Chiều 21/2, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 762/BYT-DP về việc cách ly y tế đối với ca bệnh COVID-19 (F0) và các trường hợp tiếp xúc gần (F1).
Công văn này thay thế Công văn số 10696/BYT-MT ngày 16/12/2021 của Bộ Y tế về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.
Việc ban hành công văn mới này được Bộ Y tế căn cứ vào tình hình dịch bệnh hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam, tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, nhằm hài hòa giữa việc phát triển kinh tế và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại các cơ quan, xí nghiệp, trường học, địa phương.
Theo công văn mới này, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành; Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế tổ chức việc cách ly y tế với F0 và F1 phù hợp với điều kiện và nguồn lực của các địa phương.
Với trường hợp F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vaccine phòng COVID-19, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1:
- Thực hiện cách ly y tế 5 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng.
- Thực hiện xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 5 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
- Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 05 tiếp theo và nghiêm túc thực hiện 5K. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, đau người, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác/khứu giác, tiêu chảy, khó thở…) thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi, xét nghiệm và xử trí theo quy định.
Với trường hợp F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19:
- Thực hiện cách ly y tế 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng.
- Thực hiện xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 5 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
- Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 03 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện 5K. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, đau người, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác/khứu giác, tiêu chảy, khó thở…) thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi, xét nghiệm và xử trí theo quy định.
Việc cách ly với F0 được thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 250/QĐ-BYT ngày 28/01/2022 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn và chẩn đoán điều trị COVID-19.
ĐỊNH NGHĨA NGƯỜI TIẾP XÚC GẦN (F1) (theo hướng dẫn tại Công văn số 11042/BYT-DP ngày 29/12/2021):
- Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể…) với ca bệnh xác định (F0) trong thời kỳ lây truyền của F0.
- Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0.
- Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.
- Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định (F0) khi đang trong thời kỳ lây truyền của F0 mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).
Thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định (F0) được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính) cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giá trị CT≥30.
P. Truyền thông (tổng hợp)
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.