Đại thế hướng đi sẽ quyết định cuộc chơi!

Đầu tiên là so sánh đại thế, sau đó mới là tính toán, cuối cùng mới đến những chiêu thức nhỏ. Từ khai cục, ta phải kiểm soát đại thế và sử dụng đại thế của mình để áp đảo đại thế của đối thủ, phải như thế thì đến trung cục mới có thể dễ thở hơn.

Đó chính là ý nghĩa của “khai cục tốt”, khi mà khai cục tốt thì đã giành được nửa chiến thắng rồi.

Nếu đại thế của ta bị đối phương áp đặt, thì thua cờ sẽ không còn xa nữa, chính là “đại cục đã đi”.

Đối với nhiều người mới học cờ tướng và đối đầu với những người chơi có trình độ cao hơn mình, khi khai cuộc chỉ sau vài nước đánh, cảm thấy không thoải mái, vào trung cuộc thì ngay lập tức bị động, thậm chí không thể đánh nữa, đó chính là khi đối thủ của bạn đang áp đảo được sức mạnh của bạn.

Nếu bạn tiếp tục như thế, bạn sẽ thua cuộc, và nhiều người đổ lỗi vào việc tính toán trong trung cục, nói rằng kỹ năng tính toán của họ không đủ. Nhưng thực tế là họ không nhận ra vấn đề cơ bản, đó là bạn đã mất sức mạnh của mình ngay khai cuộc, việc tìm lại sức mạnh trong trung cục không phải là điều không thể, nhưng độ khó sẽ rất cao.

3. Tôi biết vấn đề của “thế” rồi, nhưng làm thế nào để nuôi dưỡng ‘thế” của riêng mình?

“Thế” — đến từ phong cách, tư duy cờ. Và mối liên hệ với sức tính là có, nhưng không quá lớn. Và luyện những cổ phổ, mục đích cơ bản không phải để bạn học thuộc các trận đấu đó (người mới bắt đầu thường bắt đầu bằng việc học thuộc), bạn không phải tham gia cuộc thi học thuộc cờ cổ. Mà mục đích là để phát triển phong cách này, để nuôi dưỡng phong cách chơi cờ của riêng bạn.

Phong cách chơi cờ cũng giống như sách cờ, có hai trường phái chính, Thiếu Lâm và Võ Đang. Một người chuyên đọc trận Quất Trung Bí, và một người chuyên luyện sách Mai Hoa Phổ, phong cách chơi cờ của họ khác nhau rất nhiều, thậm chí tính cách của họ cũng khác nhau.

Nó giống với việc một người đọc sách Mạnh Tử mỗi ngày, một người đọc sách Nho giáo Luận Ngữ mỗi ngày. Người đọc Mạnh Tử, khi gặp người hoặc việc không vừa ý, sẽ ngay lập tức xắn tay áo lên và lao vào nhau. Còn người đọc Luận Ngữ của Khổng Tử, thì họ thường tuân theo những quy tắc hiền hậu, lịch sự và khiêm tốn.

Khi một bên có sức mạnh và đánh vào bên yếu, hoặc bên mạnh hơn đánh vào bên yếu hơn, thì không còn gì để nói. Nhưng nếu cả hai bên đều có sức mạnh tương đương, thì bạn chỉ có thể chơi từ từ. Bạn nên tìm một trận đấu giữa các đại sư và xem kỹ đoạn khai cục cũng như từ giai đoạn khai cục sang trung cục, phần lớn sẽ là cân bằng.

4. Tóm lại, khi luyện cổ phổ, đối với khai cục, bạn cần tập trung vào những điểm chính sau đây:

Phát triển phong cách chơi cờ, tạo ra một thế cờ tốt, có tầm nhìn toàn cục. Còn những lừa gạt và những cạm bẫy trong đó, chỉ cần hiểu là đủ.

Nếu bạn muốn sử dụng nó để đánh bại người khác, thắng người khác, có thể bạn sẽ thắng vài ván khi chơi với những người kém trình độ hơn, nhưng điều này không có liên quan gì đến việc nâng cao trình độ của bạn. Như việc bạn dùng cách đánh lén để đả bại Mike Tyson, Lý Tiểu Long, điều đó không nói lên sự tiến bộ về kỹ năng võ thuật của bạn.

