Bên cạnh những món ăn truyền thống ngày Tết thì không thể nào thiếu đi được hũ dưa kiệu giòn ngon ăn kèm. Đặc biệt ở các gia đình Nam Bộ dưa kiệu mang ý nghĩa của sự phú quý, phồn vinh cho một năm mới sung túc. Cùng Trí Việt Phát học ngay cách làm củ kiệu chua ngọt – món ăn mang hương vị và màu sắc đặc trưng của ngày Tết nhé.
Cách làm củ kiệu truyền thống
Nguyên liệu
- 1kg củ kiệu
- 400g đường trắng
- 500ml giấm ăn
- 1 thìa cà phê phèn chua
- Muối ăn
Các bước tiến hành
Sơ chế nguyên liệu
- Pha 100g muối ăn cùng 1 thìa cà phê phèn chua vào thau nước. Khuấy cho tan các nguyên liệu, cho củ kiệu vào ngâm qua đêm.
- Củ kiệu sau khi ngâm thì nên rửa qua nhiều lần với nước sạch.
- Sơ chế củ kiệu bằng cách bóc bỏ đi hết gốc rễ, ngọn, vỏ lụa bên ngoài.
Ướp, phơi củ kiệu
- Trộn đều phần củ kiệu vừa sơ chế với 300g đường trắng.
- Chuẩn bị mâm, trải đều phần củ kiệu ra. Mang mâm ra ngoài phơi khoảng 4 giờ đồng hồ ở bóng râm. Thăm thường xuyên thấy kiệu hơi săn lại thì mang vào.
- Trong quá trình phơi nên đảo đều, để kiệu được phơi đều các mặt. Dùng lớp vải mỏng che lại để hạn chế các bụi bẩn hoặc ruồi khi phơi.
Chuẩn bị nước để ngâm kiệu
- Đun sôi hỗn hợp gồm 1 thìa cà phê muối ăn + 100g đường trắng và 500ml giấm ăn. Khuấy đều đun tới khi nước sôi thì tắt bếp, để nguội.
Cách làm củ kiệu muối
- Chuẩn bị lọ thủy tinh thật sạch và khô ráo, xếp củ kiệu vào theo sở thích. Cho nước ngâm đã nguội vào lọ rồi đậy kín nắp.
- Có thể thưởng thức thành phẩm sau 2-3 ngày ngâm ở nhiệt độ phòng.
- Củ kiệu chua chua, ngọt ngọt có thể thưởng thức kèm với thịt đông, bánh tét, bánh chưng giúp cân bằng bữa ăn và ngon miệng hơn.
Thành phẩm
Cách làm củ kiệu cà rốt chua ngọt tương tự như cách làm trên, chỉ cần bạn thêm nguyên liệu cà rốt cắt sợi. Củ kiệu trắng chua chua, ngọt ngọt sẽ đa dạng hơn khi có kèm cà rốt giòn ngọt đa dạng hương vị.
Tham khảo thêm Tổng Hợp Các Món Ăn Ngày Tết Chuẩn Vị Bắc – Trung – Nam
Cách làm củ kiệu ngâm nước mắm đường
Nguyên liệu
- 500g củ kiệu
- 1 củ cà rốt
- Giấm ăn
- 150ml nước mắm
- 250g đường trắng
- 2 thìa canh muối ăn
Các bước tiến hành
Sơ chế nguyên liệu
- Kiệu mua về ngâm trong 2 tiếng đồng hồ trong thau nước ấm pha thêm một ít muối.
- Bóc bỏ phần lớp vỏ lụa mỏng của củ kiệu, dùng dao cắt bỏ phần gốc rễ. Cho kiệu đã sơ chế ngâm thêm ở 1 thau nước lạnh khác.
- Rửa tiếp củ kiệu với nước muối pha loãng một lần nữa. Sau đó đem trải ra mâm mang đi phơi nắng. Phơi củ kiệu còn khoảng 250g là đạt yêu cầu. Nên phơi dưới bóng râm nhiều, vì phơi dưới nắng gắt thì củ kiệu bị teo lại nhiều, thành phẩm không đạt chất lượng.
