Tôi giật mình khi đọc trên một số trang mạng những bài viết “tôn vinh” một vài bạn trẻ non nớt, lầm đường, bị kích động, lôi kéo tham gia các hoạt động tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước như “người hùng”, thậm chí là “mẫu hình” thanh niên thời đại mới. Lòng yêu nước cao cả, chân chính gần đây đã bị một số người lợi dụng hoặc cố tình làm mờ, nhòe, gán ghép với những việc làm phản bội lại đất nước…
Yêu nước kiểu “kêu gào bàn phím”
Hai thanh niên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha có hành vi trái pháp luật đã được tòa án xét xử công khai nhưng vẫn không ít người cố tình khoác lên cho họ chiếc áo “yêu nước”. Bằng màn kịch vụng về, một nhóm người cùng hội cùng thuyền với cái gọi là nhóm “Tuổi trẻ yêu nước” đã “thiết kế” một chuyến du lịch dọc miền Tây Bắc rồi dừng lại bên đường viết nguệch ngoạc mấy câu khẩu hiệu tôn vinh Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha. Họ chụp ảnh, post lên mạng, rồi vống lên rằng, các bạn trẻ đồng bào dân tộc thiểu số cũng ngưỡng mộ hai người này.
Xa hơn nữa, bên kia bán cầu, cô Cung Hoàng Kim, người Mỹ gốc Việt, mang tiếng là sinh viên báo chí mà khi đăng quang một cuộc thi hoa hậu ở Hoa Kỳ cũng có một bài diễn văn “chém gió”, tung hô các blogger: Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên… cho rằng họ phải vào tù vì dám đứng lên tranh đấu vì “yêu nước”. Bậy bạ hơn, nhiều trang mạng gần đây còn trích dẫn câu nói của Nguyễn Phương Uyên “Tôi là sinh viên yêu nước…” để so sánh với hình ảnh của Võ Thị Thắng, Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm…
Cùng với việc “tôn vinh” những nhân vật được coi là “điển hình yêu nước”, gần đây xuất hiện không ít lời kêu gọi, phát động giới trẻ tham gia biểu tình, xuống đường để thể hiện “lòng yêu nước”. Có trang mạng còn lộ liễu kích động “bất đồng chính kiến là yêu nước”… Một trang mạng tự đặt cho mình cái tên rất kêu là “Nhật ký yêu nước” để hô hào thanh niên đi biểu tình.
Có thể nói, chưa bao giờ lòng yêu nước lại bị lợi dụng, đánh đồng với những “động cơ đen”, trở thành một quân bài trong bộ bài nham hiểm chống phá Việt Nam.
Đâu là lòng yêu nước chân chính?
Thực ra, trong các bài viết, lời kêu gọi, thậm chí là tuyên ngôn của mình, những người đang chơi trò chơi “chính trị” kia đã đánh tráo khái niệm yêu nước chân chính, tầm thường hóa lòng yêu nước đích thực. Làm sao họ có thể “gán” cho những hành động vĩ cuồng, những phát ngôn thiếu trách nhiệm, những hành vi sai trái đi ngược lợi ích cộng đồng kia một khái niệm thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam ta là lòng yêu nước? Làm sao họ có thể mang lòng yêu nước ra để kích động giới trẻ, lôi kéo họ vào những suy nghĩ và hành động đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của đất nước và nhân dân? Hành vi đầu độc lớp trẻ như vậy khác gì là một tội ác?
Nói đến lòng yêu nước, nhiều người trong chúng ta sẽ nhớ ngay đến tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đưa vào sách giáo khoa, như một áng hùng văn khái quát và đúc kết nét đặc trưng của truyền thống dân tộc. Đó là tác phẩm “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”, có đoạn: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Sự khái quát ấy, ở một góc độ nào đó còn giống như di huấn tinh thần để chúng ta vững tâm hơn, cùng nhau bình tĩnh trước nguy nan và cùng nhau hun đúc, trau chuốt thêm chiếc “nỏ thần vô hình” có sức mạnh vạn năng trong bảo vệ Tổ quốc: Lòng yêu nước. Đó mới là thái độ tinh thần đúng đắn chứ không phải yêu nước theo kiểu hồ đồ đi kèm với những hành động sai trái, bất chấp kỷ cương và luật pháp!
