Tài liệu hướng dẫn phân tích một đoạn văn trong Người lái đò sông Đà do Đọc Tài Liệu biên soạn gồm gợi ý cách làm chi tiết và tuyển chọn những bài văn mẫu hay phân tích, bình giảng đoạn văn cho trước trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân.
Đề bài: Bình giảng đoạn văn sau trong bài tùy bút “Người lái đò Sông Đà” của Nguyễn Tuân: “Thuyền tôi trôi trên sông Đà… nó khắc hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên”.
» Hướng dẫn soạn bài Người lái đò sông Đà
*****
Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết
I. Mở bài
Nguyễn Tuân là một người nghệ sĩ tài hoa, nhà văn nổi tiếng trong cả hai giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945. Tùy bút Người lái đò sông Đà rút trong tập tùy bút Sông Đà là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo và tài hoa của nhà văn Nguyễn Tuân trên bước đường đi tìm vẻ đẹp tả cảnh và người Tây Bắc – “chất vàng mười” của tâm hồn.
II. Thân bài
a. Vẻ đẹp trữ tình của một quãng sông êm ả, hiền hòa
– Nhà văn miêu tả một cách vô tư, khách quan kết hợp với suy nghĩ cá nhân.
– Nhiều hình ảnh đẹp, tinh lọc, sắc sảo.
– Đặc biệt, nhà văn dùng thủ pháp so sánh tu từ, nhân hóa tu từ, điệp câu trúc cú pháp để:
+ Miêu tả vẻ đẹp trữ tình, thi vị, hoang dại, cổ kính của dòng sông.
+ Gợi thần thái của dòng sông: Dòng sông như một sinh thế mang nặng tâm trạng, cảm xúc.
– Nhà văn dùng những nét chấm phá rất tài hoa của nghệ thuật hội họa, điêu khắc:
+ Gam màu nhạt tạo cảm giác trữ tình thơ mộng.
+ Không gian: tĩnh mịch, hoang vắng (ngoại trừ thanh âm của “đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sóng”).
– Nhà văn có cách phối hợp thanh điệu, nhịp điệu của câu văn cũng rất tài hoa.
b. Cảm xúc của du khách – nhân vật trữ tình trên sông Đà
– Rung cảm mãnh liệt trước vẻ đẹp ngây ngất của thiên nhiên và chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy bằng đôi mắt của một người nghệ sĩ tài hoa, một người yêu.
Nhìn cảnh ven sông lặng tờ, người nghệ sĩ liên tưởng tới quá khứ của quãng sông để so sánh, đối chiếu, khám phá ra vẻ đẹp hoang dại, cổ tích, huyền thoại kì thú của nó cũng như vẻ đẹp trẻ trung, tươi tắn nảy nở, sinh sôi của cảnh vật thực tại.
– Yêu thiên nhiên nồng nàn, tha thiết; hòa nhập tâm hồn mình với thiên nhiên. Người nghệ sĩ ấy với thiên nhiên như một người bạn tri âm, tri kỷ nên rất thấu hiểu thiên nhiên.
– Khát khao, mơ ước, hi vọng về một tương lai tốt đẹp cho vùng đất Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc.
III. Kết bài
– Cả tác phẩm cũng như trích đoạn đã khơi dậy trong lòng chúng ta tình yêu thiên nhiên, đất nước mãnh liệt, yêu những con người lao động chân chính, hăng say và đặc biệt càng thêm yêu vùng đất Tây Bắc xa xôi nhưng giàu tiềm năng của Tổ quốc Việt Nam.
Một số bài văn mẫu tham khảo phân tích một đoạn văn trong Người lái đò sông Đà
Bài số 1:
Nguyễn Tuân là một người nghệ sĩ tài hoa, nhà văn nổi tiếng trong cả hai giai đoạn sáng tác trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945. Ông đã để lại cho chúng ta một sự nghiệp văn học phong phú với nhiều tác phẩm như Một chuyến đi (1938), Vang bóng một thời (1939), Quê hương (1940), Chiếc lư đồng mắt cua (1941), Tùy bút I, Tùy bút II (1943), Tóc chị Hoài (1943), Nguyễn (1945), Chùa Đàn (1946), Đường vui (1949), Tình chiến dịch (1950), Tùy bút kháng chiến và hòa bình I (1955), Tùy bút kháng chiến và hòa bình II (1956), Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972), Kí (1976), Chuyện nghề (1976),… Đặc biệt bài tùy bút Người lái đò sông Đà rút trong tập tùy bút Sông Đà là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo và tài hoa của nhà văn Nguyễn Tuân trên bước đường đi tìm vẻ đẹp của cảnh và người Tây Bắc – “chất vàng mười” của tâm hồn. Trích đoạn trong đề bài là một đoạn của tùy bút.
