95 lượt xem

Văn mẫu lớp 7: Phân tích bài thơ Rằm tháng giêng của Hồ Chí Minh (Dàn ý + 8 mẫu) Những bài văn mẫu hay nhất lớp 7

Hồ Chí Minh là một nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc. Bài thơ Rằm tháng giêng của Bác sẽ được giới thiệu để tìm hiểu trong chương trình Ngữ văn lớp 7.

Phân tích bài thơ Rằm tháng giêng

Download.vn sẽ cung cấp Bài văn mẫu lớp 7: Phân tích bài thơ Rằm tháng giêng của Hồ Chí Minh, bao gồm dàn ý và 8 bài văn mẫu, mời các bạn học sinh tham khảo.

Dàn ý phân tích bài thơ Rằm tháng giêng

I. Mở bài

  • Giới thiệu về tác giả Hồ Chí Minh.
  • Giới thiệu về bài thơ “Rằm tháng giêng”.

II. Thân bài

1. Thiên nhiên ở chiến khu Việt Bắc trong đêm trăng

– Hình ảnh ánh trăng: “nguyệt chính viên” – trăng đúng lúc tròn nhất.

=> Không gian bao la, tràn ngập ánh trăng.

– Sức sống của mùa xuân: “xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên”

=> Ba chữ “xuân” nối tiếp nhau thể hiện sức xuân và sắc xuân đang trỗi dậy. Khung cảnh tràn đầy sức sống.

=> Hai câu đầu đã khắc họa bức tranh thiên nhiên đêm rằm mùa xuân đẹp, bát ngát, rộng lớn và tràn đầy sức sống.

2. Hình ảnh con người trong đêm trăng ở chiến khu Việt Bắc

– Công việc: “đàm quân sự” – bàn việc quân nghĩa là bàn việc kháng chiến, bàn việc sinh tử của của dân tộc.

– Hình ảnh “trăng ngân đầy thuyền”: gợi sức lan tỏa của ánh trăng trong đêm rằm và qua đó thể hiện ý nguyện, mong muốn vươn tới thành công trong sự nghiệp cách mạng.

=> Hai câu thơ cuối cho thấy phong thái ung dung, lạc quan, luôn tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng và tâm hồn giao cảm, hòa hợp với thiên nhiên của Bác Hồ.

III. Kết bài

  • Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
  • Đánh giá giá trị của tác phẩm.

Phân tích bài thơ Rằm tháng giêng – Mẫu 1

Bài thơ “Nguyên tiêu” (Rằm tháng giêng) là một trong những bài thơ nổi tiếng của chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài thơ đã khắc họa được khung cảnh thiên nhiên núi rừng Việt Bắc trong đêm trăng cũng như qua đó bày tỏ tấm lòng yêu nước sâu nặng của Người:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên, Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên; Yên ba thâm xứ đàm quân sự, Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.”

Có lẽ hình ảnh ánh trăng không còn xa lạ gì trong thơ ca. Ta đã từng bắt gặp ánh trăng nhớ trong thơ Lý Bạch:

“Sàng tiền minh nguyệt quang, Nghi thị địa thượng sương. Cử đầu vọng minh nguyệt, Đê đầu tư cố hương.”

(Đầu giường ánh trăng rọi, Ngỡ mặt đất phủ sương. Ngẩng đầu nhìn trăng sáng, Cúi đầu nhớ cố hương)

Ánh trăng trong thơ Lý Bạch dường như mang nỗi nhớ về quê hương. Còn trong “Rằm tháng giêng” của Hồ Chí Minh, ánh trăng lại mang một ý nghĩa khác.

Nhà thơ đã xây dựng hình ảnh ánh trăng trong một đêm rằm tháng giêng với vẻ đẹp “nguyệt chính viên” – đó là lúc trăng ở vào độ tròn đầy và sáng nhất. Ánh trăng trong đêm rằm vốn đã đẹp nhưng ánh trăng trong đêm rằm tháng giêng lại đẹp hơn cả. Không chỉ vậy, sắc xuân từ ánh trăng giống như đang bao trùm lên mọi cảnh vật khiến cho “sông xuân”, “nước xuân” và “trời cũng thêm xuân”. Từ “xuân” được điệp lại tới ba lần như muốn khẳng định sắc xuân đang lan tỏa khắp không gian. Không gian ấy mở rộng ra cả ba chiều: chiều cao, chiều rộng và chiều sâu làm cho cảnh vật thiên nhiên trở nên rộng lớn hơn chứ không bó hẹp. Sự nối tiếp giữa “sông xuân”, “nước xuân” và “trời xuân” cũng gợi ra vẻ đẹp giao hòa giữa bầu trời và mặt đất đều tràn ngập ánh trăng.