Cũng cần nhắc lại lòng yêu nước là gì và những biểu hiện cụ thể của nó ra sao để khu biệt, nhìn nhận những nhân vật và hành động đang được nhiều trang mạng và tổ chức phản động tung hô? Trong sách giáo khoa Giáo dục công dân của học sinh phổ thông đã đề cập tương đối ngắn gọn, dễ hiểu và đầy đủ. Theo đó, lòng yêu nước là tình cảm yêu quý, gắn bó, tự hào về quê hương, đất nước và tinh thần sẵn sàng đem hết tài năng, trí tuệ của mình phục vụ lợi ích của Tổ quốc. Các biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam ta bao gồm: Tình cảm gắn bó với quê hương đất nước; tình thương yêu đối với đồng bào, giống nòi, dân tộc; niềm tự hào dân tộc chính đáng; đoàn kết, kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, để bảo vệ chủ quyền dân tộc và nền độc lập tự do của Tổ quốc; cần cù và sáng tạo trong lao động để xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
Nói một cách đơn giản và cụ thể hơn như nhà văn I. Ê-ren-bua thì yêu nước là “yêu những vật tầm thường nhất, yêu người thân, yêu Tổ quốc” và tình cảm ấy có những cung bậc, những cách thể hiện khác nhau trong hai thời kỳ khác nhau: Thời bình và thời chiến. Đây cũng là một chủ đề được bàn luận khá sôi nổi trên in-tơ-nét gần đây.
Chúng tôi xin trích ý kiến của một bạn trẻ về lòng yêu nước, có thể chưa đầy đủ nhưng rất đáng suy ngẫm về những giá trị đích thực của lòng yêu nước: “Thực tế, đã có không ít thanh niên nghĩ rằng phải làm một việc gì thật to lớn cho Tổ quốc mới là yêu nước. Nhưng họ đâu hiểu rằng lòng yêu nước biểu hiện qua từng hành động, việc làm hằng ngày của mỗi chúng ta. Bạn cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt, hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình, đó là yêu nước. Lựa chọn được một nghề nghiệp phù hợp với bản thân mình, gắn bó và cống hiến hết mình vì công việc, đó là yêu nước. Lao động tích cực, hăng hái, làm giàu chính đáng, đó là yêu nước. Có khi lại là việc nhỏ như không vứt rác bừa bãi, không tàn phá môi trường, không hủy diệt muông thú. Và thậm chí, nói một câu tiếng Việt đúng ngữ pháp, văn cảnh, thể hiện sự tự tôn với ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc mình, cũng là biểu hiện của lòng yêu nước… Lòng yêu nước chân chính không nhất thiết phải hô, hét thật lớn để cho tất cả mọi người biết mà quan trọng là tính tự giác trong mọi hành động, việc làm của mỗi chúng ta. Có những thanh niên nhận thức lệch lạc, ngồi một chỗ kêu ca, oán thán với nhau rằng, sao Việt Nam lại nghèo nàn, lạc hậu so với các quốc gia khác vậy; một số thì chạy theo lối sống thực dụng, ăn chơi sa đọa, lãng phí, tự do cá nhân, vô tổ chức. Những người đó tự cho mình cái quyền phán xét nhưng lại không có tí trách nhiệm nào với cộng đồng, xã hội…”
Một bạn trẻ khác là Hoàng Thắng đã bày tỏ quan điểm trước những quan niệm lệch lạc về yêu nước trong một bài viết khá dài. Anh viết: “Những người gác biển không cần những người “đứng” sau lưng bằng những bài viết răn dạy về tình yêu nước trên facebook. Đừng để con em nhân dân đổ máu để cho các bạn lên in-tơ-nét hô hào mình là yêu nước”.
