Mấy hôm nay, có một sự ồn ào chung quanh chữ ‘fellow’, với nhiều ý kiến mà tôi nghĩ là hiểu chưa đủ và lẫn lộn. Điều này dễ hiểu vì ở VN không có chức danh fellow, nên ít ai hiểu bản chất của chức danh này. Có lẽ tôi là một trong những người trong cuộc (vì tôi có chức danh ‘fellow’), nên xin chia sẻ với các bạn ý nghĩa của chữ này.
Tôi hay nói đùa với bạn bè trong các chương trình workshop ở Việt Nam là chức danh fellow diễn giải sang tiếng Việt nó đơn giản và gần gũi lắm. Ở nghĩa đơn giản nhứt, fellow có nghĩa là ‘gã’, ‘thằng cha’ (như ‘He is a nice fellow’ = anh ấy là một gã dễ mến). Chữ fellow còn có nghĩa là ‘đồng chí’ (hiểu theo nghĩa chữ comrade), hay có khi là ‘đồng bào’ (như trong câu ‘My fellow citizens‘ = Hỡi đồng bào của tôi). Đó là vài ý nghĩa của chữ fellow trong tiếng Anh, mà xuất xứ của nó là từ tiếng Anh cổ ‘feolaga’ vốn có nghĩa là đồng loại (‘one of the same kind’).
Cái nghĩa ‘đồng loại’ đó được lan sang (hay ứng dụng) trong hệ thống khoa bảng và khoa học thuộc thế giới phương Tây. Khi sang thế giới khoa học, chữ fellow được mang một ý nghĩa trịnh trọng hơn: học giả. Thật ra, trong tiếng Anh, chữ scholar cũng là học giả, nhưng hình như chữ này càng ngày càng được xem là … già nua. Dưới đây là ý nghĩa của chức danh fellow trong thế giới khoa học hiện đại:
Nhóm 1: Fellow là thành viên của viện hàn lâm
Ở các nước như Anh và Úc, thành viên của các viện hàn lâm khoa học được quyền dùng danh xưng là fellow. Những người này được bầu, nên có khi người ta dùng danh xưng elected fellow để phân biệt với những thành viên nước ngoài không qua bình bầu. Đây chỉ là chức danh danh dự, không có lương.
Những thành viên này có quyền dùng những danh xưng sau tên họ như Fellow of Royal Society (FRS), Fellow of Australian Academy of Science (FAA), Fellow of Academy of Health and Medical Sciences (FHAMS), v.v. Nhìn vào danh xưng người ta biết họ thuộc đẳng cấp nào trong bậc thang khoa học.
Hình như ở Nga người ta gọi thành viên viện hàn lâm là ‘academician’ (viện sĩ). Chức danh fellow ở Anh, Úc (và Mĩ?) chính là academician.
Nhóm 2: Fellow là thành viên xuất sắc (elite) của hiệp hội khoa học
Ở một số hiệp hội khoa học lớn, fellow là chức danh dành cho những nhà khoa học có đóng góp xuất sắc và quan trọng trong chuyên ngành. Những người này thuộc vào nhóm thiểu số ‘privileged’ (tức lãnh đạo) và có địa vị cao hơn những member (hội viên). Ví dụ như hiệp hội loãng xương Hoa Kì ASBMR hay hiệp hội IEEE mỗi năm bình bầu những hội viên xuất sắc để họ được dùng danh xưng fellow hay ‘elected fellow‘. Đây cũng chỉ là chức danh danh dự, không có lương.
Trong các hiệp hội y khoa ở Úc (gọi là ‘college’) cũng có những bác sĩ có danh xưng là fellow sau khi họ đã qua một chương trình huấn luyện chuyên ngành.
Nhóm 3: Fellow là nhà khoa học độc lập cấp cao
Trong các đại học và viện nghiên cứu (như Howard Hughes, WEHI, Garvan, v.v.) các nhà khoa học cấp cao, những người mà lương bổng và chi phí nghiên cứu của họ do một nhà tài trợ khác tài trợ (chớ không lệ thuộc vào viện hay đại học) được gọi là fellow. Tiền tài trợ cho họ được gọi là fellowship. Những người này có thể đem cái fellowship đó đi bất cứ nơi nào trong nước mà họ thích, nhưng vì đại học rất quí họ nên khi họ có fellowship thì đại học thường cho tiền thêm để giữ chân.