Trong bức tranh thiên nhiên đầy thơ mộng đó, người chiến sĩ cách mạng vẫn không quên đi một nhiệm vụ quan trọng. Những năm tháng chiến tranh, mọi công việc hoạt động cách mạng đều phải diễn ra một cách âm thầm và kín đáo. Chính vì vậy, những người chiến sĩ cách mạng đã lựa chọn thời điểm trong đêm khuya để bàn bạc việc quân việc nước. Vì quá say sưa bàn luận mà họ dường như quên mất đi thời gian, để đến khi công việc đã xong xuôi mới nhận ra đêm đã khuya. Và ánh trăng lúc này cũng là sáng nhất. Hình ảnh “con thuyền” ẩn dụ cho sự thắng lợi của cách mạng. Con thuyền chứa đầy ánh trăng giống như thắng lợi của cách mạng không còn xa nữa. Đó chính là niềm tin của Bác Hồ vào sự nghiệp đấu tranh của dân tộc.

Như vậy, bài thơ “Rằm tháng giêng” đã khắc họa được bức tranh thiên nhiên trong đêm rằm tháng giêng đầy thơ mộng cùng tình yêu nước sâu sắc của Hồ Chí Minh. Không chỉ vậy, người đọc cũng thấy được một tâm hồn thi sĩ đầy tinh tế nhạy cảm của Bác Hồ.

Phân tích bài thơ Rằm tháng giêng – Mẫu 2

Bài thơ “Rằm tháng giêng” được Bác Hồ viết trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài thơ không chỉ miêu tả hình ảnh thiên nhiên ở chiến khu Việt Bắc trong đêm trăng mà còn thể hiện được tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm cũng như tấm lòng yêu nước sâu nặng của chủ tịch Hồ Chí Minh

Mở đầu bài thơ là hình ảnh ánh trăng trong đêm tại chiến khu Việt Bắc:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên”

(Đêm nay, đêm rằm tháng giêng, trăng đúng lúc tròn nhất)

Hình ảnh ánh trăng vào đêm rằm tháng giêng được nhà thơ miêu tả là “nguyệt chính viên” (trăng đúng lúc tròn nhất). Ánh trăng lúc này dường như bao phủ khắp núi rừng Việt Bắc khiến cho cảnh vật trở nên ấm áp hơn. Đến câu thơ tiếp theo, hình ảnh thiên nhiên lại càng đẹp hơn:

“Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên”

(Sông xuân, nước xuân tiếp giáp với trời xuân)

Ba từ “xuân” nối tiếp nhau thể hiện sức sống và sắc xuân đang trỗi dậy khắp mọi không gian. Từ “tiếp” gợi ra cho người đọc cảm nhận rằng dường như trời và đất đang giao hòa gặp gỡ nhau bởi sắc xuân rực rỡ. Như vậy hai câu thơ mở đầu bài thơ đã đã khắc họa một bức tranh thiên nhiên trong đêm rằm tháng giêng tràn đầy sức sống.

Đến hai câu thơ tiếp theo, hình ảnh con người đã xuất hiện với một công việc thật cao cả:

“Yên ba thâm sứ đàm quân sự”

(Nơi sâu thẳm mịt mù khói sóng bàn việc quân)

Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, mọi hoạt động cách mạng đều phải diễn ra một cách thầm lặng và kín đáo. Chính vì vậy, Bác Hồ cùng với các chiến sĩ mới lựa chọn thời điểm đêm khuya để bàn bạc việc quân, đó là những công việc quan trọng liên quan đến vận mệnh của quốc gia dân tộc. Và cuối cùng, bài thơ kết lại bằng một câu thơ:

“Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”

(Nửa đêm quay về trăng đầy thuyền)

Phải chăng vì quá say sưa bàn bạc việc quân việc nước, mà khi trở về thì đêm đã về khuya? Lúc này ánh trăng cũng sáng rõ hơn bao giờ hết. Hình ảnh “nguyệt mãn thuyền” muốn thể hiện sức lan tỏa mạnh mẽ của ánh trăng trong đêm rằm tháng giêng. Qua đó, Bác Hồ muốn thể hiện khát vọng thành công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với hai câu thơ sau, người đọc như thấy được một phong thái ung dung, lạc quan và lòng tin bất diệt của Người vào sự nghiệp giải phóng dân tộc nhất định sẽ thắng lợi.

“Rằm tháng giêng” là bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt mang đậm nét cổ điển. Thiên nhiên trong bài thơ được khắc họa bằng những hình ảnh thiên nhiên quen thuộc trong thơ xưa như ánh trăng, sông nước, trời đất, con thuyền. Cùng với việc kết hợp biện pháp tu từ điệp ngữ đã giúp nhà thơ diễn tả được bức tranh đêm trăng ở chiến khu Việt Bắc thật sinh động.

Qua bài thơ trên, ta không chỉ thấy được một tâm hồn thi sĩ đa sầu đa cảm mà còn là con người kiên cường và trung thành với cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phân tích bài thơ Rằm tháng giêng – Mẫu 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam. Người được biết đến không chỉ với tư cách là một nhà hoạt động cách mạng, mà còn với vị trí của một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc. Trong số những tác phẩm Bác để lại, bài thơ “Rằm tháng giêng” là một tác phẩm nổi bật để lại trong lòng người đọc nhiều suy tư sâu sắc.

