Tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn nổi tiếng Mỹ – O. Henry là một trong những tác phẩm hay nhất mà ông đã lại trước khi từ giã cuộc đời. Tác phẩm ẩn chứa bên trong những giá trị nhân văn, tình người cao đẹp. Do vậy nên đã được Bộ Giáo dục đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 8 của các em học sinh. Sau đây là bài Soạn bài Chiếc lá cuối cùng mà HOCMAI muốn gửi tới các em và mong rằng bài viết này sẽ hỗ trợ các em phần nhiều để các em có thể nhận ra những giá trị cao đẹp có trong tác phẩm.
I. TÁC GIẢ
– O. Hen-ri (1862 – 1910) là một nhà văn người Mỹ chủ yếu các tác phẩm của ông là truyện ngắn.
– Các tác phẩm của ông đã để lại trong lòng bạn đọc nhiều ấn tượng sâu sắc như: Tên cảnh sát và gã lang thang, Căn gác xép, Quà tặng của các đạo sĩ…
– Các truyện của O. Hen-ri thường hơi hướng nhẹ nhàng nhưng lại toát lên một giá trị tinh thần cao cả đó là tình yêu thương con người, đặc biệt là sự đồng cảm, cảm thông với những con người nghèo khổ.
II. TÁC PHẨM
1. Hoàn cảnh sáng tác
Truyện được xuất bản lần đầu vào năm 1907, trích trong tập truyện “The Trimmed Lamp and Other Stories”.
2. Bố cục Chiếc lá cuối cùng
Gồm 3 phần:
- Phần 1: Từ đầu đến “Và rồi khi bóng đêm tràn đến, gió bắc lại lồng lên trong lúc mưa vẫn nặng hạt quật vào cửa sổ, rơi xuống từ mái hiên thấp kiểu Hà Lan”: Giôn-xi biết mình mắc căn bệnh khó chữa, cảm thấy vô cùng tuyệt vọng và chờ đợi cái chết đến với mình.
- Phần 2: Đoạn tiếp theo đến “Bây giờ chỉ cần bồi dưỡng và chăm sóc chu đáo, thế thôi”: Giôn-xi nghị lực chiến thắng với căn bệnh hiểm nghèo.
- Phần 3: Phần còn lại: Sự thật ẩn sâu trong hình ảnh chiếc lá cuối cùng.
3. Tóm tắt chiếc lá cuối cùng
Giôn-xi và Xiu là hai nữ hoạ sĩ trẻ tuổi cùng sống trong một khu nhà trọ. Cùng sống với họ trong khu trọ đó là cụ Bơ-men, cụ cũng là một họa sĩ. Vào mùa đông năm ấy, Giôn-xi phát hiện mình mắc bệnh sưng phổi rất nặng. Căn bệnh hiểm nghèo đã khiến cô cảm thấy tuyệt vọng ê chề. Mỗi lần nhìn ra ngoài cửa sổ, Giôn-xi luôn thầm nghĩ rằng khi chiếc lá cuối cùng trên cây thường xuân ngoài kia rơi xuống thì cũng là lúc cô từ giã đời.
Biết được ý nghĩ dại dột của Giôn-xi, cụ Bơ-men đã âm thầm thức suốt buổi đêm mưa gió bão bùng để vẽ chiếc lá thường xuân. Chiếc lá đã tiếp thêm cho Giôn-xi nghị lực sống. Nhưng ngay sau đêm đó, cụ Bơ-men đã qua đời. Xiu lặng lẽ đến bên Giôn-xi báo cho bạn tin về cái chết đột ngột của cụ Bơ-men và bí mật về chiếc lá cuối cùng.
III. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
1. Nhân vật Giôn-xi
– Giôn-xi và bạn của mình Xiu – là hai người họa sĩ nghèo, còn trẻ và cùng nhau sống trong một căn hộ thuê ở gần công viên Oa-sinh-tơn.
– Giôn-xi bị mắc bệnh sưng phổi hiểm nghèo – điều đó đã khiến cô trở nên vô cùng tuyệt vọng.