Các fellowship này rất ư là cạnh tranh và danh giá vì thường có giá trị hàng triệu USD và được xem là award (giải thưởng cho cá nhân). Chẳng hạn như ở Úc, chỉ trong ngành y sinh học, mỗi năm có chừng 2000 giáo sư đại học xin fellowship nhưng chỉ có chừng hơn 100 là được tài trợ. Còn trong các ngành khoa học tự nhiên (ở Úc), mỗi năm cũng có hàng ngàn giáo sư xin fellowship và số thành công chỉ có chừng 200. Đây là chức danh theo nhiệm kì, và mỗi nhiệm kì là 5 năm.
Không phải ai có chức danh fellow đều có vị trí như nhau. Trong thực tế, các viện nghiên cứu chia ra nhiều loại fellow: từ Fellow, Senior Fellow, Principal Fellow, và cao nhứt là Senior Principal Fellow hay Australia Fellow (hay tương đương Laureate Fellow). Chỉ cần nhìn vào chức danh là người ta biết vị trí của nhà khoa học ở đẳng cấp nào.
Chức danh fellow trong nhóm này còn có một ‘ứng dụng’ khác trong việc thu hút nhân tài. Chẳng hạn như Chánh phủ Úc muốn thu hút các nhà khoa học tài giỏi gốc Úc ở nước ngoài về nước, nhưng các đại học không có biên chế, thì cách họ làm là tạo ra một chương trình fellowship. Sau đó, họ tổ chức tuyển chọn (hay có khi mời trực tiếp) ứng viên và trao cho họ một fellowship hậu hĩkèm theo chức danh fellow để về Úc làm việc. Đây cũng chính là cách mà nhà cầm quyền Trung Cộng sử dụng để thu hút nhân tài từ phương Tây.
Nhóm 4: Fellow là nhà nghiên cứu trong đại học
Ở một số đại học Úc (không phải tất cả) những người chuyên làm nghiên cứu (tức không giảng dạy) thuộc một dự án cụ thể nào đó có danh xưng là fellow. Điều rất lẫn lộn là họ cũng có những cấp như Fellow, Senior Fellow, Principal Fellow(nhưng không có Australia Fellow). Đây là chức danh có lương.
Tuy nhiên, đây là những chức danh của và do đại học bổ nhiệm, không qua qui trình tuyển chọn và cạnh tranh cấp quốc gia hay quốc tế như Nhóm 3. Do đó, vị trí khoa học và prestige của nhóm này, tuy có cùng chức danh, nhưng không thể so sánh với Nhóm 3 ở trên.
Nhóm 5: Fellow là nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ
Trong hệ thống khoa học phương Tây, đặc biệt là lãnh vực khoa học tự nhiên và thực nghiệm, một người sau khi tốt nghiệp tiến sĩ thường phải qua một giai đoạn hậu tiến sĩ (postdoc). Hậu tiến sĩ là giai đoạn học nghề, chớ chưa phải là nhà nghiên cứu độc lập. Các tiến sĩ thường phải qua một quá trình cạnh tranh ‘ác liệt’ để có một cái ghế hậu tiến sĩ.
Lương của các nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ có thể là từ trường đại học, từ một tổ chức khoa học, hay hiệp hội khoa học. Do đó, học bổng cho nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ có tên là postdoctoral fellowship. Dĩ nhiên, đây cũng là chức danh có lương nghiêm chỉnh, và có thời hạn (thường là 3-5 năm).
Một số đại học còn tạo ra những chương trình fellowship cho các nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ để thu hút những ứng viên xuất sắc, những nhà lãnh đạo khoa học tương lai. Chẳng hạn như Đại học UNSW có chương trình Scientia Fellowship, ĐH UTS có chương trình Chancellor’s Postdoctoral Research Fellowship mà đối tượng là những ứng viên hậu tiến sĩ và ‘đang lên’. Những người này ai cũng có ít nhứt 20 bài báo khoa học trên các tập san lừng danh sau 5 năm tốt nghiệp tiến sĩ, nên mức độ cạnh tranh rất cao.
