96 lượt xem

Suy thai là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị

Suy thai là biến chứng sản khoa nguy hiểm cần được can thiệp y tế ngay, nếu không sẽ đe dọa đến sức khỏe của trẻ khi chào đời, nguy hiểm hơn có thể gây thai chết lưu trong bụng mẹ hoặc tử vong trong quá trình chuyển dạ.

dấu hiệu suy thai

Suy thai là gì?

Suy thai hay thai yếu là bệnh lý do tình trạng thai kỳ thiếu oxy trong máu hoặc thiếu oxy trong tổ chức khi thai nhi đang sống trong tử cung. Hiện nay, suy thai còn được gọi là tình trạng bất ổn của thai nhi, gồm giảm thành phần oxy trong máu, giảm oxy trong tổ chức, tăng ion hydro trong máu với các biểu hiện thay đổi ở nhịp tim được phát hiện bằng máy theo dõi tim thai như nhịp nhanh, nhịp chậm, nhịp giảm muộn, nhịp giảm biến đổi lặp lại hoặc tình trạng bất thường.

Dựa vào tính chất và mức độ nguy hiểm mà suy thai được chia thành 2 nhóm là cấp tính và mạn tính. Cụ thể như sau: (1)

  • Suy thai cấp tính: Tình trạng thai suy xảy ra đột ngột trong quá trình chuyển dạ, có thể khiến thai nhi tử vong ngay lập tức nếu không được can thiệp xử trí kịp thời. Ở tình huống nhẹ hơn, trẻ sơ sinh chào đời an toàn nhưng có khả năng bị ảnh hưởng về mặt thể chất và tinh thần. Thống kê cho thấy, thai bị suy cấp tính có xác suất xuất hiện dưới 20% các ca sinh.
  • Suy thai mạn tính: Tình trạng thai yếu trong suốt thai kỳ ở mức độ nhẹ, không có biểu hiện rõ ràng nên khó nhận diện. Tuy nhiên, suy thai mạn tính rất dễ diễn tiến thành cấp tính trong quá trình chuyển dạ, thai nhi có nguy cơ chết lưu ngay trong bụng mẹ. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tử cung người mẹ và khả năng mang thai trong tương lai.

Có thể thấy, suy thai không chỉ nguy hiểm đến tính mạng thai nhi mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và thiên chức làm mẹ của người phụ nữ.

thai nhi không được cung cấp đủ oxi
Suy thai chỉ tình trạng thai nhi không được cung cấp đủ oxy cần thiết khi còn trong bụng mẹ hoặc trong chuyển dạ

Nguyên nhân khiến thai suy

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thai yếu, có thể do người mẹ, do thai nhi, do các phần phụ của thai hoặc nguyên nhân sản khoa. (2)

1. Nguyên nhân từ phía mẹ bầu

  • Tư thế nằm ngửa của mẹ bầu có thể khiến tử cung đè ép lên động mạch chủ, làm giảm dòng chảy của máu mẹ đến tử cung. Tử cung đè lên tĩnh mạch chủ làm giảm lưu lượng máu trở về tim, dẫn đến giảm tưới máu và hạ huyết áp. Đó chính là lý do các chuyên gia Sản khoa khuyến cáo mẹ bầu nên nằm nghiêng về bên trái để không gây hại đến thai nhi.
  • Mẹ bầu bị thiếu máu hoặc huyết áp thấp.
  • Mẹ bị chảy máu do chấn thương cũng ảnh hưởng đến lưu lượng máu được vận chuyển đến bào thai.
  • Mẹ mắc các bệnh tim mạch, suy tim, đái tháo đường, béo phì, nhiễm khuẩn, nhiễm virus… đều có thể khiến thai suy.
Xem thêm  File TXT là gì? Cách mở, chuyển đổi và tạo file TXT khi cần
bà bầu bị thiếu máu
Mẹ bầu bị thiếu máu hoặc huyết áp thấp khiến lưu lượng máu đến nuôi dưỡng thai giảm sẽ tăng nguy cơ bị suy thai

2. Nguyên nhân từ phía thai nhi

  • Thai thiếu máu hoặc nhiễm trùng.
  • Thai dị dạng.
  • Thai chậm phát triển.
  • Thai non tháng.
  • Thai già tháng, quá ngày dự sinh khiến bánh nhau bị vôi hóa, quá trình cung cấp oxy bị gián đoạn sẽ khiến thai bị suy.

