* Vì sao cùng một loại hình nghệ thuật nhưng có nơi gọi là hát ca trù, có nơi gọi là hát ả đào, hát cô đầu? Giá trị của nghệ thuật này đối với văn hóa Việt như thế nào? (Nguyễn Thành Tam, Hòa Vang, Đà Nẵng).
Tranh Cô đầu thế kỷ XX. (Ảnh tư liệu)
– Bài viết “Về nguồn gốc ra đời của nghệ thuật ca trù” đăng trên báo Lao Động cho biết, theo sử, ca trù có từ 700 năm trước, theo dân gian thì có từ 1.000 năm, nhưng thịnh nhất là từ thế kỷ XV. Ca trù có thể xem là loại hình nghệ thuật phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc.
Theo sách “Việt sử tiêu án” của Ngô Thời Sĩ, ca trù do chữ “trù” là mảnh tre, thẻ tre dùng để thưởng cho các ả đào. Sau chầu hát, đào nương lấy thẻ tre đổi thành tiền thưởng. Người hát thường được gọi là “ả đào” vì dưới thời vua Lê Thái Tổ (1010-1028), có người ca nhi là Đào thị hát hay, được nhà vua ban thưởng. Về sau, những người hát được gọi chung là “đào nương”.
Về tên gọi “hát cô đầu”, tập truyện ký chữ Hán “Công dư tiệp ký” (Ghi nhanh lúc rỗi việc công) của nhà văn Việt Nam Vũ Phương Đề (1698-1761) cho biết, cuối đời nhà Hồ (1400-1407), có người con hát họ Đào quê ở làng Đào Xá, tỉnh Hưng Yên, lập mưu giết được giặc Minh. Khi nàng chết, dân nhớ ơn lập đền thờ, gọi thôn nàng ở là thôn Cô Đầu. Từ đấy những người đi hát được gọi là cô đầu.
Dù được gọi như thế nào thì sự tồn tại của ca trù luôn gắn liền với các đào nương “không có đào nương bất thành ca trù, khi nói đến ca trù không thể không nói tới đào nương”.
Để trở thành một đào nương không phải dễ. Theo bài “Ca trù một loại hình nghệ thuật độc đáo” đăng trên cinet.vn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đào nương phải hội được nhiều tiêu chuẩn khắt khe như giọng hát, năng khiếu âm nhạc (thẩm âm, gõ phách), tri thức âm nhạc và văn thơ, lòng đam mê và kiên trì… sự tồn tại của ca trù được quyết định bởi chính các đào nương.
Các đào nương chính là những người truyền tải và thể hiện những cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của ca trù, giúp ca trù tồn tại cho đến ngày nay. Ca trù có các quy chế về sự truyền nghề, cách học đàn học hát, có những phong tục trong sự nhìn nhận đào nương rành nghề, về việc chọn đào nương đi hát thi (ngoài tài năng và sắc diện cần phải có đức hạnh tốt).
Ca trù từng được xem là một loại ca trong cung đình và được giới hoàng thân, quý tộc, văn nhân, tài tử yêu thích. Theo số liệu của ký giả Hồng Lam trên tờ Trung Bắc chủ nhật số 129, năm 1942 (tr.18), năm 1938, ngoại ô Hà Nội có đến 216 nhà hát và gần 2.000 cô đầu! Nhà hát, quan viên, đào kép đều tăng lên ngày một nhiều.
Bên cạnh đào hát là đào rượu. Đào rượu không biết hát, không biết gõ phách, chỉ biết ngồi tiếp rượu và giao đãi với quan viên. Quan viên đến nghe hát không chỉ là những người yêu thơ và nhạc mà còn có cả những người đến đây để tìm thú vui lạ đầy buông thả bên các đào rượu.
Cô đầu (đào nương) là người thanh lịch, trang nhã, thanh sắc đủ đầy đã dần bị đánh đồng với cô đầu rượu và chịu tiếng không hay. Báo Nhân Dân trong bài “Hát ả đào và nỗi oan của các cô đầu xưa”, sau khi dẫn lại bài viết của ký giả Hồng Lam, đã buông lời than vãn: “Tiếng oan của các cô đầu hát, của lối chơi ca trù tao nhã, của một nghệ thuật cổ, vì thế đã kéo dài suốt 100 năm nay, cho đến tận bây giờ”.
Với những giá trị văn hóa trong suốt 7 thế kỷ, tháng 10-2009, Ca trù được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể của Việt Nam.
ĐNCT
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.