Nhóm 6: Fellow là học giả vãng lai
Chức danh fellow còn dành cho những học giả vãng lai, và do đó có chữ visiting fellow. Hai chữ ‘học giả’ ở đây bao gồm hậu tiến sĩ, giảng viên, giáo sư, nhưng cũng có thể gồm cả những người thành danh dù không có bằng tiến sĩ. Những người thành danh đó thường là giới chánh trị gia, doanh nhân, nhà báo, nhà hoạt động xã hội, v.v. Những loại visiting fellowship này thường hay thấy trong các viện nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Đây là chức danh vừa mang tính học thuật vừa ngoại giao.
Người Mĩ là bậc thầy của những chức danh ngoại giao này. Khi Chánh phủ Mĩ nhận dạng ra những ngôi sao đang lên ở bất cứ nơi nào trên thế giới, họ thường tìm cách thiết lập quan hệ với những người đó. Cách họ làm là cấp cho các đại học một số tiền (gọi là fellowship) và đại học dùng tiền đó để mời người đang lên đến thăm và làm việc, hay gọi cho oai là ‘nghiên cứu’. Nhưng trong thực tế thì có khi chẳng nghiên cứu gì cả, chỉ cần làm một seminar với vài người đến dự (chừng 5-10 người) và thế là xong. Ở Úc cũng có những chương trình này.
Các Visiting Fellow được trả tiền thù lao tượng trưng (chớ không phải lương bổng). Thù lao có thể là 10,000 đến 30,000 USD một năm (tuỳ vào thành phố). Thường thì họ chỉ làm việc trong một thời gian ngắn (6 tháng đến 12 tháng). Các fellow ngoại giao trong nhóm này không thể so sánh với các Nhóm 3, 4, 5, vì bản chất bổ nhiệm và cạnh tranh rất khác nhau.
***
Như các bạn thấy chữ fellow có rất nhiều ý nghĩa, từ ‘bình dân’ đến khoa bảng. Fellow có thể là một nhà khoa học cấp hậu tiến sĩ, cũng có thể là nhà khoa học độc lập cao hơn nhiều so với hậu tiến sĩ, cũng có thể là người của đại học liên quan đến một dự án cụ thể, hay cũng có thể là học giả vãng lai và ngoại giao. Do đó, nếu chỉ nói chức danh fellow màkhông có nội hàm thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Chức danh fellow cho hậu tiến sĩ thì rất cạnh tranh (không có thành tích công bố khoa học tốt thì chẳng ai chịu xét), nhưng nếu là loại visiting fellow thì chẳng có cạnh tranh đáng kể.
Còn nếu là loại fellow có trả lương nghiêm chỉnh, thì nguồn trả lương xác định danh giá (prestige). Một giáo sư có fellowship (kèm theo tên) được đánh giá cao hơn nhiều so với một giáo sư bình thường. Còn chức danh fellow mang tính danh dự (không lương) thì cái danh giá tuỳ thuộc vào tổ chức là viện hàn lâm hay hiệp hội khoa học.
___________
Tái bút: Có bạn hỏi tôi sự khác biệt giữa ‘fellow‘ và ‘scholar‘ ra sao. Tôi chỉ có thể nói theo hiểu biết cá nhân thôi, vì có thể sự khác biệt tuỳ địa phương. Scholar hiểu theo nghĩa thông thường là ‘học giả’, nhưng nó còn có một nghĩa khác là ‘học sinh’ hay ‘sinh viên’. Ví dụ như nghiên cứu sinh tiến sĩ có khi còn được gọi là scholar, và học bổng họ nhận được gọi là scholarship.
Fellow là người đã qua bậc tiến sĩ hay nếu không có tiến sĩ thì đã thành danh. Họ không phải là sinh viên nữa, mà đã là một nhà nghiên cứu độc lập và trong nhiều trường hợp có thể điều hành một nhóm nghiên cứu. Trong y khoa, fellow là người ở cấp ‘consultant‘, tức họ hành nghề mà không cần có sự giám thị (cấp bác sĩ hành nghề vẫn bị giám sát bởi cấp cao hơn).
Do đó, trong học thuật chức danh fellow cao hơn scholar.
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.