Liệu pháp IPL là gì?
Ánh sáng xung tăng cường (IPL), hay còn gọi là liệu pháp đèn flash là một phương pháp điều trị không xâm lấn và không bóc tách, sử dụng nguồn ánh sáng khả kiến với xung cường độ cao để cải thiện các vấn đề của da như:
- Sang thương mạch máu, bao gồm giãn mạch hình nhện, bớt rượu vang, giãn tĩnh mạch mặt, má đỏ hồng, trứng cá đỏ, giãn tĩnh mạch ở chân;
- Tàn nhang và những dấu hiệu của lão hóa;
- Nếp nhăn trên mặt;
- Triệt lông.
Phương pháp điều trị IPL nhiều đợt giúp cải thiện da bị lão hóa được gọi là trẻ hóa da bằng ánh sáng.
IPL cũng có hiệu quả đối với mụn và rạn da ở mức độ từ nhẹ đến trung bình.
Liệu pháp IPL hoạt động như thế nào?
Hệ thống IPL hoạt động trên nguyên lý tương tự như lasers, trong đó năng lượng ánh sáng được hấp thụ vào các tế bào đích có màu cụ thể (chromophores) ở da. Quang năng được chuyển hóa thành nhiệt năng, từ đó gây ra tổn thương mô đích đặc hiệu. Hệ thống IPL khác với lasers ở điểm mỗi xung phát ra chứa nhiều bước sóng khác nhau, trong khi laser chỉ có một bước sóng. Hầu hết các hệ thống IPL sử dụng bộ lọc để tinh chỉnh đầu ra năng lượng cho các vùng điều trị nhất định. Điều này giúp tăng cường sự xâm nhập của ánh sáng mà không cần sử dụng mức năng lượng quá mức và cho phép nhắm vào các mô đích cụ thể (là những thành phần của da hấp thụ ánh sáng).
Liệu pháp IPL được xem là một kỹ thuật tái tạo bề mặt không bóc tách, có nghĩa là nó nhắm đến lớp bì mà không ảnh hưởng đến lớp thượng bì. Kết quả của liệu pháp này không quá ấn tượng bằng phương pháp tái tạo bề mặt có bóc tách khi mà cả thượng bì và hạ bì đều bị tổn thương để tạo ra hiệu quả rõ rệt hơn. Ưu điểm của liệu pháp IPL là thời gian nghỉ dưỡng tối thiểu sau điều trị – bệnh nhân có thể được điều trị vào giờ nghỉ trưa và quay trở lại làm việc ngay sau đó.
Các máy IPL hiện có và công dụng
Hiện nay có nhiều loại máy IPL, bao gồm LumenisI® Quantum IPL® (thế hệ sau của PhotoDerm®), EpiLight® và Ellipse®. Mỗi máy được thiết kế riêng, tập trung vào các vấn đề nhất định nhưng có thể không mang lại hiệu quả như nhau.
Sang thương mạch máu
- Điều trị giãn tĩnh mạch, mạch máu hình nhện và bớt mạch máu bẩm sinh.
- Xung ánh sáng nhắm vào các sắc tố đỏ (haemoglobin) trong máu, làm nóng và phá hủy sắc tố mà không ảnh hưởng đến da và các mô khác.
Sang thương sắc tố
- Điều trị các đốm đồi mồi, tàn nhang, bớt sắc tố phẳng bẩm sinh và các rối loạn sắc tố da như nám và chứng da loang lổ ở cổ (poikiloderma of Civatte).
- Xung ánh sáng nhắm vào melanin ở bề mặt da, làm nóng và phá hủy melanin.
Triệt lông
- Điều trị giúp loại bỏ những vùng lông không mong muốn.
- Xung ánh sáng nhắm vào nang lông, làm lông rụng đi và ngăn lông mọc lại. Thường ít khi có hiệu quả với lông sáng màu.
- Có thể điều trị các vùng lông như nách, mặt, cổ, vùng bikini, lưng, ngực và chân.
Liệu pháp IPL bao gồm những gì?
Trước khi bắt đầu điều trị, các bác sĩ sẽ giải thích về liệu trình cho bạn và xác định rõ kỳ vọng của bạn về hiệu quả điều trị. Họ sẽ có thể cho bạn biết liệu kết quả bạn đang mong đợi có thể đạt được bằng phương pháp này hay không. Xác định đúng chẩn đoán bởi các bác sĩ thực sự quan trọng trước khi điều trị.
Điều trị IPL thường đơn giản. Các kỹ thuật viên cần được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm trong liệu pháp IPL.
- Tránh tiếp xúc ánh sáng mặt trời vài ngày đến vài tuần trước và sau điều trị.
- Bôi tê tại chỗ có thể sử dụng nhưng thường không cần thiết.
- Một loại gel lạnh có thể được thoa trên vùng da cần điều trị. Hệ thống IPL thường được tích hợp với hệ thống làm mát.
- Bề mặt thủy tinh và phẳng của đầu máy IPL được đặt lên da, đưa các xung ánh sáng chính xác đến vùng cần điều trị.
- Thời gian trị liệu thường kéo dài 20 phút. Một liệu trình từ 3-4 lần trị liệu mỗi 3-6 tuần là cần thiết để đạt được kết quả mong muốn.
- Hầu hết các bệnh nhân có thể trở lại làm việc ngay sau điều trị.
Trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân phải mang kính bảo vệ mắt. Điều trị IPL tương đối không đau so với các thủ thuật trẻ hóa da vùng mặt khác. Cảm giác thường được so sánh như bị véo nhẹ hoặc búng nhẹ bởi dây cao su, nhưng có thể gây đau với một số người.
Liệu pháp IPL có tác dụng phụ hay không?
Tác dụng phụ của IPL thường ít, bao gồm:
- Đau trong quá trình điều trị (giảm bằng cách làm mát, hoặc thoa tê nếu cần thiết);
- Da trở nên đỏ hồng và đau rát nhẹ sau khi thực hiện;
- Cảm giác bỏng nắng mức độ nhẹ (đỏ, bong da, sưng tấy) có thể kéo dài vài ngày sau điều trị;
- Sắc tố da có thể hấp thụ quá mức năng lượng ánh sáng và xảy ra phồng rộp, nhưng hiếm;
- Đôi khi, các tế bào sắc tố (melanocytes) bị phá hủy và để lại một mảng đậm hơn hoặc nhạt hơn so với vùng da xung quanh. Các mảng trắng hoặc sẹo hiếm khi để lại quá lâu;
- Rụng lông, tóc có thể xảy ra;
- Các vết thâm tím có thể xuất hiện đến 10% bệnh nhân.
Giới thiệu Đơn vị Da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
Đơn vị Da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được triển khai dịch vụ thăm khám, chăm sóc và điều trị các tình trạng về da như mụn, sẹo, nám, tàn nhang… với tiêu chí đem lại sự thay đổi tích cực về diện mạo cũng như sự hài lòng của khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ.
Với nguồn nhân lực chất lượng có chuyên môn cao là các Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến từ Bộ môn Da liễu – Đại học Y Dược TPHCM & Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, nghiên cứu và điều trị Da liễu – Thẩm mỹ da; sẽ trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị và trực tiếp trị liệu cho bệnh nhân, đảm bảo hiệu quả cao nhất.
Thông tin liên hệ
- Đơn vị da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
- Số 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, Tp.Hồ Chí Minh.
- Hotline tư vấn đặt lịch Bác sĩ: 0899777709 / Zalo/Viber: 0899777709
- Facebook Fanpage: Thẩm mỹ da – BV Nguyễn Tri Phương
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.