Còn một cựu chiến binh thì cho rằng, Việt Nam đang có một thế hệ gồm nhiều bạn trẻ ngồi trong phòng lạnh, uống nước ngọt, ăn gà rán và luôn miệng kêu gào trên facebook rằng “Chính phủ không nên nhu nhược, phải chứng minh bằng hành động”. Ông tha thiết mong các bạn trẻ hãy thôi sống ảo và đừng yêu nước bằng máu của kẻ khác!
Làm cho “viên ngọc quý” càng ngày càng sáng
Nhà báo Vũ Duy Thông trong một bài viết gần đây đã có lý khi cho rằng, yêu nước là tình cảm và tư tưởng phổ biến, vốn có ở tất cả các dân tộc trên thế giới chứ không riêng gì của dân tộc Việt Nam. Nhưng một trong những đặc trưng nổi bật nhất của lòng yêu nước mang bản sắc Việt Nam chính là yêu nước gắn liền với yêu hòa bình, hòa hiếu. Chỉ đến khi kẻ thù hung bạo quyết phá vỡ nền hòa bình, hòa hiếu ấy thì cả dân tộc mới buộc phải đứng lên cầm súng, cầm giáo, mác, tầm vông… Yêu nước của dân tộc Việt Nam còn có đặc trưng là tình yêu lặng thầm, kìm nén vì những bước đi chiến lược. Bài học lịch sử cho ta thấy, nhiều khi tình cảm ấy cần được phô trương như viên ngọc quý nhưng nhiều lúc nó lại cần phải lặn vào trong, cần kìm nén vì những nước cờ chiến lược.
Nếu chúng ta kiên trì hòa bình mà đối phương vẫn cố tình gây chiến xâm lược thì cũng như những cuộc chiến tranh khác, chúng ta sẽ đứng lên, như câu thơ của Chế Lan Viên: “Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi căn nhà, ngọn núi, con sông!”. Nhưng thời điểm đó chưa đến, nhiệm vụ lúc này chưa phải như thế.
Nhìn ra các quốc gia khác, có lẽ cũng cần nhắc đến sự kiện vào tháng 9 tới, Ủy ban Chính sách xã hội của Thượng viện Nga sẽ trình Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga một dự luật về giáo dục lòng yêu nước cho công dân. Việc đề ra đạo luật này xuất phát từ chỗ đang có những âm mưu viết lại lịch sử cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, coi nhẹ sự hy sinh của những người lính Hồng quân Liên Xô. Chính phủ Nga cho rằng, âm mưu này nhằm làm suy yếu nước Nga. Một cường quốc như nước Nga ngày nay vẫn rất cần “luật hoá” lòng yêu nước, như thế thì không có lý do gì chúng ta không phê phán, đấu tranh, thậm chí xử lý nghiêm minh những kẻ cố tình lợi dụng để làm ố bẩn viên ngọc quý lòng yêu nước.
Tất nhiên, một đất nước gần 90 triệu dân thì những ý kiến khác nhau là điều bình thường. Nếu đây đó có cả những suy nghĩ, hành vi chưa đúng thì chưa hẳn không yêu nước mà có khi chỉ vì thiếu thông tin nên chưa có nhận thức đúng. Bổn phận của mỗi người Việt Nam là hiểu đúng và thể hiện đúng về lòng yêu nước. Mỗi người đều có trách nhiệm gìn giữ và làm sáng thêm truyền thống quý báu của dân tộc ta là lòng yêu nước. Phải làm cho “viên ngọc quý” ấy mỗi ngày một thêm sáng trong. Chúng ta không chấp nhận và không tha thứ những kẻ làm vấy bẩn viên ngọc quý “lòng yêu nước” vì những động cơ chính trị thấp hèn.
NGUYỄN VĂN MINH
Nguồn: qdnd.vn
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.