1. Cách viết mở bài trực tiếp:
Cách viết mở bài trực tiếp là cách mở bài mà người viết sẽ đi thẳng vào vấn đề mà đề bài yêu cầu. Đối tượng mà bài viết hướng tới thường được nhắc đến ngay từ câu đầu tiên của mở bài. Ví dụ đề bài “Tả một con vật mà em yêu thích”, thì khi viết mở bài trực tiếp có thể viết là: “Con vật em yêu thích nhất là con……. ”.
Mở bài trực tiếp được nhiều học sinh sử dụng bởi nó khá dễ và đi đúng trọng tâm vấn đề. Kiểu mở bài này phù hợp với tất cả các học lực của các học sinh.
Cách mở bài trực tiếp có ưu điểm là giúp câu văn trở lên ngắn gọn, dễ tiếp nhận vẫn đề của đề bài nhưng nó khó tạo được điểm nhấn cho bài và cho người đọc hứng thú tới nội dung tiếp theo.
2. Cách viết mở bài gián tiếp:
Cách mở bài gián tiếp là cách mở bài đi từ vấn đề này sang vấn đề khác rồi dẫn dắt khéo léo vào đề tài của bài văn.
Thông thường, các thầy cô sẽ thích cách mở bài gián tiếp hơn bởi nó yêu cầu sự khéo léo, khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt để dẫn dắt vào đề tài của bài văn.
Tuy nhiên, mặc dù việc sử dụng mở bài gián tiếp được đánh giá cao và thu hút người đọc vào nội dung của bài hơn nhưng nếu người viết không chú ý, kiểm tra lại sẽ dễ dẫn tới lan man, lạc đề, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng bài viết. Do đó, cách viết này phù hợp với những học sinh có học lực khá trở lên.
3. Mẫu mở bài Vợ nhặt trực tiếp siêu hay:
Áp dụng cách mở bài trực tiếp vào truyện ngắn Vợ nhặt, ta có một số mẫu tham khảo sau:
Mẫu số 1:
“Vợ nhặt” là một trong những tuyệt tác nghệ thuật đặc sắc của văn học Việt Nam nói chung và của Kim Lân nói riêng. Tác phẩm được in trong tập truyện “Con chó xấu xí” (1962). Thông qua tình huống “nhặt vợ” của anh cu Tràng, nhà văn đã cho ta thấy nhiều điều về cuộc sống tối tăm, bần cùng của những người lao động trong nạn đói kinh hoàng năm 1945, đồng thời cũng ca ngợi khát vọng sống mãnh liệt và vẻ đẹp nhân phẩm cao cả ở họ.
Mẫu số 2:
“Vợ nhặt” là một truyện ngắn có cốt truyện hết sức độc đáo của Kim Lân. Truyện kể về chuyện anh cu Tràng – một thanh niên nghèo trong xóm ngụ cư với vẻ ngoài xấu xí đã nhặt được vợ trong hoàn cảnh cái nghèo đói đang diễn ra kinh khủng, người chết như ngả rạ. Qua tác phẩm, nhà văn đã phản ảnh nỗi đau khổ và niềm khao khát sống, khao khát hạnh phúc lớn lao của người nghèo, qua đó nói lên số phận bất hạnh, hẩm hiu của con người trong xã hội cũ.
Mẫu số 3:
“Vợ nhặt” là truyện ngắn đặc sắc, tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác văn chương của nhà văn Kim Lân. Nội dung truyện kể về anh cu Tràng ở xóm ngụ cư, làm nghề kéo xe bò thuê. Giữa trận đói kinh hoàng năm 1945 nuôi thân còn khó, thế mà bất ngờ, anh cu Tràng – nhân vật chính của tác phẩm còn dám đèo bòng thêm cô vợ nhặt. Kim Lân đã xây dựng, sáng tạo ra tình huống nhặt vợ hết sức độc đáo, đồng thời vận dụng ngôn ngữ bình dị, mộc mạc tự nhiên để khắc họa lên tính cách của từng nhân vật. Từ anh cu Tràng , người vợ nhặt đến bà cụ Tứ nhân vật nào cũng sinh động và chân thực.
