Câu ghép và các mối quan hệ giữa các vế câu trong câu ghép
I. Câu ghép là gì?
Câu ghép là câu do hai hoặc nhiều cụm chủ – vị không bao chứa nhau tạo thành. Mỗi cụm – chủ vị là một vế câu.
II. Các mối quan hệ giữa các vế câu trong câu ghép:
– Các vế của câu ghép có quan hệ ý nghĩa với nhau khá chặt chẽ. Những quan hệ thường gặp là: quan hệ nguyên nhân, quan hệ điều kiện (giả thuyết), quan hệ tương phản, quan hệ tăng tiến, quan hệ lựa chọn, quan hệ bổ sung, quan hệ tiếp nối, quan hệ đồng thời, quan hệ giải thích.
– Mối quan hệ thường được đánh dấu bằng những quan hệ từ, cặp quan hệ từ hoặc cặp từ hô ứng nhất định. Tuy nhiên, để nhận biết chính xác quan hệ có ý nghĩa giữa các vế câu, trong nhiều trường hợp, ta phải dựa vào văn cảnh hoặc hoàn cảnh giao tiếp.
1. Quan hệ nguyên nhân – hệ quả: (vì… nên…; do…. nên…; bởi… nên….; bởi vì… nên….)
VD:
– Vì muốn để lại mảnh vườn cho con trai khi nó trở về có chỗ ăn chỗ ở nên lão Hạc đã chọn lấy cái chết.
– Bởi không biết bơi nên Tuấn không dám đến chỗ nước sâu.
2. Quan hệ điều kiện – kết quả: (nếu… thì….; nếu như..thì; hề … thì….; hễ….mà..; giá …mà…)
VD:
– Nếu tôi biết trước Lan sẽ đến thì tôi đã chờ cậu ấy cùng đi.
– Giá mà đêm qua tôi cố gắng học hết bài thì sáng nay đã làm được bài cuối rồi.
3. Quan hệ tương phản: (tuy…. nhưng….; mặc dù/mặc dầu….nhưng….; dù …. nhưng…)
VD:
– Mặc dù anh Dậu rất đau đớn nhưng anh vẫn cố gượng dậy can chị Dậu.
– Dù chưa biết lời người cô thật giả thế nào nhưng bé Hồng vẫn dành hết tình yêu thương và sự kính trọng mẹ mình.
4. Quan hệ tăng tiến: (càng…càng…; bao nhiêu….bấy nhiêu…..)
VD:
– Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!
– Thủy Tinh dâng nước sông lên cao bao nhiêu, Sơn Tinh dâng núi dâng cao lên bấy nhiêu.
* Trong một vài trường hợp, cặp quan hệ từ không những…. mà còn cũng biểu thị ý nghĩa tăng tiến:
VD:
– Việc làm ngu ngốc ấy không những khiến bản thân bị tổn hại mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của cả công ty.
5. Quan hệ lựa chọn: (hay, hay là; hoặc là)
VD:
– Anh làm hay tôi làm việc này?
– Cậu sẽ đến nhà Lan trước hay là ghé chỗ tớ trước?
– Hoặc là chúng ta chiến đấu đến cùng rồi chết trong danh dự, hoặc là đầu hàng và chết trong nhục nhã.
6. Quan hệ bổ sung: (không những … mà còn; chẳng những …mà ….; không chỉ…. mà…..)
VD:
– Lan không những học giỏi mà còn hát rất hay.
– Lão học không những là một lão nông thật thà, chất phác mà còn rất giàu lòng tự trọng và hết mực yêu thương con.
– Chẳng những thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc các ngươi cũng mất; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi, mà vợ con các ngươi cũng nguy khốn
– Không chỉ riêng tôi bị thầy giáo phạt mà cả lớp cũng bị thầy khiển trách.
7. Quan hệ tiếp nối: (vừa… cũng; vừa…. đã….)
VD:
– Tôi vừa về đến nhà, trời cũng đổ mưa to.
– Tôi vừa ngẩng đầu lên, đã thấy mẹ đứng ngay bên cạnh, vẻ mặt giận dữ.
8. Quan hệ đồng thời: (…..còn…..; vừa….vừa….; trong khi…. thì…..)
VD:
– Tôi và Lan lo sắp xếp bàn ghế cho ngay ngắn còn Hồng và Tuấn sẽ chuẩn bị bài thuyết trình.
– Chị Dậu vừa bế cái Tĩu vừa trút nồi khoai ra rổ, khói bay nghi ngút.
– Trong khi chị Dậu lo chạy vạy kiếm đủ tiền đống sưu thì anh Dậu bị chúng lôi ra đình đánh đập thậm tệ.
9. Quan hệ giải thích:
VD:
– Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.
– Lão sang nhà ông Giáo gửi hai mươi lăm đồng bạc trắng, số tiền lão mới bán cậu Vàng, và thêm năm đồng nữa cùng giấy tờ mảnh vườn nhờ ông Giáo giữ hộ.
– Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm.
– Có lẽ tiếng Việt của chúng ta đẹp bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, bởi vì đời sông, cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp.
10. Quan hệ liệt kê.
VD:
– Mây đen kéo đến, sấm chớp đùng đùng, gió thổi quặt cả những cành cây to, rồi những giọt mưa ào ào rơi xuống
– Hoa lau trắng cả núi đồi, hoa mai vàng hai bên bờ suối, hoa lan dệt đỏ những cánh rừng.
11. Quan hệ đối chiếu.
VD:
– Người em chăm chỉ, hiền lành còn người anh tham lam, lười biếng.
– Mẹ em là giáo viên còn bố em là bộ đội.
12. Quan hệ nhượng bộ.
VD:
– Tuy đoàn tàu khởi hành chậm 20 phút nhưng nó vẫn đến ga đúng giờ quy định.
– Việc này tuy là thể dục nhưng các thầy không được coi là việc tầm thường.
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.