Xem thêm  Giải Vở bài tập Ngữ Văn lớp 8 Tập 2 hay nhất

Năm 1948, tại chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng và Chính phủ mở cuộc họp tổng kết về tình hình quân sự thời kì đầu kháng chiến chống Pháp (1947 – 1948). Sau khi họp xong thì đêm cũng đã khuya. Hình ảnh ánh trăng sáng lan tỏa khắp không gian núi rừng rộng lớn. Cùng với sự giao hòa của cảnh vật và con người. Chính bức tranh đầy thơ mộng ấy khơi gợi cảm hứng để Bác sáng tác bài thơ này:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên, Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên; Yên ba thâm xứ đàm quân sự, Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.”

Câu thơ mở đầu gợi ra cho người đọc hình dung về một đêm rằm tháng giêng, ánh trăng đúng lúc tròn và sáng nhất. Ánh trăng dường như sáng đến độ có thể thắp sáng vạn vật. Để rồi cả “sông xuân”, “nước xuân”, “trời xuân” cũng lẫn màu ánh trăng. Từ “xuân” được điệp lại đến ba lần gợi ra một không gian thật rộng lớn. Từ “tiếp” gợi cho người đọc hình dung ra hình ảnh bầu trời và mặt đất dường như không còn khoảng cách để rồi như hòa hợp lại thành một. Trong thơ ca cổ, những hình ảnh “giang, thủy, nguyệt, thiên” vốn đã rất quen thuộc nhưng khi đi vào thơ Bác lại làm nổi bật nên một bức tranh đầy hiện đại mang vẻ tươi sáng, rực rỡ và tràn đầy sức sống của vạn vật.

Để rồi, đến khi con người xuất hiện thì bức tranh ấy lại càng tuyệt đẹp. Giữa màn sương khói mờ ảo, con người hiện ra trong công việc “đàm quân sự” – một công việc quan trọng, có liên quan đến sự sống còn của dân tộc. Trên con thuyền bồng bềnh nơi sông nước sương khói mờ ảo kia không phải là những người ẩn sĩ trong thơ ca xưa khi tìm về với chốn thiên nhiên để tránh khỏi những thị phi của cuộc đời giống như trong thơ của Cao Bá Quát:

“Thế sự thăng trầm quân mặc vấn Yên ba thâm xứ hữu ngư châu”

(Việc thế thăng trầm anh chớ hỏi Mênh mông khói sóng chiếc thuyền câu)

Mà đó là hình ảnh của những người chiến sĩ cách mạng đang bàn bạc việc quân, việc nước. Khi khắc họa hình ảnh này, Bác đã làm nổi bật lên tâm hồn cao đẹp của những chiến sĩ cách mạng – họ là những con người yêu nước, thương dân, một lòng kiên trung với cách mạng. Công việc quan trọng của quốc gia lại được bàn bạc trên con thuyền giữa dòng sông khói tỏa mịt mù cũng gợi lên một hình ảnh độc đáo lại nên thơ. Chỉ đến khi công việc bàn bạc đã xong xuôi, người chiến sĩ mới giật mình nhận ra đêm đã quá khuya. Ánh trăng lúc này giống như đang lùa vào thuyền, vào hồn nhà thơ vấn vít. Trăng dâng đầy lai láng trên con thuyền của người chiến sĩ cách mạng khiến con thuyền để “bàn quân sự” giờ đây vụt biến thành con thuyền thơ đầy ảo mộng. Hình ảnh dường như đã lay động tâm hồn nhà thơ. Khi công việc nước đã xong xuôi, Người mới có thời gian ngắm nhìn thiên nhiên bằng một trái tim say mê nhất. Cảnh tượng thiên nhiên khiến tâm hồn thi sĩ rung động, bồi hồi.

Như vậy, bài thơ “Rằm tháng giêng” đã bộc lộ được tình yêu thiên nhiên cũng như lòng yêu nước sâu sắc của nhà thơ. Đồng thời, qua đó Bác cũng gửi gắm một niềm tin chiến thắng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Phân tích bài thơ Rằm tháng giêng – Mẫu 4

Nguyên tiêu là bài thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh được viết trong thời gian kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Việt Bắc. Sau chiến thắng Việt Bắc, Thu Đông 1947 sang Xuân Hè 1948 quân ta lại thắng lớn trên đường số 4. Niềm vui thắng lợi tràn ngập tiền tuyến, hậu phương. Trong không khí sôi động và phấn chấn ấy bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ xuất hiện trên báo Cứu quốc như một đoá hoa xuân ngọt ngào rực rỡ sắc hương.

Mở đầu bài thơ là cảnh tuyệt vời trong đêm nguyên tiêu. Trên bầu trời vầng trăng tròn vành vạnh:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên”

(Rằm xuân lồng lộng trăng soi)

Trăng rằm tháng giêng mang vẻ đẹp tươi xinh khác thường vì có hơi thở của mùa xuân. Đêm rằm, trăng sáng ánh trăng lồng lộng dát vàng trên nền trời, phủ khắp chốn trần gian, ánh trăng tràn mọi nẻo… Ánh trăng làm cho cảnh vật mang vẻ đẹp hữu tình lung linh sinh sắc. Đất nước, quê hương bao la một màu xanh bát ngát, màu xanh lấp lánh của xuân giang, dòng sông như được tiếp thêm sức sống mới dưới khí trời mát dịu. Dòng sông trở nên đẹp hơn, hữu tình hơn, dòng sông xanh xuân thủy và tiếp nối với màu xanh của xuân thiên.

