Vẫn theo mô típ đề thi của những năm trước
Thầy Trần Ngọc Minh, giáo viên toán Trường THPT Quỳnh Lưu 1 (tỉnh Nghệ An), cho biết đề thi toán năm nay (mã đề 109) có cấu trúc phân bổ kiến thức hợp lý, với 5 câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 và 45 câu hỏi thuộc chương trình lớp 12.
So với đề tham khảo là khó hơn hẳn, so với đề thi năm 2022 cũng khó hơn. Với mức độ phân hóa của đề này, học sinh chủ yếu làm đến khoảng câu 37, nghĩa là ngưỡng điểm bình quân khoảng từ 7 – 7,4 điểm, trong khi ngưỡng điểm bình quân năm ngoái khoảng 7,5 – 7,6 điểm.
“Các câu vận dụng tương đối khó, khó hơn hẳn so với đề minh họa nên đề này phân hóa tốt, phù hợp chọn tuyển sinh đại học. Học sinh giỏi của Trường THPT Quỳnh Lưu 1 còn khoảng 3 – 4 câu chưa làm được, như vậy nghĩa là điểm 10 của đề này sẽ ít”, thầy Minh chia sẻ.
Theo thầy Minh, năm ngoái, đề rất khó với những câu mà học sinh làm để đạt 9 – 10 điểm, nhưng những câu để các em làm đạt quanh điểm 8 thì khá dễ. Còn năm nay thì các câu đạt điểm 8 trở lên cũng không dễ làm. Độ khó đã rải đều hơn trong số khoảng 10 câu sau, từ câu 39 đã bắt đầu khó lên và học sinh dễ sai câu 39, 41.
Các câu vận dụng thực tế vẫn chưa đưa vào được nhiều để hướng tới kỳ thi đánh giá năng lực mà Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ tổ chức vào năm 2025. Đề vẫn theo mô típ đề của những năm trước, nặng về giải toán.
Tuy nhiên, có một số câu khá hay, ở các câu hỏi khó. Thực ra, đó là những câu hỏi quen mà lạ so với các bài học sinh vẫn được ôn luyện. Ví dụ như câu 49 (hình Oxyz) hoặc câu 50 (hỏi về sự tương giao).
Đang từ dễ đột ngột chuyển khó
Thầy Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội), cũng đồng tình với nhận định đề thi năm nay (xét cụ thể trên mã đề 115) có phổ kiến thức rộng, bao gồm kiến thức học sinh được học ở lớp 11 và 12 với tỷ lệ hợp lý.
Tuy nhiên, thầy Hoan cho rằng, đây không phải là một đề thi có mức độ phân hóa tốt, bởi chủ yếu chỉ có phần dễ và phần khó, phần khó vừa vừa rất ít. (Xem mã đề 115 ở đây).
Từ câu 1 – 30 về cơ bản là áp dụng lý thuyết ở mức độ biết, với một chút yêu cầu hiểu; các câu 30 – 35 vẫn còn dễ. Các câu 36 – 40 cũng chỉ mới kiểm tra mức độ hiểu, có yêu cầu vận dụng một chút; câu 41 khó hơn. Nhưng đặc biệt là từ câu 42 trở đi thì đột ngột yêu cầu học sinh có sự vận dụng cao. “Một đề thi chuẩn mực thường có 3 mức độ với tỷ lệ câu hỏi hợp lý cho từng mức độ biết, hiểu, vận dụng. Đề thi này mức độ hiểu và vận dụng thấp là hơi ít”, thầy Hoan bình luận.
Thầy Hoan còn nhận xét, những câu vận dụng cao ở đề thi năm nay thực chất là những bài tự luận nhưng hỏi theo kiểu trắc nghiệm. Kiến thức có tính chất tổng hợp, khó, học sinh hoặc phải thật giỏi hoặc phải được ôn luyện nhiều đúng dạng bài đó mới làm được. Cho nên, với đề thi này, điểm 7 sẽ nhan nhản; để có 8 điểm không khó lắm, rất đông học sinh làm được. Nhưng để được hơn 8 điểm, từ 8,5 điểm trở lên là rất khó, vì vậy sẽ khó chọn học sinh giỏi.
“Ở các câu vận dụng cao, nếu tách ra từng câu thì đó là những câu hỏi hay nhưng lại không phải là những câu hỏi nên hỏi nhiều. Mỗi câu suy ngẫm ra thì rất là hay, nhưng khi được tập hợp quá nhiều trong một đề thi thì trở nên không hay nữa. Có khoảng 1 điểm cho loại câu hỏi này thì được chứ không nên là 2 điểm như mã đề 115. Nên bớt những câu dễ đi, đẩy thêm những câu tầm trung trung vào”, thầy Hoan nói.
Đề thi toán kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, mã đề 109
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.