– Cô thường ngồi trên giường, đếm từng chiếc lá còn lại trên cái cây thường xuyên leo trên vách tường gạch đối diện cửa sổ. Và thầm niệm rằng khi chiếc lá cuối cùng rơi xuống thì cũng là lúc mình sẽ chết.
⇒ Điều đó cho thấy một tinh thần suy sụp chán đời trước bệnh tật, cũng như sự sẵn sàng chờ chết.
– Khi chứng kiến chiếc lá vẫn còn nguyên vẹn ở đó sau trận mưa to vùi dập đêm hôm qua:
- Tự cảm thấy mình thật là hư và thiếu nghị lực.
- Chịu uống sữa pha chút rượu vang đỏ và ăn cháo.
- Muốn ngồi dậy để xem bạn Xiu nấu nướng.
- Hy vọng sẽ khỏe lại để được vẽ vịnh Na-plơ.
⇒ Thoát khỏi sự tuyệt vọng với bệnh tật và có thêm hy vọng và nghị lực sống. Chiếc lá đã giúp Giôn-xi lấy lại cho mình tinh thần tiếp tục sống.
2. Nhân vật Xiu
– Cũng là một cô họa sĩ trẻ, sống cùng nhà với Giôn-xi.
– Khi biết bạn bị bệnh thì dốc hết lòng chăm sóc, động viên bạn.
– Lo lắng, hoang mang, sợ hãi khi chiếc lá thường xuân cuối cùng sẽ rụng xuống và bạn mình sẽ ra đi mãi mãi.
– Là người tiết lộ bí mật về cái chết của cụ Bơ-men và chiếc lá cuối cùng cho Giôn-xi.
⇒ Một cô gái tốt bụng có tấm lòng nhân hậu, giàu đức hy sinh và yêu thương bạn sâu sắc như người thân trong gia đình. Với cụ Bơ-men thì vô cùng kính trọng, mến mộ và thương yêu.
3. Nhân vật cụ Bơ-men
– Cũng là một họa sĩ nghèo, suốt bốn mươi năm cuộc đời làm họa sĩ mơ ước mình sẽ vẽ được một kiệt tác mà vẫn chưa thể thực hiện được. Kiếm sống qua ngày bằng việc làm mẫu cho các họa sĩ.
– Quan tâm, yêu quý hai đứa Giôn-xi và Xiu như những đứa cháu trong nhà.
– Khi biết tâm trạng tuyệt vọng, buông xuôi của Giôn-xi: Trong đêm tối giông bão, cụ đã vẽ chiếc lá thường xuân cuối cùng trên tường gạch với hy vọng tiếp thêm sức mạnh và nghị lực cho cô bé.
– Cụ Bơ-men cuối cùng đã từ trần vì bệnh sưng phổi – nhưng đã cuối cùng đã tạo ra một kiệt tác để đời.
⇒ Một con người thiện lành, giàu đức hi sinh, đã quên mình vì người khác. Cụ cũng là một họa sĩ chân chính với mong muốn sáng tạo ra được một kiệt tác nghệ thuật để đời.
Tổng kết:
– Nội dung: Chiếc lá cuối cùng đã khắc họa được tình yêu thương cao đẹp giữa những con người nghèo khổ, họ luôn đùm bọc, che chở cho nhau.
– Nghệ thuật: Tình tiết hấp dẫn, đi vào lòng người, kết cấu đảo ngược tình huống…
IV. TRẢ LỜI CÂU HỎI
Câu 1: (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 – trang 90)
Hướng dẫn giải bài:
Những chi tiết chỉ ra được lòng thương yêu của cụ Bơ- men dành cho cháu Giôn-xi:
- Cụ Bơ-men sợ sệt nhìn ra khung cửa sổ và nhìn cây thường xuân.
→ Cụ Bơ- men vội vã ghé thăm Giôn-xi, lo lắng cho tình hình sức khỏe của Giôn-xi.
- Cụ Bơ-men vẽ chiếc lá trong âm thầm mặc kệ mưa gió bão bùng đêm khuya.