4. Mẫu mở bài Vợ nhặt gián tiếp siêu hay:
Áp dụng cách mở bài gián tiếp vào truyện ngắn Vợ nhặt, ta có một số mẫu tham khảo sau:
Mẫu số 1:
Có thể nói, một tác phẩm thành công và đi vào lòng độc giả, là một tác phẩm chứa đựng những giá trị sâu sắc. Viết về vùng quê Việt Nam hay viết về những người nông dân chân phác, thật thà không phải là một đề tài mới mẻ. Nhưng để mỗi tác phẩm đều có cái đi riêng thì đòi hỏi ở người tác giả phải có sức sáng tạo cùng tài năng xuất chúng. Và nhắc đến đề tài người nông dân thì không thể không nhắc đến nhà văn Kim Lân với tác phẩm “Vợ nhặt”. Kim Lân đã đặt nhân vật của mình trong tận cùng nỗi lo sinh tồn và phát hiện ra tính cách vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật: những người đói họ không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến cái sống.
Mẫu số 2:
Lịch sử dân tộc Việt Nam ta đã phải trải qua biết bao khổ cực, gian truân, phải đấu tranh với những lũ giặc thâm thù ác độc. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ngoài việc đánh dấu mốc son chói lọi, vẻ vang song vận mệnh của đất nước lại rơi vào lâm nguy. Đây cũng là thời điểm nạn đói hoành hành khiến cho hàng triệu người dân chết đói, là một nỗi ám ảnh kinh hoàng trong ký ức của biết bao con người. Và cho đến tận ngày nay, không ai có thể phủ nhận được sự khủng khiếp của nó. Nhà văn Kim Lân, bằng sự nhân đạo và tài năng nghệ thuật của mình đã khắc họa lại rõ nét khung cảnh nghèo đói của con người lúc bấy giờ qua truyện ngắn “Vợ nhặt’. Ngoài việc tái hiện lại khung cảnh thê lương ấy, “Vợ nhặt” còn ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của con người, niềm khao khát được sống, được hạnh phúc, khao khát về một tương lai tươi sáng dù họ có ở mấp mé bờ vực của cái chết.
Mẫu số 3:
Nhà văn Nam Cao từng nói “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”. Thật vậy, phàm đã là nghệ thuật thì phải phán ánh những hiện thực ngoài kia một cách chân thực nhất. Một tác phẩm nghệ thuật văn học giàu giá trị như vậy đó chính là truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân. Đây là tác phẩm hay nhất của nhà văn viết về nạn đói 1945. Với những cảm quan về tình thương yêu con người, bằng tài năng xuất chúng, tác giả đã vẽ nên một bức tranh với đầy đủ gam màu sáng tối của hiện thực đói khổ cùng niềm khao khát về cuộc sống tươi sáng mai sau. Như chính tác giả đã chia sẻ “Những người đói họ không nghĩ đến về cái chết mà nghĩ đến cái sống”.
Mẫu số 4:
Cái đói, cái nghèo là nỗi lo lắng, sợ hãi của con người ở tất cả mọi dân tộc và mọi thời đại. Có lẽ chính vì vậy mà các nhà văn thường viết về nó ở những khía cạnh tối tăm và bất lực trong những tác phẩm của mình. Nhưng với Kim Lân lại khác, qua truyện ngắn “Vợ Nhặt”, ngoài việc tái hiện lại khung cảnh tối tăm, đau khổ ấy thì nhà văn còn cho người đọc thấy những tia sáng mới về vẻ đẹp phẩm chất con người và niềm khát khao sống, khát khao hạnh phúc và niềm tin vào ánh sáng cách mạng đem đến một tương lai tốt đẹp hơn.