- Cà rốt bào sạch vỏ, rửa sạch rồi cắt thành từng khúc với kích thước phù hợp với sở thích.
Làm nước mắm đường
- Cho vào nồi nước mắm và đường trắng. Bắc nồi lên bếp đun trên lửa nhỏ. Vừa đun vừa khuấy cho đường hòa tan vào nước mắm. Hỗn hợp sôi thì để nguội.
Ngâm củ kiệu
- Sơ chế củ kiệu lại một lần nữa cho thật sạch rồi rửa qua nước giấm ăn khoảng 4 phút, sau đó vớt ra để ráo.
- Lọ thủy tinh rửa sạch với nước, có thể chần sơ qua nước nóng, rồi lau cho thật khô nước.
- Xếp gọn củ kiệu vào lọ thủy tinh rồi cho hỗn hợp nước mắm đường vào. Đậy kín nắp, ngâm trong khoảng 10 ngày là có thể thưởng thức.
- Củ kiệu đã ăn được bạn có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, như vậy sẽ tăng được thời gian bảo quản lên tới 6 tháng.
Cách muối kiệu miền Bắc
Nguyên liệu
- 1kg củ kiệu
- Đường trắng
- Mía
- Muối hạt
- Nước vo gạo
Các bước tiến hành
Sơ chế nguyên liệu
- Củ kiệu mua về cho vào thau nước vo gạo ngâm qua đêm, khi ngâm sẽ loại bỏ đi hoàn toàn bụi bẩn và lớp vỏ bên ngoài của củ kiệu sẽ tróc bong ra ngoài.
- Đổ nước vo gạo đi, đem củ kiệu đi rửa với nước sạch nhiều lần.
- Dùng dao cắt bỏ đi các phần gốc rễ, phần hư hỏng và lớp vỏ lụa bên ngoài. Rửa với nước thêm 1 lần cho thật sạch rồi để cho ráo nước.
Cách làm củ kiệu ngâm đường
- Đun sôi hỗn hợp nước đường pha thêm ít muối. Đun sôi và nếm thử nước có vị lợ lợ thì tắt bếp để cho nguội.
- Mía cây róc sạch vỏ rồi chặt ra thành các que nhỏ mỏng.
- Chuẩn bị lọ thủy tinh thật sạch và khô. Sau đó xếp củ kiệu và mía vào lọ. Cho hỗn hợp nước ngâm vào lọ, dùng que trẻ cắt mỏng nén lại trên bề mặt để cho củ kiệu không bị nổi lên mặt nước.
- Đậy kín nắp lọ. Ngâm củ kiệu trong khoảng từ 7 đến 10 ngày ở nơi thoáng mát ở nhiệt độ phòng là có thể thưởng thức được.
Tham khảo thêm Cách Làm Ngó Sen Ngâm Chua Ngọt – Trắng
Cách muối củ kiệu miền Trung
Nguyên liệu
- Củ kiệu: 1kg
- Đường trắng: 200g
- Phèn chua
- Giấm ăn: 500ml
- Muối ăn
Các bước tiến hành
Sơ chế nguyên liệu
- Củ kiệu mua về sau khi rửa với nước cho sạch các bụi bẩn bên ngoài thì cho vào thau nước muối pha loãng ngâm trong 12 giờ.
- Củ kiệu được ngâm trong nước muối thì giữ được độ giòn , dai giảm bớt đi mùi hăng.
- Vớt củ kiệu ngâm xong đi xả lại với nước sạch nhiều lần rồi để ráo nước
- Cho củ kiệu vào thau nước, thả vào thau 1 viên phèn chua. Khuấy đều rồi ngâm khoảng 3 tiếng đồng hồ. Vớt củ kiệu, rửa lại nước sạch.
