Tôi nhớ đến tiếng hát của Thu Phương. “Ở chốn nào, dòng sông đã hòa cùng đại dương/ Cạn bến bờ chiều này thẫn thờ nhìn hoàng hôn/ Để chúng ta có đôi lần nuối tiếc/ Về một dòng sông lơ đãng trôi qua”. Với Thu Phương, dòng sông ấy vẫn sẽ mãi còn trong ký ức chị, như là máu thịt trong đời.
Âm nhạc sẽ giúp người ta vơi đi nỗi đau, cho nỗi buồn tan vào gió, cho hạnh phúc được trở về. Còn với Thu Phương, mỗi lần hát lại như một vết cứa vào tim chị.
Hát Là Lúc Chị Được Sống Đúng Là Mình Nhất
Với chị, hát là lúc chị được sống đúng là mình nhất, lúc chị đối diện với chính mình, một Thu Phương của những bão dông trong cuộc đời, của những bầm giập, của hạnh phúc kiếm tìm. “Tôi muốn mượn bài hát để trò chuyện với khán giả những câu chuyện về cuộc đời, về những thăng trầm tôi đã đi qua”.
Vì thế, nhiều người hoài nghi những giọt nước mắt của Thu Phương trên sân khấu. Phương cười, chị không muốn thanh minh cho những giọt nước mắt của mình bởi nó đã trả giá bằng nỗi đau có thật trong cuộc đời. Nhiều nghệ sĩ hát bằng những chiêm nghiệm, sự đồng cảm.
Còn Thu Phương, chị hát bằng chính những trải nghiệm cuộc đời sóng gió của chị. Tiếng hát của Phương càng đằm hơn, tha thiết hơn. Nghe Thu Phương hát, tôi cảm nhận nỗi đau của chị. Nhưng không bi lụy. “Hãy đi đến tận cùng tuyệt vọng, bạn sẽ thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa”. Nhẹ nhõm và thanh khiết.
30 Năm Đời Nghệ Sĩ
30 năm đời nghệ sĩ, 30 năm của những thăng trầm gió bụi. Thu Phương đã chọn kỉ niệm dấu mốc 30 năm của mình theo một cách riêng. Không phải những sân khấu lớn sang trọng mà là Nhà hát Tuổi trẻ, nơi ghi dấu những năm tháng tuổi thơ vất vả của chị, nơi chị lớn lên, trưởng thành. Nơi Phương ra đi và cũng là nơi chị muốn được trở về. Thu Phương sẽ hát để tri ân bạn bè, thầy cô, những khán giả thủy chung của chị. Và chị sẽ kể cho mọi người nghe, câu chuyện của cuộc đời Thu Phương – một cuộc đời sóng gió nhưng cũng đầy nghị lực và tin yêu.
Phương nhớ những lần nhớ nhà, nhảy tàu về quê thăm bố mẹ, nhớ tiếng gọi thương xót của bố mỗi khi đoàn tàu rời sân ga. Hà Nội, với Phương ngày đó chỉ toàn nỗi buồn, ngày vất vả bươn chải, tối thao thức khóc nhớ nhà. Thời kỳ bao cấp, ai cũng khổ. Nhưng một đứa trẻ 14 tuổi thì nỗi cô độc, sợ hãi còn kinh khủng hơn. Giờ nghĩ lại, Phương cảm ơn những ngày tháng đó. Sự độc lập, mạnh mẽ từ bé ấy đã giúp chị biết cách đối diện với những biến cố sau này của cuộc đời. Ngày đó, Nhà hát Tuổi trẻ với Phương đúng nghĩa là một mái ấm, Phương được che chở, được yêu thương.
“Tôi muốn kể những câu chuyện mình đã trải qua, những năm tháng mình đã sống. 30 năm. Cũ – mới, hay – dở, xấu – đẹp… Tôi an nhiên và cảm ơn tất cả. Ngần ấy năm chẳng còn thiếu thứ gì, ngọt bùi đắng cay nếm đủ. Những gì mình làm có khi không bao giờ giống như người ta muốn nghĩ. Khi con người thử một lần đặt vào vị trí người khác, tất cả sẽ vị tha hơn, nhất là khi chẳng có gì là mãi mãi”, Thu Phương tâm sự.
Ký Ức Trong Âm Nhạc
Tôi nhớ, lần đầu tiên sau 10 năm, Thu Phương về lại Việt Nam và hát trong Không gian âm nhạc ở khán phòng Ngụy Như Kon Tum, Lá Khởi Vàng Chưa Nhỉ? Lần đó, trên sân khấu ấm cúng ấy, Phương đã hát lại những bài hát nổi tiếng của chị: Có phải em mùa thu Hà Nội, Dòng sông lơ đãng…
Lâu lắm rồi, khán giả Hà Nội mới nghe lại giọng khàn ấm của Phương. Và họ yêu quý chị một cách vô điều kiện. Lần đó, kể cả những lần sau này, Phương khóc rất nhiều. Ngay cả khi ngồi với tôi, trong một buổi chiều Hà Nội chớm đông, Phương nhiều lần rơi nước mắt khi nhớ về kỷ niệm.
Đến bây giờ, khi cuộc sống đã yên ổn, khi bên cạnh Phương luôn có một người đàn ông vững chãi, văn minh chở che thì những khuyết vắng trong tâm hồn Phương vẫn không thể lấp đầy.