Trước đoạn văn này, tác giả trình bày mục đích chuyến đi thực tế Tây Bắc và sông Đà của mình là để tìm hiểu những con người ở đây mà ông gọi là “thứ vàng mười đã qua thử lửa” của cách mạng và kháng chiến, hiện nay đang góp phần vào việc kiến thiết Tây Bắc. Tiếp đến, tác giả giới thiệu tâm trí tuyệt vời của những người lái đò sông Đà, đồng thời liệt kê một loạt con thác của sông Đà từ Vạn Yên về xuôi, trong đó có những con thác vô cùng “độc dữ, nham hiểm”. Sau đó, nhà văn khám phá tính chất hung bạo và trữ tình của sông Đà. Đặc biệt là miêu tả hình tượng ông lái đò với tư cách một người lao động đầy trí dũng và một người nghệ sĩ trong nghệ thuật vượt thác leo ghềnh. Sau cuộc thủy chiến ác liệt giữa người lái đò và con thác dữ, dòng sông Đà như trở lại bản chất trữ tình vốn có.
Trích đoạn trên đây miêu tả vẻ đẹp trữ tình và cảm xúc của du khách trên dòng sông ấy. Trước hết là vẻ đẹp trữ tình của một quãng sông êm ả. Nhà văn miêu tả một cách vô tư, khách quan kết hợp với vài suy nghĩ cá nhân: “Thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí, đời Trần, đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi”. Thêm vào đó, nhà văn chọn lọc, miêu tả nhiều hình ảnh đẹp, sắc nét: “Một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa”, “cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp”, “một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm”, “con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương”.
Đặc biệt, nhà văn còn dùng thủ pháp so sánh tu từ, nhân hóa tu từ, điệp cấu trúc cú pháp: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử”, “bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Dùng các thủ pháp này, một mặt nhà văn miêu tả vẻ đẹp thi vị, hoang dại, cổ kính của dòng sông. Mặt khác, nhà văn gợi được thần thái của nó. Hơn nữa, nhà văn dùng những nét chấm phá rất tài hoa của nghệ thuật hội họa, điêu khắc. Dễ thấy nhất là gam màu nhạt tạo cảm giác trữ tình thơ mộng. Đó là màu xanh non của lá ngô đầu mùa, của nõn búp, của cỏ gianh đồi núi. Đó là màu trắng đục của sương đêm. Đó là màu nhung của đầu con hươu thơ ngộ. Đó là màu “trắng như bạc rơi thoi” của bụng cá. Vả lại, không gian nơi đây rất tĩnh mịch, hoang vắng (ngoại trừ thanh âm của “đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sóng”).
Đã vậy, cách phối hợp thanh điệu, nhịp điệu của câu văn cũng rất tài hoa. Trong đoạn văn, các thanh bằng chiếm ưu thế, góp phần tạo nên cảm giác êm dịu, lắng đọng nơi chiều sâu cảm xúc. Chẳng hạn, câu mở đầu đoạn văn chỉ toàn thanh bằng: “Thuyền tôi trôi trên sông Đà”.