Mùa xuân là mùa của chồi non, sự sống. Xuân phơi phới có ở khắp mọi nơi, xuân của dòng sông, dòng nước, không gian cao rộng của bầu trời. Khí xuân tràn ngập sự sống, ba từ xuân làm nổi bật cái thần của cảnh vật, sông nước và bầu trời:

“Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên”

(Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân)

Xuân trong câu thơ chữ Hán của Bác là mùa xuân, là tuổi trẻ và vẻ đẹp xinh tươi. Nó còn gợi tả màu xanh của sông nước, đất trời vào xuân. Khi vào xuân, con người tạo vật như bừng tỉnh, rạo rực trong cuộc sống mới. Nhà thơ Thanh Hải đã từng cảm nhận mùa xuân cua thiên nhiên và đất trời qua những tín hiệu đặc sắc:

“Mọc giữa dòng sông xanh Một bông hoa tím biếc Ơi! Con chim chiền chiện Hót chi mà vang trời Từng giọt long lanh rơi Tôi đưa tay tôi hứng…”

(Mùa xuân nho nhỏ)

Xuân đến, tiếng chim hót vang lừng, giọt mùa xuân long lanh do đất trời ban tặng làm cho sự sống rạo rực hơn và bất tận.

Trong câu thơ của Bác xuân còn gợi tả màu xanh của sông nước, trời đất vào xuân, sức sống mãnh liệt, trẻ trung căng tràn nhựa sống. Niềm vui sướng tự hào phơi phới của Bác đang ngây ngất say sưa giữa một đêm xuân đẹp, một đêm xuân lịch sử – đất nước đang anh dũng kháng chiến.

Với Bác, yêu trăng, yêu xuân chính là yêu cuộc đời. Trái tim mênh mông của người chan hoà với thiên nhiên, sông núi, hoa lá cỏ cây thật hữu tình. Có trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa, trăng vào cửa sổ đòi thơ trong niềm vui thắng trận. Và xem sách chim rừng vào cửa đậu – phê văn hoa núi ghé nghiêng soi. Thiên nhiên trong thơ Bác thật phong phú và chan chứa chất thơ.

Đến hai câu thơ cuối, ta thấy cảm nhận về dòng sông, về khói sóng, và con thuyền được nâng lên một mức:

“Yên ba thâm xứ đàm quân sự” (Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền)

Nhớ ánh trăng ngày nào khi Bác còn bị giam dưới ngục lạnh nơi đất khách quê người (1942-1943) thì đêm nay – đêm rằm tháng giêng (1948) lại bắt gặp ánh trăng nơi chiến khu Việt Bắc. Con thuyền xuôi mái giữa dòng sông trăng, tựa mạn thuyền người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh đang đàm quân sự. Ánh trăng đêm này là ánh trăng ước hẹn, báo trước những mùa trăng trong năm được nhân dân đón đợi với bao tình cảm nồng hậu. Trăng đêm nay không phải là ánh trăng bình thường trước sân nhà, đầu ngõ. Bác thưởng trăng trên khói sóng, người đang thưởng trăng nguyên tiêu không chỉ mang cốt cách như các bậc tao nhân mặc khách ngày xưa mà còn là con người hành động, người chiến sĩ cộng sản đánh giặc. Vị lãnh tụ đang bàn bạc việc quân trên con thuyền nhẹ lướt giữa sông nước trời xuân đây là trường hợp thưởng trăng rất đặc biệt, yên ba là khói sóng, thi liệu cổ của Đường thi. Vậy là câu thơ có nét cổ điển và có nét hiện đại, chất hiện đại đó chính chất thép, chất chiến đấu của người chiến sĩ cộng sản: Nay ở trong thơ nên có thép – Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

Sau quãng thời gian bàn bạc việc quân, đêm đã về khuya, nửa đêm (dạ bán). Con thuyền kháng chiến trở thành con thuyền trăng trên vời sông nước mênh mông:

(Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền)

(Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền)

Hình ảnh nguyệt mãn thuyền gợi cho chúng ta nhớ đến những vần thơ cổ thi hoa lệ:

“Thuyền mấy lá đông, tây lặng ngắt Một vầng trăng trong vắt lòng sông…”

(Bạch Cư Dị)

“Nước biếc non xanh thuyền gối bãi Đêm thanh nguyệt bạc, khách lên lầu”

(Nguyễn Trãi)

Trở lại bài thơ Nguyên tiêu ta thấy con thuyền đang trôi nhẹ ẩn hiện sau màn sương khói. Trên chiếc thuyền hình ảnh thi sĩ – chiến sĩ hiện lên thật đẹp đẽ với bàn bạc việc quân trong đêm trăng, tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước, quyết chiến đấu giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

Xem thêm  Cảm nhận về nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù 2 Dàn ý & 12 bài cảm nhận Huấn Cao

Nguyên tiêu là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, mang phong vị Đường thi. Bài thơ có nét thơ cổ thể: con thuyền, trăng, sóng, xuân, nước xuân, trời xuân, khói sóng… điệu thơ thanh nhẹ. Trong khung cảnh ấy chất chiến sĩ là trung tâm. Bài thơ như một đoá hoa xuân, tinh hoa kết tụ tâm hồn trí tuệ, đạo đức Hồ Chí Minh.