Tôi hỏi Phương, nếu ngày đó, Phương không ra nước ngoài, giờ biết đâu Phương đã là một diva. Phương cười, cuộc sống đâu có hai chữ giá như. Và Phương cũng không bao giờ ngồi oán trách số phận. Chị chỉ biết ngẩng cao đầu bước tiếp con đường của mình. Chị cũng không mơ ngôi sao hay diva. Mọi danh xưng đều nằm ngoài bản thể của chị. Đời nghệ sĩ chỉ có một ước mơ giản dị thôi, được cất tiếng hát. Đó là hạnh phúc.
Phương Và Tiếng Hát Tan Vào Đời
Thỉnh thoảng, chị vẫn dành những khoảng riêng tư, ngồi đong đếm lại ký ức. Ký ức thật buồn. Nhưng có lẽ, tận cùng của nỗi buồn, của đau đớn, con người ta mới thấu hiểu thế nào là hạnh phúc. Phương là thế. Và chị chủ động lựa chọn. “Cuộc sống mà, cứ đi, cứ vấp ngã, cứ đau đớn, rồi sẽ trưởng thành, sẽ lớn lên”.
Âm nhạc, với Thu Phương như là một cứu cánh, giúp chị vượt qua những thăng trầm của cuộc sống. “Lấy âm nhạc, sự chia sẻ của khán giả yêu thương mình, niềm tin vào bản thân và sự quyết tâm của người mẹ để sống, để đương đầu với tất cả. Rồi tất cả cũng qua, cho dù đã có biết bao Đêm nằm mơ phố, nghĩ đến “dòng sông đi qua bao mùa lũ chợt muốn rũ mình”…
Trong buồn khổ, Phương vẫn hát. Tiếng hát của chị càng đẹp hơn, tha thiết hơn. Ngày đó, khi Phương sang Mỹ, rồi cuộc hôn nhân với Huy MC tan vỡ, con cái lìa xa. Phương đã phải trả giá cho những tham vọng của mình. Phương mất nhiều thứ. Duy nhất, chỉ có tiếng hát ở lại. Và chỉ có tiếng hát đã giúp Phương đi qua miền dông bão của đời mình. Có thể nói, âm nhạc của Thu Phương gắn liền với những tác phẩm của nhạc sĩ Việt Anh.
“Những tác phẩm của Việt Anh đến trong cuộc đời và sự nghiệp của tôi hơn cả một định mệnh. Nỗi buồn mênh mang, nỗi nhớ chênh vênh, nỗi đau ám ảnh lênh đênh vận vào tiếng hát của tôi như không thể nào khác được. Tôi cứ trôi theo dòng xô đẩy đến tận cùng, thấu hiểu “có bình yên nào không xót xa” và tôi bình lặng.
Nỗi buồn đau mong manh trong âm nhạc Việt Anh cứ lặng lẽ, nhẫn nại từng ngày vỗ về, an ủi tôi. Đi đến tận cùng để hóa thân phận trong giọng hát cuộc đời tôi”. Phương để cảm xúc của mình trôi trong âm nhạc của Việt Anh, như một cách chị tự khâu lại những vết thương cho mình.
Nếu ai đó mong chờ một Thu Phương của đổi mới, của phá cách trong âm nhạc, chưa hẳn đã chấp nhận Thu Phương, thậm chí nhiều người cho rằng Phương “sến”. Nhưng không thể phủ nhận, tiếng hát của Phương chạm tới cảm xúc của mọi người, chân thành và tha thiết.
Bởi Phương vẫn thế, chị hát bằng cảm xúc của chính mình, bằng những trải nghiệm của một đời nghệ sĩ. Không kỹ thuật, không lao tâm khổ tứ đi theo những xu hướng mới, cách tân trong âm nhạc. Với Thu Phương, điều quan trọng là chạm tới cảm xúc của người nghe.
Vì thế, những đêm nhạc của Phương bao giờ cũng làm thỏa mãn khán giả về xúc cảm chứ không phải là sự bùng nổ của những sáng tạo, phá cách theo kiểu Tùng Dương hay Hà Trần. Những xu hướng mới, những sáng tạo mới cũng sẽ vô nghĩa nếu âm nhạc không chạm tới trái tim của khán giả.
Giờ Thu Phương bình an bên gia đình bé nhỏ của mình ở Mỹ. Các con riêng của chị đã trưởng thành và có đời sống riêng. Phương được làm đàn bà đúng nghĩa, trong những bổn phận gia đình và chăm sóc con cái. Ngồi với tôi hôm nay, Thu Phương của 30 năm ca hát, đằm thắm, xinh đẹp. Mọi dông bão đã ở lại ngoài kia cánh cửa, trở thành gia tài trong hành trình của chị.
30 năm, trong hành trình đi tìm mình bầm giập ấy, Phương ngộ ra, những hư ảo của cuộc đời. Hạnh phúc đấy, khổ đau đấy, nhưng cũng sẽ tan vào hư vô, thành cát bụi mà thôi. Chỉ có tiếng hát, chỉ có trái tim người nghệ sĩ sẽ ở lại, cùng với tình yêu của khán giả.
Trong cuộc đời con người, ai cũng có một dòng sông của ký ức. Và dòng sông ấy đang chảy tràn trong âm nhạc của Thu Phương, vượt qua mọi bến bờ, mọi thác ghềnh để quay về với nguồn cội của chính mình.
Nguồn: PRAIM
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.