→ Tình yêu thương cao đẹp và sự hi sinh quên mình vì người cháu không máu mủ Giôn-xi.
– Tác giả không kể về sự việc cụ đã vẽ chiếc lá cho đến cuối bởi vì muốn dành sự bất ngờ đặc biệt ấy để ở kết truyện.
– Hình ảnh chiếc lá cuối cùng trở thành kiệt tác bởi nó làm vực dậy sức sống của con người, giúp Giôn-xi có nghị lực vượt qua trọng bệnh. Đánh đổi lại, cụ Bơ-men đã hi sinh cả mạng sống của mình.
Câu 2: (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 – trang 90)
Hướng dẫn giải bài:
– Xiu cũng không được cụ Bơ-men cho biết sẽ vẽ một chiếc lá giả thay thế cho lá thường xuân cuối cùng sắp sửa rơi xuống.
- Trước đó, hai người không nói năng gì với nhau khi cụ Bơ-men làm mẫu cho Xiu vẽ.
- Khi Giôn-xi đòi kéo mành lên, Xiu nghe lời làm theo với thái độ chán nản.
- Xiu cũng ngạc nhiên không khác gì Giôn-xi, ngạc nhiên khi tận mắt nhìn thấy chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó sau đêm mưa gió.
- Chỉ khi bác sĩ nói với Xiu thì Xiu mới biết cụ Bơ- men bị ốm.
⇒ Nếu Xiu mà biết trước ý định vẽ chiếc lá của cụ Bơ-men thì truyện không còn gì là bất ngờ và thú vị nữa. Điều này còn cho độc giả thấy được tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, lo lắng của Xiu dành cho người bạn thân Giôn-xi.
Câu 3: (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 – trang 90)
Hướng dẫn giải bài:
– Nhân vật Giôn-xi tuyệt vọng, chán nản, yếu đuối:
- Chờ đợi chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống là cuộc sống của mình cũng chấm dứt.
- Giôn-xi thờ ơ, bỏ mặc chính bản thân mình mặc dù người bạn thân Xiu hết lòng thương yêu và chăm sóc.
– Phản ứng trước hai lần kéo mành:
- Lần 1: Giôn-xi vừa lo sợ nhưng cũng vừa chờ đợi chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng, Xiu cảm thấy lo lắng và bất an.
- Lần 2: Cả Giôn-xi và Xiu đều ngạc nhiên và sững sờ vì chiếc lá cuối cùng vẫn còn trên cây.
– Nguyên nhân cho sự hồi sinh của nhân vật Giôn-xi:
- Do cô đã chứng kiến hình ảnh chiếc lá thường xuân giàu sức sống, kiên cường chống chọi sau đêm mưa bão.
- Giôn-xi không muốn phụ lòng tốt của cụ Bơ-men và người bạn thân Xiu.
– Kết thúc truyện, nhà văn không để Giôn-xi lên tiếng hay thể hiện trạng thái tâm lý nào khác:
- Kết mở để mọi người có thể tự hình dung ra phản ứng của nhân vật Giôn-xi.
- Dư vị của tình yêu thương, lòng thương người, của niềm tin và của sự hi sinh…vẫn ở lại mãi.
Câu 4: (Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập 1 – trang 90)
Hướng dẫn giải bài:
– Truyện có hiện tượng hai lần đảo ngược:
- Ban đầu, Giôn-xi bị bệnh ác quái, cô tuyệt vọng chực chờ cái chết. Còn cụ Bơ-men thì vẫn khỏe mạnh.
- Sau đó, Giôn-xi hồi sinh, có được nghị lực sống, vượt lên nghịch cảnh, khỏi bệnh. Còn cụ Bơ-men bị ốm sau hai ngày dầm mưa gió suốt đêm, cuối cùng cụ đã không qua khỏi.
– Hiện tượng đảo ngược tình huống truyện:
- Tạo sự bất ngờ, điểm nhấn thú vị của câu chuyện.
- Khẳng định nghệ thuật chân chính và tình yêu thương thực sự mang lại sự hồi sinh.