Bên cạnh đó, thưởng thức đoạn văn chúng ta còn bắt được mạch cảm xúc của du khách – nhân vật trữ tình – trên sông Đà. Cụ thể là sự rung động mãnh liệt trước vẻ đẹp ngây ngất của thiên nhiên và chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy bằng đôi mắt của một người nghệ sĩ tài hoa. Nhìn cảnh ven sông lặng tờ, người nghệ sĩ liên tưởng tới quá khứ của quãng sông để so sánh, đối chiếu, khám phá ra vẻ đẹp hoang sơ, cổ tích, huyền thoại kì thú của nó cũng như vẻ đẹp trẻ trung, tươi tắn nảy nở, sinh sôi của cảnh vật thực tại. Hơn thế nữa, tình yêu thiên nhiên của người nghệ sĩ ấy rất nồng nàn, tha thiết, ở đây, có một hòa nhập cả tâm hồn mình vào thiên nhiên. Vì người nghệ sĩ ấy với thiên nhiên như một người bạn tri âm, tri kỷ nên rất thấu hiểu thiên nhiên. Thật vậy, tâm hồn nhân vật trữ tình như mơ màng lắng nghe cả tiếng hươu đang thủ thỉ: “Hỡi ông khách sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. Đặc biệt, có sự thấu hiểu tâm trạng của dòng sông như thấu hiểu tâm tư, tình cảm cùa con người. Ấy là tâm trạng nhớ nhung da diết: “Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc”. Đó là tâm trạng quyến luyến, mong mỏi được nghe giọng nói của con người: “Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi”. Ấy là tâm trạng vui mừng, sung sướng, tự hào khi được làm bạn đủ loại ghe thuyền xuôi ngược trên sóng nước: “Con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên”.
Ngoài ra, với trí tưởng tượng lãng mạn, bay bổng, người nghệ sĩ ấy mượn hai câu thơ của thi sĩ Tản Đà để làm đẹp thêm cái thơ mộng tình tứ của sông Đà:
Dải sông Đà bọt nước lênh bênh
Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình.
Vả lại, chúng ta còn cảm nhận được niềm khao khát, mơ ước, hi vọng của người nghệ sĩ về một tương lai tốt đẹp cho vùng đất Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc: “Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp lê của một chuyến xe lửa đầu tiên trên đường sắt Phú Thọ – Yên Bái – Lai Châu”. Phải chăng đây cũng là khát vọng chân chính của biết bao văn nghệ sĩ cùng thời Nguyễn Tuân về sự thay da đổi thịt của Tây Bắc?
Nhìn chung, dù độc giả chỉ thưởng thức một đoạn văn ngắn của bài tùy bút Người lái đò sông Đà nhưng vẫn cảm nhận được rất rõ nét phong cách nghệ thuật độc đáo của nhà văn Nguyễn Tuân. Tiêu biểu là phong cách “ngông” thể hiện ở sự tài hoa, uyên bác, lịch lãm trên câu chữ. Tuy tùy bút là một thể văn nhưng chúng ta thấy nhà văn còn phối hợp kiến thức của nhiều môn nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh, địa lí, lịch sử, sinh học, văn hóa, phong tục, võ thuật,…
Kiêng trích đoạn trên, sự am hiểu về hội họa, điêu khắc, động vật học, thực vật học, lịch sử học, địa lí học, mỹ học đã giúp nhà văn cảm nhận, đánh giá đúng vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc. Ở đây, sông Đà được miêu tả như một công trình thiên tạo tuyệt vời, đẹp trong chất thơ trữ tình, da diết. Mặt khác, nhà văn còn nhìn sự vật ở chiều lịch sử, gắn quá khứ, hiện tại với tương lai. Hơn nữa, vốn ngôn ngữ của nhà văn rất giàu, nhiều từ ngữ có giá trị tạo hình biểu cảm cao độ có nhạc điệu trầm bổng, biết co duỗi nhịp nhàng như muốn ganh đua với tài hoa của tạo hóa. Phải là một người nghệ sĩ yêu nước da diết, có trí tưởng tượng đa dạng, phong phú, biết khám phá mê say, thưởng thức cái đẹp kỳ thú của tự nhiên mới có được những trang viết dạt dào khoái cảm thẩm mỹ đến thế!
Trên đây là một trong những trích đoạn đặc sắc nhất của tùy bút Người lái đò sông Đà. Cả tác phẩm cũng như trích đoạn đã khơi dậy trong lòng chúng ta tình yêu thiên nhiên, đất nước mãnh liệt, yêu những con người lao dộng chân chính, hăng say và đặc biệt càng thêm yêu vùng đất Tây Bắc xa xôi nhưng giàu tiềm năng của Tổ quốc Việt Nam.
