Đề bài: Em hãy giải thích câu tục ngữ: Tốt danh hơn lành áo
Bài làm
Trong cuộc sống có người tốt, người xấu, có người coi trọng tình cảm hơn lợi ích và cũng có người coi trọng danh tiếng hơn là của cải vật chất. Mỗi người mỗi quan niệm sống và hành động khác nhau mang những nét đặc sắc riêng của mình. Tuy nhiên phần đông chúng ta đều nghe theo những lời chỉ dạy của ông cha ta từ những bài học nhân sinh sâu sắc qua các câu ca dao tục ngữ để hình thành cho bản thân nhân cách tốt đẹp. “Tốt danh hơn lành áo” chính là một trong số đó.
Để thấy được bài học sâu sắc mà nhân dân đã gửi gắm thì trước tiên chúng ta phải hiểu được nghĩa của câu tục ngữ trên. “Tốt danh” nghĩa là có danh tiếng tốt, được mọi người xung quanh yêu quý, tôn trọng. Nếu như “tốt danh” là cái nghiêng về mặt tinh thần, không cầm nắm được thì trái lại “lành áo” là thứ để chỉ cho những gì mang ý nghĩa vật chất. “Lành áo” là những vật chất bên ngoài dùng để trang trí cho con người. Qua những lý giải trên có thể cho ta thấy rằng là người cần phải giữ gìn cái danh dự của mình, biết quý trọng mọi người và được mọi người quý trọng còn hơn là có nhiều vật chất, của cải nhưng lại bị mọi người coi thường, soi mói.
Tất cả chúng ta hẳn là ai cũng mong muốn bản thân được mọi người tôn trọng, được khen ngợi với những việc ta làm, về phẩm chất đạo đức mà chúng ta có. Từ những thứ đó khiến ta có động lực để làm những việc khác, động lực để trở thành người tốt hơn để có danh tiếng hơn. Cái “danh” rất được nhiều người chú trọng, danh tiếng, “tiếng thơm” được truyền trong dân gian, được mọi người ghi nhận và biết tới. Khi chúng ta gắng sức cống hiến vì mục tiêu chung của xã hội, đặt mặt tiêu chung lên trên cái lợi ích cá nhân và khi thu được thành quả chúng ta sẽ nhận được những lời khen gợi, thậm chí là sự tung hô và có cái “danh”. Chúng ta ắt hẳn đã từng nghe tới “vô danh tiểu tốt” trong những bộ phim, hay “vô danh” trong thời hiện tại. “Danh” còn là cái danh xưng, là danh dự của mỗi con người. “Vô danh tiểu tốt” tức là hạng người chìm nghỉm trong xã hội, bị chính xã hội hòa tan và không có màu sắc riêng, không làm được gì nổi bật khiến người khác chú ý tới.
Thực tế chúng ta thấy rằng những người coi trọng danh dự, danh tiếng thì trước khi làm việc gì đó họ đều có sự cân nhắc, suy tính xem có tổn hại gì cho bản thân và mọi người không, nếu làm thì có bị người đời khiển trách không. Bên cạnh đó họ sẽ không dễ dàng vì tiền bạc mà bán rẻ lương tâm. Còn có những người sẵn sàng để bản thân mình chịu thiệt để đem lại lợi ích cho mọi người, để có thể tạo danh tiếng tốt, lưu truyền đời sau. Minh chứng cho điều thì chúng ta hãy nhìn vào lịch sử kháng chiến vĩ đại của dân tộc, có biết bao anh hùng vì nghĩa xả thân, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc. Những Cảm tử quân sẵn sàng vào vị trí chiến đấu mặc dù biết trước sẽ không thể trở về, thậm chí còn được làm lễ “truy liệu sống” nhưng vẫn quyết tâm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Câu tục ngữ đặt đặt cái “danh” bên cạnh “lành áo” để cho thấy vị trí của chúng trong xã hội. “Lành áo” là những giá trị vật chất mà con người tạo ra. Bên cạnh những người coi trọng danh dự thì không ít kẻ chỉ chăm chăm đến việc làm sao kiếm được thật nhiều tiền, là tăng khối tài sản của mình mà chẳng quan tâm việc mình làm có tốt, có ảnh hưởng tới người khác không. Những người như vậy thường coi trọng tiền tài, địa vị, họ cho rằng tiền có thể mua được tất cả mọi thứ nên chẳng cần quan tâm những người xung quanh nói gì về mình.
Dù cho xã hội ngày càng phát triển, đổi mới nhưng câu tục ngữ vẫn sẽ mãi đi cùng năm tháng, trở thành bài học sâu sắc cho các thế hệ học tập. Mỗi chúng ta cần phải biết coi trọng danh dự, giữ gìn những phẩm chất đạo đức tốt đẹp để có thể để lại “tiếng thơm” ở đời.
Mai Du
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.