- Khiến độc giả rung cảm trước tình yêu thương cao cả, nhân cách trong sáng giữa những con người có hoàn cảnh nghèo khổ.
Câu 5: Vì sao chiếc lá cuối cùng là kiệt tác?
Hướng dẫn giải bài:
Có thể nói trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng O Henry, hình ảnh chiếc lá cuối cùng do cụ Bơ-men vẽ trên tường chính là một kiệt tác nghệ thuật. Chiếc lá ấy là sáng tạo nghệ thuật của một họa sĩ. Nó là một kiệt tác trước hết bởi nó sinh động và giống như một chiếc lá thật, mắt thường không thể nhận ra. Giống đến mức đến cả họa sĩ Giôn-xi và Xiu khi chưa biết chuyện đều không phát hiện ra.
Cụ Bơ-men đã vẽ chiếc lá ấy với tất cả tâm huyết và tài năng của cả cuộc đời mình. Tấm vải vẽ căng ra chờ đợi hai mươi năm trong phòng cụ chứng tỏ chiếc lá là tác phẩm duy nhất trong khoảng thời gian đằng đẵng ấy.
Hơn thế, cụ đã vẽ nó bởi tình yêu thương tha thiết cụ dành cho Giôn-xi, con mèo nhỏ, người họa sĩ trẻ mà cụ coi như đứa con, đứa cháu nhỏ của mình. Chiếc lá đã được vẽ bằng tâm hồn, bằng tấm lòng và cả mạng sống của một người nghệ sĩ tâm huyết với nghệ thuật và cuộc đời. Không những thế, chiếc lá cuối cùng đã cứu sống được Giôn-xi, nhờ chiếc lá, cô đã khỏi bệnh. Kiệt tác của cụ Bơ-men đã khẳng định sự phụng sự chân thành của nghệ thuật đến sự sống tuyệt vời của con người.
Câu 6: Ý nghĩa văn bản chiếc lá cuối cùng.
Hướng dẫn giải bài:
Đoạn trích này là phần cuối cùng của truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng”. Mấy trang kết thúc truyện “Chiếc lá cuối cùng” của O.Hen-ri này cũng đã đủ để chứng tỏ rằng truyện được tác giả xây dựng có nhiều tình tiết hấp dẫn, sắp xếp khéo léo theo một trình tự chặt chẽ, kết cấu đảo ngược tình huống hai lần, gây hứng thú và làm cho người đọc rung cảm trước tình yêu thương cao cả giữa những con người nghèo khổ.
Câu 7: Hình ảnh chiếc lá cuối cùng có gì đặc sắc?
Hướng dẫn giải bài:
– Đó là chiếc lá thường xuân do cụ Bơ-men đã vẽ với mong muốn truyền thêm niềm tin, nghị lực và hy vọng sống để Giôn-xi có thể chiến thắng bệnh tật. Chiếc lá sinh động trông giống như thật, được vẽ bởi một người nghệ sĩ tâm huyết, ông đã vẽ nó bằng cả tấm lòng mình.
– Hình ảnh Chiếc lá cuối cùng là hình tượng nghệ thuật xuất hiện xuyên suốt cả tác phẩm. Đó chính là biểu tượng của lòng nhân ái, vị tha cao cả. Đó còn là biểu tượng của giá trị nghệ thuật chân chính – nghệ thuật vì con người.
Bài viết tham khảo:
- Soạn bài Đánh nhau với cối xay gió của Xéc-van-tét
- Soạn bài Tình thái từ
- Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm
Vậy là chúng ta đã cùng nhau hoàn thành bài viết Soạn bài Chiếc lá cuối cùng rồi. Một tác phẩm thật ý nghĩa và cảm động phải không nào? Các em học sinh thân mến, văn bản trên chứa đựng rất nhiều giá trị nhân văn mà mỗi chúng ta đều cần học hỏi đó chính là tình thương người và nghị lực vươn lên vượt qua nghịch cảnh trong cuộc sống. Để tìm thêm thật nhiều bài soạn của những tác phẩm khác, các em có thể truy cập vào website hoctot.hocmai.vn!
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.