Văn là người, thơ là tấm lòng. Bài thơ này thể hiện tình yêu thiên nhiên đất nước, đồng thời bộc lộ tình yêu nước sâu sắc. Cốt cách thi sĩ hoà quyện chất chiến sĩ chất chứa đầy ắp trên chiếc thuyền kháng chiến đang tiến nhanh về bến bờ độc lập tự do.

Phân tích bài thơ Rằm tháng giêng – Mẫu 5

Rằm tháng giêng là bài thơ nổi tiếng của Bác, được viết vào đúng rằm tháng giêng năm 1948 ở chiến khu Việt Bắc. Bài thơ đã cho thấy sự tinh tế của Bác trong cách cảm nhận cảnh sắc thiên nhiên, và tâm hồn thi sĩ hòa quyện với tâm hồn của người chiến sĩ.

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên”

Ta có thể hình dung khung cảnh bầu trời cao rộng trong trẻo, nổi bật là nền trời ấy là ánh trăng tỏa rạng, sáng ngời. Bức tranh của Bác gợi nhiều hơn tả, khung cảnh được vẽ rộng mênh mông, với vài nét phác họa đơn sơ, Người chú ý đến toàn cảnh mà ít đi vào miêu tả chi tiết, cụ thể, đây cũng là cách miêu tả phổ biến trong thơ ca cổ điển. Cả dòng thơ thứ hai tràn ngập sức sống mùa xuân, câu thơ mở rộng ở cả hai chiều, chiều rộng xuân giang, chiều cao xuân thiên, khiến cho khung cảnh càng trở nên rộng rãi, khoáng đạt hơn. Đồng thời sử dụng liên tiếp ba chữ xuân cũng cho thấy sức sống mùa xuân đang tràn ngập khắp nơi. Bác như một tao nhân mặc khách, ung dung thưởng tức không khí xuân nhẹ nhàng, yên bình.

Nhưng thật bất ngờ, trong bầu không khí ấy lại đang diễn ra cuộc họp bàn việc quân sự, bàn việc đất nước: Yên ba thâm xứ đàm quân sự. Đối chiếu với nguyên tác ta có thể thấy phần dịch thơ đã không dịch hai chữ “yên ba” có nghĩa là khói sóng. Lược bỏ đi đã làm mất đi cái hư thực, huyền bí của không gian đêm khuya. Ba chữ “đàm quân sự” rất hiện đại và mang âm hưởng của thời đại.

Đặt trong hoàn cảnh đất nước đang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ta càng thấy rõ hơn sự bình tĩnh, chủ động, lạc quan của vị lãnh tụ. Mặc dù vẫn ngày đêm lo nghĩ cho việc nước, nhưng Bác vẫn dành ra chút thời gian ít ỏi để rung cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên. Phong thái ung dung còn được thể hiện trong câu thơ cuối: Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền. Con thuyền của Bác sau khi bàn việc quân tràn ngập ánh trăng, lướt đi phơi phới như đang chở một thuyền trăng trở về.

Bài thơ là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách cổ điển và phong cách hiện đại. Những thi liệu cổ như con thuyền, vầng trăng,… đã biến Bác thành một thi nhân hòa mình vào thiên nhiên. Không gian núi rừng để đàm đạo quân sự lại đầy chất hiện đại. Sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, lời ít ý nhiều , tạo sức gợi cho ngôn từ và hình ảnh.

Bài thơ với ngôn ngữ cô đọng, chắt lọc tinh tế đã cho ta thấy Bác ở những chiều kích khác nhau. Đó là một tâm hồn yêu thiên nhiên, rung cảm trước vẻ đẹp của vạn vật khi xuân sang. Không chỉ vậy, đó còn là tâm hồn của một chiến sĩ, luôn ngày đêm lo lắng cho sự nghiệp cứu nước, nhưng hơn hết vẫn thể hiện được phong thái ung dung, lạc quan trong cuộc đời kháng chiến đầy gian khổ.

Phân tích bài thơ Rằm tháng giêng – Mẫu 6

“Nguyên tiêu” nằm trong chùm thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh viết trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, tại chiến khu Việt Bắc: “Nguyên Tiêu”,… Sau chiến thắng Việt Bắc, thu đông 1947, sang xuân hè 1948, quân ta lại thắng lớn trên đường số Bốn. Niềm vui thắng trận tràn ngập tiền tuyến hậu phương.