5. Mẫu mở bài Vợ nhặt nâng cao siêu hay:
Mẫu số 1:
Tuy sự nghiệp văn chương của Kim Lân không quá đồ sộ như các nhà văn khác, nhưng mỗi tác phẩm của ông để lại đều chứa đựng những giá trị cốt lõi quý giá, lấy nền tảng hiện thực để làm nổi bật lên những giá trị nhân văn sâu sắc, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong tâm hồn của người đọc. Chính vì lẽ ấy, mà Kim Lân một nhà văn không học hành nhiều, nhưng lại có óc sáng tạo vô cùng phong phú, đi sâu vào cuộc sống đời thường của nhân dân, đồng thời thấu hiểu nội tâm và vẻ đẹp tâm hồn ẩn sâu của họ đã được vinh dự xếp vào một trong 10 tác giả tiêu biểu nhất cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Cùng viết về chủ đề người nông dân nghèo khổ khốn cùng trước cách mạng tháng Tám, thế nhưng khác hẳn với nhà văn Nam Cao hay Thạch Lam, luôn mang đến cho người đọc những cái chết xa hoặc gần, những cái ảm đạm, tăm tối, bế tắc không hồi kết, thì ở Vợ nhặt, Kim Lân đã khéo léo lồng ghép ánh sáng hi vọng, ánh sáng của niềm tin cho người đọc giữa một khung cảnh ngột ngạt bao trùm của nạn đói năm 1945. Ánh sáng đó xuất phát từ vẻ đẹp của tình người ấm áp, của niềm khát khao được sống tiềm ẩn trong mỗi một nhân vật Tràng, Thị hay bà cụ Tứ, dẫu rằng họ đang đứng cận kề giữa cảnh chết đói.
Mẫu số 2:
Cách mạng tháng 8 thành công đã mở ra một kỳ nguyên mới cho dân tộc, đổi đời cho biết bao con người đang khốn khổ nhưng dư âm nặng nề của nan đói thê thảm năm 1945 thì khó có thể xóa mờ trong tâm trí của người Việt Nam. Với tác phẩm Vợ Nhặt nhà văn Kim Lân đã làm hiện lên trước mắt người đọc một bức tranh sinh động về hiện thực thê thảm ấy và lạ thay, giữa khoảng trống lay lắt, tối tăm của cuộc sống đói nghèo nhà văn đã cho ta thấy được tấm lòng của những con người đói khổ dù đang bị cái đói, cái chết rình rập nhưng họ vẫn cưu mang, đùm bọc, yêu thương và san sẻ, cùng hướng về sự sống, về hạnh phúc và tương lai.
Mẫu số 3:
Có thể nói, Kim Lân là nhà văn của làng quê Việt Nam với cách viết chân chất, mộc mạc và những hình ảnh nhân vật điển hình cho làng quê. Văn của Kim Lân đi sâu vào lòng người đọc bởi tình cảm bình dị, rất đời thường nhưng chan chứa nghĩa tình. Và tác phẩm “Vợ nhặt” chính là một “kiệt tác” của văn học hiện thực Việt Nam, tái hiện thành công xã hội nghèo khổ, cùng cực, bế tắc của người nông dân. Sự đau khổ, mất mát đâu chỉ có trên chiến trường ác liệt mà còn thể hiện ngay trong cuộc sống đói khổ lúc bấy giờ. Thông qua câu chuyện nhặt vợ của anh Tràng, nhà văn Kim Lân không chỉ tái hiện sự sống mỏng manh của con người trước nạn đói mà quan trọng hơn cả là đứng trên ranh giới của sự sống và cái chết ấy vẻ đẹp của con người vẫn tỏa rạng, trong cái khốn cùng, thiếu thốn con người vẫn dành cho nhau những tình cảm thật đáng trân trọng.
Mẫu số 4:
Mỗi một tác phẩm văn học hay và để lại ấn tượng trong lòng độc giả thì đều ẩn chứa những điểm sáng tuyệt vời. Người nghệ sỹ tài năng là người phải biết nắm bắt và đưa vào tác phẩm của mình những điểm sáng tuyệt vời đó. Viết về đề tài người nông dân nghèo, ta từng biết đến một lão Hạc nghèo khổ, bất hạnh nhưng lại có tâm hồn đẹp của Nam Cao, một ông Hai tràn đầy tình yêu với làng quê, đất nước của Kim Lân, hay “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi cũng viết về người nông dân với những mất mát đau thương. Song phải đến “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, người ta mới cảm nhận được tận cùng của sự xót thương về một thảm cảnh khốc liệt – nạn đói kinh hoàng năm 1945. Truyện ngắn viết về cuộc sống nghèo đói của con người lúc bấy gờ, tuy họ đang đứng bên bờ vực của cái chết nhưng vẫn luôn khát khao được sống, được hạnh phúc, ở họ luôn hiện ra những vẻ đẹp phẩm chất cao quý của những người nông dân chân chất.
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.