3. Nguyên nhân từ phía phần phụ của thai

  • Nhau bong non, nhau tiền đạo, bánh nhau bị vôi hóa hoặc suy nhau.
  • Dây rốn bị sa, bị thắt nút hoặc những bất thường ở dây rốn đều cản trở lượng oxy được vận chuyển đến thai nhi.
  • Ối vỡ sớm làm giảm thể tích chất lỏng bảo vệ xung quanh thai nhi, khi bước vào quá trình chuyển dạ những cơn co tử cung sẽ chèn ép đầu thai nhi hoặc dây rốn, gây ra tình trạng thiếu oxy cung cấp cho thai.

4. Nguyên nhân sản khoa

  • Rối loạn cơn co tử cung khiến thai nhi không được cung cấp đủ oxy cần thiết.
  • Bất tương xứng giữa xương chậu và đầu thai nhi, do khung xương chậu của mẹ quá nhỏ hoặc đầu thai nhi quá to khiến quá trình sinh ngả âm đạo gặp khó khăn.
  • Ngôi thai bất thường khiến quá trình chuyển dạ kéo dài, trong lúc đó thai nhi có thể bị ngạt do thiếu oxy.

5. Nguyên nhân do thuốc

  • Thai nhi bị ức chế do dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc gây mê.
  • Sử dụng thuốc tăng cơ không kiểm soát tốt làm tăng các cơn co tử cung.
quá trình sinh nở kéo dài
Bất tương xứng giữa khung xương chậu của mẹ và đầu của thai nhi khiến quá trình sinh nở kéo dài cũng là nguyên nhân thường gặp khiến thai suy

Những dấu hiệu suy thai thường gặp

Mẹ bầu có thể nhận diện sớm các dấu hiệu suy thai thông qua sự thay đổi về màu sắc nước ối và nhịp tim thai. Cụ thể như sau: (3)

1. Thay đổi màu sắc nước ối

Bình thường nước ối có màu trắng trong, hiện tượng nước ối chuyển màu sắc khác lạ có thể là biểu hiện suy thai. Vì thế, mẹ hãy theo dõi sát sao màu sắc nước ối để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

  • Nếu thấy nước ối có màu vàng sẫm khi mang thai, nhiều khả năng thai nhi đã rơi vào tình huống suy thai mạn tính cần được can thiệp ngay lập tức.
  • Nếu nước ối có màu xanh, khả năng mẹ đã có biểu hiện thai bị suy. Trong trường hợp này, mẹ hãy đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và theo dõi sát sao. Phụ thuộc vào tình trạng tim thai và giai đoạn chuyển dạ mà bác sĩ sẽ có hướng dẫn phù hợp.
  • Nếu nước ối có lẫn dải phân su, rất có thể thai suy cấp tính trong quá trình chuyển dạ. Trường hợp này cũng cần được xử trí nhanh chóng để tránh việc thai nhi hít phải phân su khi chào đời.

2. Thay đổi nhịp tim thai

Tim thai đập nhanh hơn 160 nhịp/phút trong giai đoạn đầu, sau đó đập chậm hơn 120 nhịp/phút là dấu hiệu của việc thiếu oxy, cảnh báo nguy cơ suy thai.