Bài số 2:
Người lái đò sông Đà là một bút kí rất đặc sắc của Nguyễn Tuân rút từ tập Sông Đà (1960). Hình ảnh con sông Đà với hai đặc tính nổi bật là “hung bạo và trữ tình” đã được khắc họa thật đậm nét. Để có thể khách thể hóa được đối tượng và “đóng đinh” nó vào trí nhớ độc giả, Nguyễn Tuân đã tung ra nhiều “độc chiêu” ngôn ngữ tưởng chỉ mình không mới có. Khi miêu tả những con thác vô cùng “độc dữ, nham hiểm”, câu văn của ông mang nhịp diệu dồn dập, kích thích. Nhưng khi ca ngợi “con sông Đà gợi cảm”, câu văn lại thư duỗi hết sức êm ả nghe như một tiếng hát ngân nga. Văn Nguyễn Tuân gồm chứa cả hai cực đó là cực thứ hai – cực trữ tình mềm mại và thấm đượm một thứ “mĩ học hoài cựu” độc đáo được thể hiện rất rõ trong đoạn văn từ câu “Thuyền trôi trên sông” đến câu… “khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên”.
Nội dung của đoạn văn là nói về vẻ thơ mộng của sông Đà ở quãng trung lưu. Thác ghềnh lúc này chỉ còn lại trong nỗi nhớ. Thuyền được trôi êm và câu văn mở đầu vì thế cũng trở nên lâng lâng, mơ màng, không vướng víu với một thanh trắc nào: “Thuyền tôi trôi trên sông Đà”. Cái “lặng lờ” được nhắc đi nhắc lại mấy lần theo một kiểu trùng điệp rất đặc thù của thơ: “Cảnh ven sông ở đây lặng lờ, hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng lờ như thế là thôi”, nghĩa là không thể lặng lờ hơn được nữa! Thiên nhiên thật hài hòa và mang vẻ trong trẻo nguyên sơ, dành riêng cho con mắt nhìn “xanh non” của tác giả những hình ảnh kì thú: “Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm”. Cảnh đã làm cho vị tình nhân của non nước Đà giang hết sức xúc động. Ông thấy cần phải nói thêm nữa đề diễn tả cho cùng kiệt đặc tính của đối tượng: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích ngày xưa”. Những so sánh lạ lầm, chính xác mà cùng thật Nguyễn Tuân! Nhà văn đã đi ngược thói quen, đem giải thích một đặc tính vốn đã khá trừu tượng bằng những khái niệm trừu tượng hơn nữa, khiến cho cảm giác trực tiếp bỗng mở ra những liên tưởng trùng trùng, bát ngát. Đi từ “hoang dại”, “hồn nhièn” là cái còn có thể cảm nhận được, đến “tiền sử” và “nỗi niềm cổ tích ngày xưa”, câu văn đã cập bờ siêu cảm giác, đòi hỏi người đọc phải tiếp nhận nó bằng siêu giác quan chứ không phải bằng giác quan bình thường. Trong câu tiếp theo: “Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê cúa một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ – Yên Bái – Lai Châu”, một mặt nhà văn bộc lộ thèm ước muốn có tiếng còi kéo mình ra khói mạng lưới vô hình mà quấn chặt của giấc mơ xưa, mặt khác tạo nên một cái cớ tuyệt điệu để biến cả một đoạn văn thành một bài thơ siêu thực mà trong đó giữa người với cảnh có sự tương thông rất đỗi huyền nhiệm và cái hư phút chốc biến thành cái thực: “Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ dừ trôi trên một mùi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi mình bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách sông Đà, có phải ông cùng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?” Người mơ cảnh cũng mơ, và cái thời điểm “ông khách sông Đà” bỗng nghe ra tiếng chú hươu gọi hỏi chính là đỉnh điểm của giấc mơ đó. Nhà văn đã khéo tạo được một giấc mơ ngay giữa ban ngày để rồi sau đó như sực tỉnh với tiếng động của “Đàn cá dầm xanh quầy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuối mất đàn hươu vụt biến”. Phút sực tỉnh cũng là phút nhà văn hiến cho độc giả một hình ảnh cực kỳ sống động mà ai được một lần thấy trong đời hẳn phải nhớ mãi. Bút pháp mượn cái động để tả cái tĩnh đã được vận dụng