Trong không khí sôi động và phấn chấn ấy, bài thơ của Bác Hồ xuất hiện trên báo “Cứu quốc” như một đóa hoa xuân ngào ngạt và rực rỡ sắc hương. Xuân Thủy đã dịch khá hay bài thơ này. Nguyên tác bằng chữ Hán, viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, dịch giả đã chuyển thành thơ lục bát:

“Rằm xuân lồng lộng trăng soi Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân Giữa dòng bàn bạc việc quân, Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”

Đêm nguyên tiêu trăng sáng ngời trên một không gian bao la. Bài thơ nói lên cảm xúc và niềm tin dào dạt trong tâm hồn lãnh tụ đêm nguyên tiêu lịch sử.

Hai câu đầu vẽ lên cảnh đẹp tuyệt vời đêm nguyên tiêu. Trên bầu Trời, vầng trăng vừa tròn (nguyệt chính viên).Trăng rằm tháng giêng mang vẻ đẹp tươi xinh khác thường vì mùa xuân làm cho trăng thêm đẹp. Và trăng cũng làm cho cảnh vật mang vẻ đẹp hữu tình. Đất nước quê hương bao la một màu xanh bát ngát. Màu xanh lấp lánh của “xuân giang”, màu xanh ngọc bích của “xuân thuỷ” tiếp nối với màu xanh thiên thanh của “xuân thiên”. Ba từ “xuân” trong câu thơ thứ hai là những nét vẽ đặc sắc làm nổi bật cái “thần” của cảnh vật sông, nước và bầu Trời:

“Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên”

(Sông xuân nước lẫn màu trời thêm “Xuân”)

“Xuân” trong câu thơ chữ Hán của Bác là mùa xuân, là tuổi trẻ, là vẻ đẹp xinh tươi. Nó còn gợi tả màu xanh của sông nước, đất Trời vào xuân. Nó thể hiện vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt của đất nước ta: trong lửa đạn vẫn dào dạt một sức sống trẻ trung, tiềm tàng. Ngoài giá trị miêu tả cảnh đẹp đêm nguyên tiêu, vần thơ còn biểu hiện tinh tế cảm xúc tự hào, niềm vui sướng mênh mông của một hồn thơ đang rung động giữa một đêm xuân đẹp, một đêm xuân lịch sử, đất nước đang anh dũng kháng chiến.

Với Bác Hồ, yêu vẻ đẹp nguyên tiêu, yêu thiên nhiên cũng là yêu đời tha thiết. Bác yêu thiên nhiên nên sông, núi, cỏ cây, hoa lá, tạo vật trong thơ Bác rất hữu tình. Có “Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”. Có “Trăng vào cửa sổ đòi thơ” trong niềm vui thắng trận. Bác yêu hoa núi, chim rừng Việt Bắc: “Xem sách, chim rừng vào cửa đậu – Phê văn hóa núi ghé nghiêng soi”, yêu ngọn gió, giọt mưa báo mùa thu chợt đến… Thiên nhiên trong thơ Hồ Chí Minh là một trong những yếu tố tạo nên sắc trữ tình và màu sắc cổ điển.

Hai câu thơ cuối nói về dòng sông, khói sóng và con thuyền trăng:

“Yên ba thâm xứ đàm quân sự,

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”

Ánh trăng ngày trước (1942-1943) chiếu vào nhà ngục lạnh nơi đất khách quê người, thì đêm nguyên tiêu này (1948), trăng lại soi xuống con thuyền trong đó Bác đang “đàm quân sự” (bàn bạc việc quân). Trăng nguyên tiêu là trăng ước hẹn, báo trước những mùa trăng trong năm, được nhân dân đón đợi với bao hi vọng, bao tình cảm nồng hậu.

Lại nữa, trường hợp thưởng trăng không phải là trường hợp bình thường diễn ra trên sân nhà, ngõ xóm, hay “đăng lâu vọng nguyệt”… mà là thưởng trăng trên khói sóng, nơi “yên ba thâm xứ” – cõi sâu kín, bí mật trên dòng sông, giữa núi rừng chiến khu bao la!. Người đang thưởng trăng nguyên tiêu không chỉ mang cốt cách như các tao nhân mặc khách ngày xưa, mà còn là con người hành động, người chiến sĩ đánh giặc, vị lãnh tụ đang “bàn bạc quân” để lãnh đạo nhân dân kháng chiến, bảo vệ non sông đất nước. Quả thật, đây là một trường hợp thưởng trăng rất đặc biệt: “Yên ba thâm xứ đàm quân sự”. “Yên ba” là khói sóng, một thi liệu cổ được Bác Hồ vận dụng rất sáng tạo làm cho bài thơ “Nguyên tiêu” mang phong vị Đường thi. Ba chữ “Đàm quân sự” đã khu biệt thơ Bác với thơ của người xưa, làm cho văn thơ mang màu sắc hiện đại và không khí lịch sử của thời đại.