- Dùng dao cắt bỏ đi phần gốc rễ, tách bỏ đi phần vỏ lụa bên ngoài, cắt bỏ phần ngọn. Rửa lại qua nước sạch, để ráo.
Muối củ kiệu
- Pha hỗn hợp nước giấm gồm: 1 chén giấm + ½ muỗng muối ăn +200g đường trắng, dùng thìa khuấy cho tan các nguyên liệu. Bắc nồi nước hỗn hợp vừa pha lên bếp đun sôi. Sau đó để thật nguội.
- Xếp củ kiệu gọn vào lọ thủy tinh sạch đã chuẩn bị trước. Cho hỗn hợp nước giấm vào lọ. Đậy kín nắp và ngâm khoảng 7 ngày là có thể thưởng thức được.
Cách muối củ kiệu miền Nam
Nguyên liệu
- Củ kiệu: 1kg
- Hành tím
- Đường trắng
- Muối
Các bước tiến hành
Sơ chế nguyên liệu
- Củ kiệu mua về đem ngâm với hỗn hợp: nước + tro + phèn chua.
- Lấy củ kiệu ra ngoài, cắt bỏ đi phần gốc, rễ, ngọn và tách bỏ phần lớp vỏ lụa bên ngoài cho sạch sẽ.
- Rửa củ kiệu với nước cho sạch, rải đều ra mâm mang đi phơi nắng 3 ngày. Sau đó rửa lại 1 lần nữa với nước cho sạch bụi bẩn, để ráo.
Ngâm củ kiệu
- Đem củ kiệu ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 12 tiếng. Giúp củ kiệu bớt đi mùi hăng và cay nồng đặc trưng. Sau đó xả lại với nước rồi để ráo.
- Trộn đều củ kiệu với 15g muối ăn và 200g đường trắng.
- Xếp củ kiệu đã ướp gọn vào lọ thủy tinh, không nên chừa quá nhiều khoảng cách trống giữa các lớp kiệu với nhau.
- Ngâm được 2 ngày thì muối và đường trong lọ sẽ tan ra. Dùng đũa gắp toàn bộ củ kiệu sang lọ thủy tinh khác, cho phần nước ngâm đã tan vào. Lấy nan tre gài lên bề mặt miệng để tránh việc kiệu nổi lên mặt nước.
- Ngâm khoảng 10 ngày là hoàn thành món dưa kiệu muối miền Nam giòn ngon.
Củ kiệu chua ngọt ăn cùng món gì?
- Củ kiệu giòn trắng với vị mặn ngọt hòa quyện chua thanh vừa ăn có thể kết hợp ăn kèm với các món mặn chế biến từ bò, gà hoặc thịt kho, bánh chưng, nem rán, khô nướng…
- Ngoài ra bạn có thể chấm kèm chén nước mắm để tăng thêm phần thơm ngon, đậm đà.
- Nhâm nhi nhẹ vài lon bia chỉ cần dĩa đậu phộng rang kèm vài củ kiệu cũng đủ vui trọn vẹn.
Hy vọng với những chia sẻ của Trí Việt Phát về cách làm củ kiệu chua ngọt để lâu trên đây sẽ giúp bạn có một món ăn dưa giải ngấy tuyệt vời ngày Tết. Ngoài ra bạn cũng có thể tham khảo các công thức dưa muối ngâm khác tại chuyên mục Món Ăn Ngon. Chúc bạn thành công.
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.
- Bột năng làm bánh gì ngon? 8 món bánh làm từ bột năng cực dễ làm – Digifood
- Cách chơi rubik 4×4 theo công thức chi tiết
- Hướng dẫn hack game khủng long dino trex bất tử trên chrome
- Nhân Vật Phản Diện Chỉ Muốn Học Tập: Hotboy Chủ Thụ Giai Đoạn Đòi Nói Chuyện Yêu Đương
- Remini App Pro: Tái sinh những kỷ niệm theo cách tuyệt vời