ở đây hết sức đắc địa. Cảnh tĩnh lặng đến mức chỉ tiếng cá quẫy cùng đủ khiến ta phải giật mình. Nhưng dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, cái tĩnh không đồng nghĩa với sự phẳng lặng, đơn điệu mà vẫn luôn hàm chứa sự bất ngờ, vẫn không ngớt biến hóa. Theo con thuyền thả trôi, điểm nhìn của nhà văn liên tục di động và “di động” hơn nữa là cái nhìn của Nguyễn Tuân. Có vẻ như ông muốn học cách nhìn của “con hươu thơ ngộ”, “vểnh tai”, “nhìn không chớp mắt” những sự vật như hiện lên từ thế giới cổ tích, sau đó truyền sự bỡ ngỡ lại cho độc giả qua những từ dùng độc đáo, sáng tạo, kích thích rất mạnh giác quan và vốn ngôn ngữ của chúng ta: “thơ ngộ”, “đầu nhung”, “áng cỏ sương”, “tiếng còi sương…”. Vật nào cảnh nào được cây đùa thần của nhà văn động đến đều cựa quậy, không chịu ép mình làm một tiêu bản dẹt. Có lúc, Nguyễn Tuân như vượt qua lề luật của phép diễn đạt thông thường để viết: “Đàn cá đầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi”. Có thể nói câu văn kia đã được viết theo bút pháp của hội họa “lập thể” mà mục đích của nó là muốn cùng một lúc thấy được sự vật ở nhiều chiều. Trước một nét miêu tả rất cô đọng như thế, ta không chỉ thấy mà còn nghe – thấy cái lấp lánh ánh bạc của bụng cá và nghe tiếng quẫy nước rộn ràng vang ngân.
Nguyễn Tuân là người hết sức nặng tình với con sông đất nước. Trong khi thưởng ngoạn vẻ đẹp thơ mộng của sông Đà, trong ông dậy lên bao mối liên tưởng về lịch sử, dậy lên cảm giác hàm ơn sâu xa đối với cổ nhân. Việc ông nhắc tới đời Lí, đời Trần, đời Lê và câu thơ của Tản Đà cho thấy rõ một thiên hướng bộc lộ cảm xúc rất đặc thù của người từng viết Vang bóng một thời. Nhưng trước vẻ “hoang dại” của bờ sông Đà, nhà văn cũng có những suy nghĩ mang tính tích cực của người công dân mới, mong cuộc sống hiện đại tỏa chiếu ánh sáng lên cả chốn sơn cùng thuỷ tận. “Tiếng còi sương” xuất hiện ở đây ngân xa như một khát vọng, nó hài hòa với cảm hứng lịch sử, tạo cho đoạn văn một vẻ đẹp vừa cổ kính, vừa hiện đại. Đối với Nguyễn Tuân, những cái gì mang trong nó hơi thở ấm áp của cuộc đời đều để thương, để nhớ, để lưu luyến cho ông. Trong những câu cuối của đoạn văn này, ông đã trải lòng mình ra với dòng sông, hóa thân vào nó để lắng nghe và xúc động: “Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên”. Qua mỗi dặm đường đất nước, nhà văn đều thấy cảnh vật và con người gắn quyện với nhau rất chặt chẽ.
Yêu sông Đà cũng chính là yêu Tổ quốc và yêu con người Việt Nam – những “đồng tác giả” của trăm vẻ đẹp từng làm đắm đuối lòng ta trên “trăm dáng sông xuôi” (ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm).
Chỉ mới qua một đoạn trích ngắn ngủi, ta chưa có điều kiện thấy hết những đặc sắc của văn Nguyễn Tuân. Nhưng chừng ấy tưởng cũng đã đủ để ta quý trọng một tài năng, một tấm lòng, một Nguyễn Tuân – con người suốt cuộc đời đi tìm cái đẹp trong cuộc sống để sáng tạo nên những áng văn đẹp, làm phong phú, giàu có thêm đời sống tinh thần của tất cả độc giả chúng ta.
» Tham khảo thêm:
- Phân tích hình tượng sông Đà trong Người lái đò sông Đà
- Phân tích đặc sắc nghệ thuật trong tùy bút Người lái đò Sông Đà
Trên đây là một số mẫu bài văn hay phân tích một đoạn trong tùy bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân do Đọc Tài Liệu tổng hợp được và gửi tới các em tham khảo. Ngoài ra, các em cũng có thể đọc thêm nhiều bài văn mẫu hay lớp 12 khác được cập nhật tại Doctailieu.com để củng cố kiến thức, mở rộng vốn từ và học tốt hơn môn Văn. Chúc các em học tốt !
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.