Ngoài ra, mẹ có thể chú ý cử động của thai nhi khi thiếu oxy sẽ lúc đạp mạnh và nhiều, lúc lại đạp chậm và ít. Nhưng nếu không thấy thai nhi cử động trong thời gian dài, nhiều khả năng thai đã chết lưu. Do đó mẹ nên chú ý đếm cử động thai bằng cách nằm yên trên giường, đếm xem thai nhi có cử động đủ 4 lần trong 30 phút hay không. Nếu trong vòng 4 giờ mà thai nhi cử động ít hơn 10 lần, mẹ cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, kiểm tra sức khỏe của thai nhi.

theo dõi cử động thai nhi thường xuyên
Mẹ bầu cần theo dõi cử động thai nhi thường xuyên, đến ngay cơ sở y tế khi thấy thai ít cử động hoặc không cử động để được can thiệp kịp thời

Suy thai có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm của suy thai sẽ phụ thuộc vào tính chất cũng như thời gian và phác đồ can thiệp xử trí.

Xem thêm  Khái quát về Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam

Trường hợp suy thai mạn tính, ở giai đoạn đầu khi bị thiếu oxy, thai nhi có thể tự bù trừ bằng cách ưu tiên cung cấp oxy đến các cơ quan quan trọng như não, tim, gan, giảm lưu lượng oxy vận chuyển đến da.

Tuy nhiên, nếu thai bị suy mạn tính kéo dài, thai nhi không thể tự bù trừ oxy, tất cả các cơ quan quan trọng đều không nhận đủ lượng oxy cần thiết sẽ khiến quá trình chuyển hóa giảm, tăng nguy cơ thai chết lưu trong tử cung trước khi sinh hoặc tử vong ngay sau sinh.

Đặc biệt, với trường hợp thai suy cấp tính xảy ra trong quá trình chuyển dạ, nếu không được can thiệp xử lý kịp thời sẽ khiến thai nhi tử vong ngay lập tức hoặc tử vong ngay sau khi chào đời. Trường hợp trẻ được hạ sinh an toàn vẫn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và phát triển thể chất. Trẻ có nguy cơ mắc bệnh động kinh, đần độn, nói ngọng… giảm chất lượng sống so với các trẻ được sinh ra từ mẹ khỏe mạnh, không bị suy thai.

Sự bất thường tim thai sẽ được phát hiện và theo dõi qua monitor sản khoa, vì thế mẹ cần tuân thủ chặt chẽ lịch khám thai định kỳ được chỉ định bởi bác sĩ để phát hiện các nguy cơ thai suy và can thiệp kịp thời.

Chẩn đoán suy thai bằng cách nào?

Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng thai suy trong thai kỳ và trong lúc chuyển dạ như sau:

1. Suy thai trong thai kỳ

  • Đo chiều dài tử cung không tương đương với tuổi thai, chứng tỏ thai kém phát triển.
  • Thai giảm cử động hoặc thay đổi cử động liên tục.
  • Tim thai thay đổi >160 nhịp/phút hoặc <120 nhịp/phút.
  • Nước ối có màu xanh
  • Monitor sản khoa, siêu âm xác định chỉ số nước ối và các dấu hiệu bất thường khác.

2. Suy thai trong quá trình chuyển dạ

  • Thấy nước ối có màu xanh khi bấm ối hoặc vỡ ối.
  • Tim thai thay đổi >160 nhịp/phút hoặc <120 nhịp/phút.
  • Theo dõi tim thai liên tục bằng monitor sản khoa thấy nhịp muộn hoặc dao động dưới 5 nhịp.
  • Siêu âm thấy chỉ số nước ối giảm.

Suy thai được xử trí như thế nào?

Tùy vào mức độ suy thai, thời gian xảy ra cũng như xác định được nguyên nhân chính xác khiến thai yếu đi mà bác sĩ sẽ có hướng dẫn xử trí phù hợp để bảo vệ sự an toàn cho cả mẹ bầu và thai nhi.

Đối với các trường hợp suy thai mạn tính, mẹ bầu cần khám thai thường xuyên để được theo dõi sát sao tình hình sức khỏe thai nhi. Trong thời gian này, mẹ cần nghỉ ngơi nhiều và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để thai kỳ ổn định. Nếu bị suy thai nặng, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ nhập viện để được theo dõi và chăm sóc tốt nhất.

Khi thai trên 36 tuần hoặc đã đủ trưởng thành, bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai sớm để tránh thai suy nặng hoặc suy thai chuyển biến cấp tính trong lúc chuyển dạ. Quá trình mổ lấy thai cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên môn giỏi, tay nghề cao để hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng xảy ra.