Sau những canh dài bàn bạc việc quân căng thẳng nơi khói sóng sâu kín, Trời đã về khuya. Nửa đêm (dạ bán), Bác trở về bến, tâm hồn sảng khoái vô cùng. Con thuyền trở thành con thuyền trăng, nhẹ bơi trên sông nước mênh mông, chở đầy ánh trăng vàng:

“Dạ bán quy lai, nguyệt mãn thuyền”

(Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền)

Xem thêm 

“Nguyệt mãn thuyền” là một hình ảnh rất đẹp và trữ tình nó làm ta nhớ đến những vần thơ cổ thi hoa lệ:

“Bạn chơi năm ngoái nào đâu tá?”Trăng nước như xưa chín với mười”

(Triệu Hổ, Đường thi)

“Thuyền mấy lá đông, tây lặng ngắt, Một vầng trăng trong vắt lòng sông…”

(Bạch Cư Dị)

“Nước biếc non xanh thuyền gối bãi, Đêm thanh nguyệt bạc, khách lên lầu”

(Nguyễn Trãi)

Trở lại bài thơ Hồ Chí Minh, ta thấy con thuyền đang trôi nhẹ trên sông, ẩn hiện trong màn khói sóng, mang theo bao ánh trăng, hiện lên một thủ lĩnh quân sự giàu hồn thơ đang lãnh đạo quân dân ta kháng chiến để giành lại độc lập, tự do, để giữ mãi những đêm nguyên tiêu trăng đầy Trời quê hương thanh bình. Hình ảnh con thuyền trăng trong bài thơ này cho thấy tâm hồn Bác Hồ rất yêu thiên nhiên, trong kháng chiến gian khổ vẫn lạc quan yêu đời.

Qua bài thơ “Nguyên tiêu”, ta có thể nói, trăng nước trong thơ Bác rất đẹp. Chính vầng trăng ấy đã thể hiện phong thái ung dung, tâm hồn thanh cao của vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc mang cốt cách nghệ sĩ, nhà hiền triết phương Đông.

“Nguyên tiêu” được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, man mác phong vị Đường thi. Bài thơ có đầy đủ những yếu tố của một bài thơ cổ: một con thuyền, một vầng trăng, có sông xuân, nước xuân, Trời xuân, có khói sóng. Điệu thơ thanh nhẹ. Không gian bao la, yên tĩnh… Chỉ khác một điều, ở giữa khung cảnh thiên nhiên hữu tình ấy, nhà thơ không có rượu và hoa để thường trăng, không đàm đạo thi phú từ chương, mà chỉ “đàm quân sự”.

Bài thơ như một đóa hoa xuân đẹp trong vườn hoa dân tộc, là tinh hoa kết tụ từ tâm hồn, trí tuệ, đạo đức của Hồ Chí Minh. Văn tức là người. Thơ là tấm lòng, là tiếng lòng cộng hưởng từ một người với muôn người. Thơ Bác Hồ tuy nói đến “trăng, hoa, tuyết, nguyệt..” nhưng đã phản ánh tâm tư, tình cảm, lẽ sống cao đẹp của Bác. Bác yêu nước, thương dân tha thiết nên Bác càng yêu đêm nguyên tiêu với vầng trăng xuân thơ mộng. Trong kháng chiến gian khổ, Bác đã hướng tới vầng trăng rằm tháng giêng, hướng tới bầu Trời xuân với tâm hồn trong sáng và phong thái ung dung.

Cuộc đời không thể thiếu vầng trăng. Biết yêu trăng cũng là biết sống đẹp. “Nguyên tiêu” là một bài thơ trăng tuyệt bút của nhà thơ Hồ Chí Minh. Con thuyền chở đầy ánh trăng cũng là con thuyền kháng chiến đang hướng tới chiến công và niềm vui thắng trận.

Phân tích bài thơ Rằm tháng giêng – Mẫu 7

Rằm tháng giêng được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài thơ đã khắc họa hình ảnh thiên nhiên ở chiến khu Việt Bắc trong đêm trăng. Đồng thời, Bác còn gửi gắm tình yêu thiên nhiên, cũng như tấm lòng yêu nước sâu sắc.

Hình ảnh thiên nhiên Việt Bắc được Bác khắc họa trong một đêm trăng:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,”

(Đêm nay, đêm rằm tháng giêng, trăng đúng lúc tròn nhất)

Nhưng không phải là một đêm trăng bình thường, mà là đêm rằm tháng giêng. Trăng lúc này đang ở độ đẹp nhất – “nguyệt chính viên” (trăng đúng lúc tròn nhất). Mọi vật tại nơi đây đều nhuốm màu của ánh trăng.

“Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên;”

(Sông xuân, nước xuân tiếp giáp với trời xuân)

Bác đã sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ – từ “xuân” được nhắc lại ba lần nhằm nhấn mạnh vào sức sống và sắc xuân đang trỗi dậy khắp mọi không gian. Từ “tiếp” gợi ra cho người đọc cảm nhận rằng dường như trời và đất đang giao hòa gặp gỡ nhau bởi sắc xuân rực rỡ. Hai câu thơ mở đầu đã khắc họa nên một bức tranh thiên nhiên núi rừng Việt Bắc đầy chân thực, sống động.

Trong bức tranh đó, con người xuất hiện với tư cách là chủ thể trữ tình:

“Yên ba thâm sứ đàm quân sự,”

(Nơi sâu thẳm mịt mù khói sóng bàn việc quân)

Đặt vào hoàn cảnh lúc bây giờ, mọi hoạt động cách mạng đều phải diễn ra một cách thầm lặng và kín đáo. Bởi vậy mà Bác Hồ cùng với các chiến sĩ mới lựa chọn thời điểm đêm khuya để bàn bạc việc quân. Đó là những việc quan trọng, có tính quyết định đến sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.

“Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.”

(Nửa đêm quay về trăng đầy thuyền)

Vì quá hăng say bàn bạc việc quân, việc nước mà đến khi công việc xong xuôi thì trời cũng đã về khuya. Lúc này ánh trăng cũng sáng rõ hơn bao giờ hết. Hình ảnh “nguyệt mãn thuyền” muốn thể hiện sức lan tỏa mạnh mẽ của ánh trăng trong đêm rằm tháng giêng. H ai câu thơ cuối cho thấy phong thái ung dung, lạc quan, luôn tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng và tâm hồn giao cảm, hòa hợp với thiên nhiên của Bác Hồ.

Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt mang đậm nét cổ điển, cùng với việc sử dụng biện pháp tu từ, Hồ Chí Minh đã khắc họa hình ảnh thiên nhiên ở chiến khu Việt Bắc trong đêm trăng rằm tháng giêng thật sống động.

Rằm tháng giêng thể hiện được một tâm hồn thi sĩ đa sầu đa cảm. Cùng với đó, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên với phong thái ung dung, lạc quan và đầy lãng mạn.

Phân tích bài thơ Rằm tháng giêng – Mẫu 8

Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều bài thơ hay. Một trong số đó là bài “Rằm tháng giêng” đã khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên nơi chiến khu Việt Bắc trong đêm trăng:

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên, Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên;”

(Đêm nay, đêm rằm tháng giêng, trăng đúng lúc tròn nhất Sông xuân, nước xuân tiếp giáp với trời xuân)

Trăng vốn là một đề tài quen thuộc trong thơ ca, đặc biệt là trong thơ Bác. Ta đã từng bắt gặp ánh trăng gợi nhớ về quê hương trong thơ Lí Bạch:

“Sàng tiền minh nguyệt quang Nghi thị địa thượng sương”

(Ngẩng đầu ánh trăng rọi Ngỡ mặt đất phủ sương)

Hay trong chính thơ của Bác, ánh trăng cũng xuất hiện trong bài thơ Cảnh khuya:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”

Đến “Rằm tháng giêng”, ánh trăng xuất hiện với nét độc đáo. Trước hết, đây không phải là một đêm trăng bình thường, mà là đêm rằm tháng giêng. Trăng đang ở độ tròn đầy nhất, đẹp nhất và sáng nhất – “nguyệt chính viên”. Bởi vậy, ánh sáng của trăng chiếu xuống cảnh vật khiến cho thiên nhiên tràn đầy sức sống, vẻ đẹp. Đến câu thơ tiếp theo, Bác đã sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ – từ “xuân” được nhắc lại ba lần. Từ “tiếp” gợi ra cho người đọc cảm nhận rằng dường như trời và đất đang giao hòa gặp gỡ nhau bởi sắc xuân rực rỡ. Thiên nhiên lúc này đang nhuốm đậm sắc xuân. Mọi vật tràn đầy sức sống đang căng mình trỗi dậy giữa đất trời. Như vậy, hai câu thơ đầu đã khắc họa hình ảnh thiên nhiên đêm trăng vô cùng sinh động.

Đến với hai câu thơ tiếp, con người đã xuất hiện, nhưng với tư cách là chủ thể trữ tình:

“Yên ba thâm sứ đàm quân sự, Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.”

(Nơi sâu thẳm mịt mù khói sóng bàn việc quân Nửa đêm quay về trăng đầy thuyền)

Trong thơ ca xưa, con người xuất hiện trước thiên nhiên vô cùng nhỏ bé, mờ nhạt:

“Lom khom dưới núi tiều vài chú Lác đác bên sông chợ mấy nhà”

(Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan)

Nhưng trong thơ Bác, con người đã xuất hiện với tư cách là chủ thể trữ tình. Mặc dù trong hoàn cảnh đất nước đang chiến tranh, mọi hoạt động đều phải diễn ra một cách thầm lặng và kín đáo, nhưng con người vẫn hiện lên với tư cách là trung tâm. Ở đây, Bác Hồ cùng với các chiến sĩ mới lựa chọn thời điểm đêm khuya để bàn bạc việc quân. Đó là những việc quan trọng, có tính quyết định đến sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Bởi vì quá hăng say bàn bạc việc quân, việc nước mà đến khi công việc xong xuôi thì trời cũng đã về khuya. Bác chợt nhận ra vẻ đẹp thơ mộng của ánh trăng. Hình ảnh “nguyệt mãn thuyền” muốn thể hiện sức lan tỏa mạnh mẽ của ánh trăng trong đêm rằm tháng giêng. Hai câu thơ cuối cho thấy phong thái ung dung, lạc quan, luôn tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng và tâm hồn giao cảm, hòa hợp với thiên nhiên của Bác Hồ.

Tóm lại, bài thơ “Rằm tháng giêng” đã khẳng định tình yêu thiên nhiên, cùng với lòng yêu nước sâu sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.