Cuồng nhiệt với các bố cục phi đao, cảm thấy đó là bí quyết, là chìa khóa, luôn muốn sử dụng các bẫy này để lừa người khác trong khi đối đầu? Thành thật mà nói, đây là một tâm lý cơ hội.

Bạn nói rằng mình học được các phi đao, đo ván một vài người thấp cờ hơn và cảm thấy rất thú vị? Tôi muốn nói rằng, điều này có tác dụng gì không? Bạn đã sử dụng phi đao để cho mấy vận động viên chuyên nghiệp ăn hành chưa?

Xem thêm  Bảng Ngọc Zyra mùa 13, Lên Đồ Zyra mạnh nhất

Bạn hãy lấy ra tất cả các biên bản trong vòng 10 năm qua của các giải đấu lớn, liệu có bao nhiêu đại sư rơi vào phi đao? Rất ít, gần như là không đáng kể! Tại sao vậy?

Đó là vì gần như tất cả phi đao đều không hoàn hảo, việc sử dụng chúng đều có rủi ro, và càng cố gắng đòi hỏi nhiều, rủi ro của bố cục phi đao càng lớn.

Tôi đã từng đề cập tới trận đấu giữa Hồ Vinh Hoa và Lữ Khâm trước kia, có nói về việc sử dụng thành công bố cục phi đao.

Bởi vì thứ nhất, đó là một biến chiêu, bố cục này chưa từng được ghi lại trên bất kỳ sách cờ nào và là sáng tạo của Hồ Vinh Hoa!

Thứ hai, kết quả thành công của chiến thuật cờ tướng này là ăn được một Tượng của Lữ. Không nên đòi hỏi quá nhiều. (Tác giả không để lại đường link ván cờ nên webcotuong không chắc chắn ván này có phải là ván được đề cập hay không).

Tôi muốn nói với bạn một điều, các kỳ thủ chuyên nghiệp thường biết nhiều cách dùng phi đao hơn bạn đấy. Sử dụng phi đao đòi hỏi một số điều kiện như khác biệt về sức mạnh giữa hai bên. Do đó, nên tập trung nâng cao kỹ năng chơi cờ của mình, đó mới là phương pháp tốt nhất.

Tóm lại, việc sử dụng phi đao chỉ nên coi là bổ trợ, hiểu biết nó một chút, không bị người khác lợi dụng thì được rồi. Bạn có thực sự muốn sử dụng phi đao khi đấu với Hồ Vinh Hoa không? Bạn không sợ cuốn sách cờ tướng mà bạn học về phi đao được viết bởi chính ông ta sao? Chúng ta học cờ tướng, vẫn cần phải cố gắng nâng cao thực lực.

Cuối cùng, xung quanh tôi vẫn còn nhiều người, họ đã chơi nhiều loại bố cục, có thể giữ được đại thế trong thực tế khi thi đấu và nói chung là ổn ở đầu trung cuộc, nhưng càng về sau thì trở nên thụ động hơn.

Họ lại hỏi tôi tại sao. Tôi nói rằng bạn đã nghe qua từ “cân bằng lực lượng” chưa? Hay bạn đã cân bằng được lực lượng, nhưng bạn không đủ sức mạnh để chiến thắng.

Tóm lại, khai cuộc so sánh thế còn trung cuộc so sánh lực lượng. Nếu bạn không đủ khả năng suy đoán trong trung cuộc, bạn sẽ trở thành “cân bằng lực lượng nhưng không đủ sức mạnh” và sẽ không thể chiến thắng được. Về sức mạnh thì chúng ta sẽ bàn tới ở chủ đề tiếp theo.

Lưu ý khi đọc sách cờ

Phần ba này, tôi sẽ nói về điểm cần chú ý khi đọc hiện đại kỳ phổ và cũng nói về trung cục.

Rất nhiều bạn bè đang băn khoăn liệu nên chơi theo các cổ phổ hay theo các đối cục hiện đại.

Để giải thích cho bạn, luyện cổ phổ tương đương với việc học ngữ pháp và thuộc từ vựng tiếng Anh, còn luyện theo đối cục hiện đại tương đương với việc học sách giáo khoa nói tiếng Anh 900 câu cơ bản.

Nếu bạn muốn nâng cao trình độ tiếng Anh một cách vững chắc, bạn nên học ngữ pháp và trau dồi từ vựng, sau đó học cách nói chuyện. Nếu bạn chỉ muốn sử dụng tiếng Anh để mua sắm tại các cửa hàng trong chuyến du lịch của mình tại Anh, bạn chỉ cần học 900 câu cơ bản. Tôi không biết liệu giải thích của tôi có chính xác hay không.