Đối với các trường hợp suy thai cấp tính, bác sĩ sẽ khuyến cáo mẹ bầu nghỉ ngơi nhiều, nằm nghiêng bên trái để tránh làm tử cung chèn ép vào động mạch chủ gây cản trở lưu lượng máu và oxy đến thai nhi. Có thể mẹ sẽ được truyền oxy và truyền dịch.

Xem thêm  Sign Off là gì và cấu trúc cụm từ Sign Off trong câu Tiếng Anh

Trong những tình huống suy thai cấp tính nặng, bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai sớm, không khuyến cáo cố gắng sinh ngả âm đạo bởi có thể đe dọa tính mạng trẻ sơ sinh. Tốt nhất, mẹ hãy khám thai đầy đủ và nghe theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Quản lý và phòng ngừa các nguy cơ suy thai ở mẹ bầu

Để chăm sóc và bảo vệ thai kỳ khỏe mạnh, hạn chế được các nguy cơ tai biến sản khoa như yếu thai, thai lưu, sinh non… trong suốt thai kỳ mẹ cần tuân thủ đầy đủ lịch khám thai định kỳ được bác sĩ chỉ định. Điều này không chỉ giúp mẹ nắm được tình hình sức khỏe bản thân, sự phát triển của thai nhi mà còn can thiệp kịp thời và hiệu quả những bất thường xảy ra. (4)

Bên cạnh đó, mẹ bầu cần xây dựng và áp dụng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để truyền cho thai nhi thông qua nhau thai. Mẹ cũng cần nghỉ ngơi nhiều, tập luyện thể dục thể thao đều đặn, tránh xa những thói quen không lành mạnh, không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá… để tránh những ảnh hưởng không tốt đến mẹ và thai nhi.

Khi nhận thấy các triệu chứng bất thường như thai cử động ít hoặc không cử động, cơn gò tử cung liên tục và dồn dập, âm đạo chảy máu… mẹ cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được can thiệp xử trí kịp thời.

mẹ bầu nên nằm nghiêng
Mẹ bầu nên nằm nghiêng về bên trái để tránh tử cung đè lên động mạch chủ cản trở oxy được vận chuyển đến thai nhi

Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, sở hữu hệ thống máy siêu âm hiện đại như siêu âm hình thái học 3D, 4D, siêu âm màu Doppler, siêu âm thế hệ mới nhất Voluson E10…; triển khai đa dạng gói thai sản cho mẹ bầu như thai sản trọn gói, sinh con trọn gói, thai sản theo yêu cầu… với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm, xét nghiệm tầm soát dị tật thai nhi như Double Test, Triple Test, NIPT… giúp mẹ bầu an tâm tận hưởng thai kỳ khỏe mạnh, sinh nở an toàn, mẹ tròn con vuông.

Đặc biệt, Trung tâm Sản Phụ khoa liên kết chặt chẽ cùng nhiều chuyên khoa khác trong bệnh viện như Trung tâm Sơ sinh, Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Xét nghiệm… giúp theo dõi thai kỳ khoa học, chặt chẽ và toàn diện nhất. Đội ngũ bác sĩ Sơ sinh túc trực tại phòng sinh, sẵn sàng đón bé và chăm sóc bé tốt nhất ngay khi chào đời, đảm bảo nền tảng sức khỏe và sự phát triển toàn diện thể chất và trí não của trẻ trong tương lai.

Để đặt lịch khám với các chuyên gia Sản Phụ khoa và tìm hiểu thêm các gói thai sản tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, mẹ bầu vui lòng liên hệ đến:

Tóm lại, các dấu hiệu suy thai thường không rõ ràng, cách phát hiện sớm và can thiệp hiệu quả nhất là mẹ bầu cần tuân thủ chặt chẽ lịch khám thai định kỳ được bác sĩ chỉ định để được siêu âm đầy đủ. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc băn khoăn nào, mẹ có thể liên hệ đến hotline Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được các chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi hỗ trợ!

Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.