1. Thế nào nào là môi giới bất động sản?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật kinh doanh bất động sản 2014, môi giới bất động sản là việc làm trung gian cho các bên trong mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản. Hay nói cách khác, chủ thể thực hiện môi giới bất động sản sẽ là bên trung gian thứ ba, giúp bên mua và bên bán thỏa thuận, giao dịch với nhau.
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu hợp tác kinh doanh, phát triển kinh tế ở nước ta ngày càng lớn. Thực tế, để có nền tảng hoạt động, phát triển, đầu tư, thì các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần phải có mặt bằng. Đồng thời, trong xu thế thương mại hóa ngày này, đất đai ngày càng có những tiềm lực, giá trị đặc biệt cao. Chính vì những lý do này, nhu cầu kinh doanh bất động sản đang dần có những biến chuyển rõ rệt. Đây được xem là một trong những nút thắt quan trọng, dẫn đến sự xuất hiện ngày càng nhiều của hoạt động môi giới bất động sản.
Môi giới bất động sản thực chất là một loại hình hoạt động kinh doanh, thương mại. Tại đó, bên môi giới (bên thứ ba) sẽ là bộ phận trung gian, giúp các bên còn lại đi đến một thỏa thuận chung trong quan hệ dân sự liên quan đến bất động sản.
Ví dụ: Anh Nguyễn Văn M (33 tuổi), thường trú tại Quảng Ninh. Anh M có nhu cầu mua đất để mở xưởng sản xuất gỗ. Anh M đã liên hệ cho bên môi giới bất động sản (trụ sở tại Quảng Ninh) để tìm mua đất. Bên môi giới đã giúp anh M tìm bên có nhu cầu bán. Sau một thời gian, anh M đã làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với bên được môi giới khác là chị Trần Thị L. Giao dịch thành công. Bên môi giới được trả phí môi giới.
Khi tham gia thực hiện môi giới bất động sản, bên môi giới và bên được môi giới sẽ thỏa thuận với nhau về phí môi giới, quyền và trách nhiệm của các bên trong hợp đồng môi giới bất động sản. Khi phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, các bên sẽ dựa vào thỏa thuận này để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản:
Môi giới bất động sản là hoạt động kinh doanh nhằm thu về lợi nhuận. Do đó, khi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, các bên cần đảm bảo những điều kiện nhất định theo quy định của luật. Điều 62 Luật kinh doanh bất động sản 2014 quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản như sau:
– Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp và phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, trừ trường hợp nhân có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Có thể thấy, điều kiện đầu tiên cần đảm bảo để kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản là phải đảm bảo tuân thủ quy định về thành lập doanh nghiệp theo quy định của luật doanh nghiệp 2020. Như đã nói, bản chất của hoạt động môi giới bất động sản là hình thức kinh doanh nhằm thu về lợi nhuận. Vậy nên, khi tiến hành hoạt động này, cá nhân, tổ chức phải đảm bảo điều kiện về thành lập công ty. Đây là cơ sở để Nhà nước quản lý hoạt động của các chủ thể kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản một cách cụ thể và đạt kết quả cao nhất. Đồng thời, đây là cơ sở để cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản đúng theo trình tự, quy định của pháp luật. Được Nhà nước bảo hộ khi có các tình huống bất ngờ phát sinh xảy ra.
– Cá nhân có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập nhưng phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Trong trường hợp không đăng ký thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản, các cá nhân có thể thực hiện kinh doanh dịch vụ này một cách độc lập. Tuy nhiên, việc hoạt động dịch vụ kinh doanh môi giới bất động sản này đòi hỏi các cá nhân phải có chứng chỉ hành nghề và đăng ký thuế theo quy định của pháp luật. Đây cũng được xem là một trong những cơ sở để Nhà nước quản lý hoạt động của loại hình dịch vụ này một cách chuẩn chỉnh, chính xác và đạt kết quả cao nhất.
– Một điều kiện khác mà các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ bất động sản cần đảm bảo là không được đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản. Điều kiện này giúp hoạt động môi giới bất động sản diễn ra khách quan, trung thực, toàn diện và đạt hiệu quả cao nhất. Nếu cá nhân, tổ chức vừa là bên môi giới, vừa là bên thực hiện hợp đồng thì nó không đảm bảo tính ổn định trong bản chất của môi giới bất động sản.
Có thể thấy, các điều kiện về kinh doanh dịch vụ bất động sản mà Nhà nước đưa ra mang tính khách quan cao. Đây là cơ sở để các cá nhân, tổ chức dựa vào để xác định phương hướng hoạt động kinh doanh dịch vụ loại hình này. Trong một số trường hợp nhất định, đây cũng là cơ sở để cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra, giám sát xem việc kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản có diễn ra theo đúng quy định của pháp luật hay không. Hơn hết, nó giúp công tác quản lý của cơ quan Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của người dân đạt hiệu quả tối ưu nhất, đảm bảo chất lượng của loại hình kinh doanh môi giới bất động sản.
3. Nghĩa vụ của doanh nghiệp, cá nhân khi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản:
Nghĩa vụ của doanh nghiệp, cá nhân khi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản được quy định tại Điều 67 Luật kinh doanh bất động sản 2014 như sau:
– Khi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, cá nhân, doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng đã ký với khách hàng. Việc tuân thủ nghĩa vụ thực hiện đúng các thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng giúp các chủ thể này làm đúng trách nhiệm của mình. Đồng thời, giúp hoạt động kinh doanh môi giới bất động snar đạt hiệu quả cao nhất, tránh gây rủi ro, thiệt hại cho khách hàng.
– Cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải cung cấp hồ sơ, thông tin về bất động sản do mình môi giới và chịu trách nhiệm về hồ sơ, thông tin do mình cung cấp. Tức những thông tin mà bên môi giới đưa ra cho khách hàng về bất động sản phải chính xác, và họ sẽ phải chịu trách nhiệm cho những thông tin mà mình cung cấp.
– Sau khi tìm kiếm được khách hàng cho các bên trong giao kết hợp động chuyển giao, chuyển nhượng bất động sản, cá nhân, doanh nghiệp phải đảm bảo nghĩa vụ hỗ trợ các bên trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản. Ở đây, có rất nhiều quan điểm cho rằng bên môi giới chỉ cần tìm kiếm nguồn “khách hàng” cho các bên là xong nghĩa vụ của mình. Song thực tế không phải. Là bên môi giới, cá nhân, doanh nghiệp sẽ hiểu được nhu cầu và mong muốn của các bên khách hàng của mình là ở đâu. Từ đó, họ phải là trung gian hỗ trợ, để các bên ngồi xuống trao đổi, thỏa thuận với nhau. Đây là nghĩa vụ mang tính chất bắt buộc mà các chủ thể này phải đảm bảo tuân thủ thực hiện, Điều này giúp hoạt động môi giới đạt kết quả. Xét về mặt quy chuẩn đạo đức, nó giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
– Bên môi giới phải đảm bảo thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật và chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như đã phân tích ở phần mục trên, điều kiện để cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản là phải đăng ký thành lập doanh nghiệp, nếu cá nhân hoạt động độc lập thì phải có chứng chỉ hành nghề và đóng thuế. Do đó, bên môi giới sẽ có nghĩa vụ tuân thủ sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
– Bên môi giới có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Đồng thời, các chủ thể này phải thực hiện nghĩa vụ về thuế với Nhà nước theo quy định của pháp luật. Các nghĩa vụ khác trong hợp đồng cũng phải được môi giới đảm bảo thực hiện.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết: Luật kinh doanh bất động sản 2014.
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.