Chơi cờ hiện đại có mục đích gì?

Đầu tiên, mục đích của việc học các biến hóa khai cuộc hiện đại là để nắm bắt những thay đổi, xu hướng khai cuộc.

Thật ra, điều này gần như không có ý nghĩa gì đối với người mới bắt đầu, đó cũng là lý do tại sao tôi luôn nhấn mạnh rằng bạn nên bắt đầu từ việc học thuộc các cổ phổ, nâng cao trình độ chơi cờ.

Nhiều trận đấu, bạn có thể thấy rất hấp dẫn, bài giảng trên YouTube cũng rất tuyệt vời. Nhưng sau một tuần, trận cờ đó có thể sẽ không còn gì trong đầu bạn nữa, ích lợi cho việc nâng cao trình độ chơi cờ là hạn chế.

Nếu tôi yêu cầu bạn kể cho tôi nghe một trận cờ đẹp của giải toàn quốc 10 năm trước và phân tích toàn bộ trận đấu, đó là một nhiệm vụ mà hầu hết mọi người không thể hoàn thành, bao gồm cả các kỳ thủ chuyên nghiệp.

Nhưng nếu tôi yêu cầu một kỳ thủ chuyên nghiệp ngay lập tức phân tích lại cục thứ hai trong sách Mai Hoa Phổ, đó không phải là một nhiệm vụ khó khăn.

Khác biệt ở chỗ đó! Chỉ là kiến thức cơ bản thôi.

Thứ hai, hiện đại kỳ phổ thường là các trận đấu cao cấp trong các giải đấu toàn quốc. Với các kỳ thủ ở cấp độ này, đánh khai cuộc để giành lợi thế rất khó khăn, vì vậy các trận đấu này có đặc điểm là khai cuộc gần như cân bằng và chỉ khi vào trung cuộc, hai bên mới bắt đầu đối đầu.

Do đó, đối với những kỳ phổ thế này, điểm chính là nghiên cứu trung cuộc. Việc tìm hiểu và học hỏi cách chơi của các kỳ thủ cao cấp trong giai đoạn này có thể giúp nâng cao kỹ năng chơi cờ tướng của mình.

Bạn có thể tập trung vào hai điểm đặc biệt sau

Một là giai đoạn từ khai cuộc sang trung cuộc. Hai là giai đoạn từ trung cuộc sang tàn cuộc, xem cách các kỳ thủ chuyên nghiệp xử lý. Mấu chốt nằm ở điểm chuyển tiếp, chủ yếu là xem suy nghĩ của họ.

Nhiều người xung quanh tôi đều có một vấn đề, đó là khai cục không tệ, nhưng trung cục liền trở nên bị động. Thậm chí nhiều năm qua họ vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề này.

Thực ra, vấn đề này lớn phần là vấn đề tính toán, cụ thể là sức tính trong trường hợp cân bằng lực lượng mà tôi đã đề cập trước đó.

Một số bạn bè nói rằng, tôi đã giải nhiều bài tập tàn cục và cảm thấy sức tính của mình cũng khá ổn, vậy tại sao trong trung cục lại không được như thế, cảm thấy sức tính của mình không đủ, trí não của mình không đủ, tại sao vậy?

Đáp: Điều này là do hình cờ trong cờ tàn có tính rõ ràng hơn, quân lực tương đối ít, suy nghĩ của bạn không bị ảnh hưởng nhiều, cơ bản là đặt mục tiêu rõ ràng và cứ thế mà tính toán thôi. Nhưng đối với trung cục, điều này không đơn giản.

Sự khác biệt lớn nhất giữa trung và tàn chính là trung cục có nhiều biến hóa hơn, bạn phải cân nhắc nhiều khía cạnh, chịu nhiều sự chi phối. Suy nghĩ về khía cạnh này, và quên mất khía cạnh kia. Vì vậy, chỉ dựa trên sức tính tàn cục để giải quyết trung cục là không đủ.

Làm thế nào để nâng cao trình độ trong trung cuộc?

Đầu tiên, nâng cao kỹ năng cơ bản, cùng với việc tăng cường giải quyết các bài tập về tàn cục, bạn có thể tìm một số cuốn sách giải thích về trung cục để đọc.

