Thai ngôi mông là một trong những vấn đề ảnh hưởng đến quá trình sinh nở của mẹ bầu, khi được chẩn đoán là thai ngôi mông mẹ bầu sẽ phân vân là nên sinh thường hay sinh mổ. Mỗi một phương pháp sẽ có những ưu điểm và nhược điểm riêng biệt. Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm câu trả lời ngay nhé!
Thai ngôi mông là gì?
Thai ngôi mông hiểu đơn giản là phần trình diện trước eo trên khung chậu người mẹ là phần mông hoặc chân của em bé. Thông thường chúng ta thường gặp ngôi chỏm, tuy nhiên một phần không nhỏ mẹ bầu gặp tình trạng thai ngôi mông này. Nếu có kinh nghiệm, mẹ bầu có thể xác định ngôi thai của trẻ bằng cách sờ hoặc để ý cách bé đạp.
Thai ngôi mông được chia làm 2 loại chủ yếu:
- Ngôi mông hoàn toàn: Phần trình diện trước eo trên là mông bé còn hai chân ở tư thế ngồi bắt chéo.
- Ngôi mông không hoàn toàn: Được chia thành 2 kiểu đó là kiểu mông và kiểu bàn chân. Ở kiểu mông, mông bé hướng về phía đường dẫn sinh còn hai bàn chân đặt sát nhau. Kiểu bàn chân thì khác, bộ phận hướng về phía đường dẫn sinh sẽ là mông hoặc hai chân của bé.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến thai ngôi mông, cụ thể như sau:
- Thai phụ đa thai, sinh non hoặc thai nhi có vấn đề về nhau thai dễ xuất hiện tình huống thai ngôi mông.
- Lượng nước ối có trong tử cung cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thai ngôi mông ở trẻ, nước ối trong tử cung có thể quá ít hoặc quá nhiều.
- Hình dạng bất thường của tử cung người mẹ hoặc mẹ bị u xơ tử cung đều có thể gây khó khăn cho em bé trong việc xoay đầu xuống dưới ở trong giai đoạn những tháng cuối.
Làm cách nào để xác định được thai ngôi mông? Câu trả lời đó chính là siêu âm, trong giai đoạn 32 – 34 tuần mẹ bầu có thể xác định ngôi thai của trẻ bằng phương pháp siêu âm. Thông thường, nếu trẻ là thai ngôi mông trong giai đoạn này bác sĩ sẽ tác động để trẻ xoay ngôi thai, ngoài ra trong giai đoạn cận kề ngày dự kiến sinh bác sĩ sẽ tác động thêm để cố gắng xoay ngôi thêm lần nữa.
Tỷ lệ thai mông hiện nay là từ 3 – 4% số trẻ đủ tháng, trên thực tế trẻ đều có thai ngôi mông ở bất cứ giai đoạn nào. Tuy nhiên từ tuần thứ 32 – 36 em bé sẽ xoay và đầu sẽ hướng về phía đường dẫn sinh (ngôi thai đầu). Nếu thai ngôi mông kéo dài qua giai đoạn trên, cụ thể là từ tuần thứ 37 thì em bé sẽ không xoay được nữa và mẹ phải sinh trẻ ở thai ngôi mông. Vậy thai ngôi mông nên sinh thường hay sinh mổ?
Thai ngôi mông có sinh thường được không?
Khi được chẩn đoán là thai ngôi mông, nhiều mẹ bầu cảm thấy lo lắng đặc biệt là những mẹ mang thai lần đầu. Thai ngôi mông có sinh thường được không là câu hỏi mà nhiều sản phụ quan tâm. Câu trả lời cho câu hỏi trên là có, tuy nhiên tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có chỉ định sinh thường hay sinh mổ cho mẹ bầu.
Chỉ định sinh thường nếu đảm bảo những điều kiện sau:
- Thai nhi ở tư thế thai mông hoàn toàn hoặc không hoàn toàn (kiểu mông) và đủ tháng.
- Cân nặng thai nhi không quá lớn, từ 2500 gram – 3200 gram.
- Không có dị tật thai nhi.
- Ước lượng kích thước khung chậu của người mẹ không quá hẹp và em bé không quá lớn.
- Nhịp tim thai nhi ổn định và được theo dõi sát.
- Lựa chọn bệnh viện uy tín và bác sĩ có đủ kinh nghiệm, chuyên môn để phòng tránh những trường hợp nguy hiểm cho cả bé và mẹ.
Thai ngôi mông có thể sinh thường được, tuy nhiên các bác sĩ vẫn khuyên sản phụ rằng nên mổ khi con đã đủ tháng thay vì chờ chuyển dạ tự nhiên. Ngoài ra, thai ngôi mông còn dẫn tới một số biến chứng như:
- Việc đưa em bé ra khỏi bụng mẹ sẽ trở nên rất khó khăn hơn so với các loại ngôi khác. Trong trường hợp xấu nhất là thai nhi bị thiếu oxy, nguyên nhân có thể do thời gian chuyển dạ quá lâu, ối vỡ hoàn toàn…
- Đầu thai nhi là phần to và cứng nhất nên nguy cơ kẹt đầu hoàn toàn có thể xảy ra, hậu quả có thể dẫn tới tình trạng thai chết hoặc sang chấn.
- Trong trường hợp ngôi mông không hoàn toàn (kiểu chân), thai phụ dễ có nguy cơ bị sa tử cung. Thai nhi có thể gây áp lực lên rốn dẫn đến việc hạn chế lưu lượng máu đến bé. Nếu sinh thường thai nhi có nguy cơ cao bị dị tật ở chân.
Với những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như trên, mẹ bầu cần phải có sự lựa chọn an toàn cho bản thân và cho bé. Nếu có những thắc mắc liên quan đến việc mổ lấy thai thì bạn hãy hỏi ngay để nhận được sự tư vấn từ các bác sĩ nhé.
Thai ngôi mông nên mổ ở tuần thứ bao nhiêu?
Nếu mẹ bầu lựa chọn việc mổ lấy thai khi trẻ là thai ngôi mông thì cần phải được thảo luận trực tiếp với bác sĩ. Việc quyết định đưa em bé ra ngoài phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tuổi thai, sức khỏe thai phụ, tiền sử dị ứng…
Thông thường, thai ngôi mông sẽ được chỉ định mổ khi thai đủ trưởng thành và chưa vào chuyển dạ thật sự. Như đã đề cập ở trên, trong giai đoạn 32 – 36 tuần trẻ vẫn có thể quay đầu xuống đường dẫn sinh. Chính vì thế khi chưa đến ngày dự kiến sinh mẹ bầu hoàn toàn có thể chờ em bé xoay đầu. Nếu đến ngày dự kiến sinh, em bé vẫn là thai ngôi mông và mẹ bầu chưa vào giai đoạn chuyển dạ thật sự thì bác sĩ sẽ có chỉ định mổ.
Tỷ lệ thai ngôi mông ở trẻ chỉ từ 3 – 4%, tuy nhiên nhiều mẹ bầu cảm thấy lo lắng vì không biết rằng sinh thường hay sinh mổ sẽ tốt cho trẻ hơn. Nhà thuốc Long Châu hy vọng bài viết trên đã giải đáp được những thắc mắc của mẹ bầu đang trong tình trạng này. Theo dõi website của nhà thuốc Long Châu để đón đọc nhiều bài viết sức khỏe cho mẹ và bé nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: vinmec.com
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.