Loại sách này khác với các bài tập về cờ tàn, mục đích cuối cùng của các bài tập về tàn cuộc là để huấn luyện cách đánh bại tướng đối phương. Trong khi đó, mục đích của việc giải quyết các bài tập về trung cục là tìm ra chiến lược chơi tốt nhất trong tình huống phức tạp (cảm giác khó khăn và phức tạp đã tăng lên rõ rệt).

Thứ hai, khi phân tích trận đấu, bạn nên tập trung vào giai đoạn trung cục. Có rất nhiều biên bản của các giải đấu toàn quốc, và khi luyện tập thì tập trung vào phân tích giai đoạn trung cục.

Thứ 3. Chơi thực chiến nhiều hơn. Điều này chính là lý do tại sao nhiều người nói rằng họ không đọc sách, không giải bài tập tàn cuộc, họ chỉ đánh cờ với người khác mỗi ngày, nhưng cảm thấy trình độ của họ cũng có thể cải thiện

Từ đã, để tôi giải thích.

Đồng ý rằng chơi thực chiến nhiều sẽ cải thiện khả năng chơi trung cục của bạn! Nhưng bạn hình dung xem nhé.

Những kẻ đòi nợ thuê, mỗi ngày chúng đánh nhau, sau một thời gian dài, chúng cũng tích lũy được ít nhiều thể lực và kinh nghiệm chiến đấu. Đánh những người chân yếu tay mềm thì không có vấn đề gì, nhưng khi động vào các võ sĩ chuyên nghiệp, kết cục sẽ sao nhỉ?

Vẫn bởi vì họ không có kỹ năng căn bản.

Nếu chỉ dựa trên tích lũy kinh nghiệm thực chiến sẽ gặp một vấn đề, đó là khi đạt đến một trình độ nhất định, rất khó để tiếp tục cải thiện, và phương pháp cải thiện còn mơ hồ.

Bạn nói rằng bạn có kinh nghiệm, nhưng liệu kinh nghiệm của bạn trong vài chục năm có thể so sánh với kinh nghiệm của vài thế hệ trong Quất Trung Bí và Mai Hoa Phổ không?

Người ta nói đánh cờ với người dở cờ sẽ làm bạn càng ngày càng tồi hơn. Và ngược lại, nếu đánh cờ với những người chơi giỏi hơn, bạn sẽ càng ngày càng chơi tốt hơn. Nhưng liệu điều này có đúng không???

Nếu là một tay cờ chuyên nghiệp hoặc một tay cờ có kỹ năng cơ bản rất tốt, anh ta có thể chơi cờ với bất kỳ ai, kể cả với những người chơi kém hơn mình mà cũng không làm giảm trình độ của mình.

Ngược lại, nếu kỹ năng cơ bản của bạn chưa vững chắc, thì chơi với những đại sư đi nữa cũng chẳng ăn thua, khó có thể cải thiện được kỹ năng của mình, nếu có thì cũng rất chậm.

Với những người bạn này, chơi với Hồ Vinh Hoa hoặc chơi với cụ già cao cờ ở đầu ngõ cũng chẳng khác gì nhau. Bởi vì bạn không cảm nhận được sự thông thái bên trong đó. Cờ tướng là một hệ thống, chỉ với kỹ năng cơ bản, những điều cần phải nói cũng quá nhiều.

Có thể hiểu đơn giản rằng, kỹ năng cơ bản là những thứ cần thiết nhất, được sử dụng để rèn luyện công phu. Bạn rèn luyện trong một ngày, thì đó là một ngày rèn luyện kỹ năng, rèn luyện trong một tháng, thì đó là một tháng rèn luyện kỹ năng. Vì thế, kỹ năng cơ bản là một thứ cần phải rèn luyện suốt đời. Bạn không thể chỉ luyện tập vài ngày khi mới bắt đầu học cờ rồi sau đó không luyện tập nữa.

Xin khép lại tại đây, hy vọng cùng những người đam mê có thể cùng nhau động viên và tiến bộ.

(còn tiếp …)

Nếu bạn thấy nội dung này hữu ích, đừng ngần ngại chia sẻ nó với bạn cờ của các bạn và hãy cho mình biết quan điểm của bạn về bài viết này trong phần bình luận nha. Xin cảm ơn!

Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.