Khái niệm
Trên một phạm vi lãnh thổ, bao giờ cũng có dân số nam và dân số nữ cùng chung sống và số lượng nam, nữ thường có mối tương quan với nhau; từ đó hình thành nên Cơ cấu dân số theo giới tính (hay cơ cấu nam nữ). Cơ cấu dân số này có sự khác nhau tùy theo lứa tuổi và có thể diễn đạt theo nhiều cách: số lượng nam trên 100 nữ, số lượng nữ trên 100 nam hoặc số lượng nam (hoặc nữ) so với tổng số dân (tính bằng %).
Nhìn chung trên thế giới, trong tổng số trẻ mới sinh thì thường có số nam nhiều hơn số nữ (tỉ số nam so với nữ thường dao động từ 103 đến 106 tùy theo từng châu lục, từng nước). Tuy nhiên người ta quan sát thấy những nước có số nữ nhiều hơn thường là những nước kinh tế phát triển (châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và New Zealand), ở đây tuổi thọ trung bình của nam giới cũng thường thấp hơn nữ giới. Trái lại, những nước có số nam trội hơn thường là những nước kinh tế chậm phát triển, tuổi thọ trung bình giữa nam và nữ không chênh nhau nhiều (đôi khi của nam cao hơn của nữ). Hiện tượng này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố xã hội. Trong đó có vấn đề chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Tại các nước kinh tế chậm phát triển tỉ số nữ giới ngày càng thấp vì mức tử vong của các bà mẹ và các em gái còn cao. Những nước có số nam trội hơn là những nước thuộc khu vực Nam Á và Trung Quốc.
Xem thêm: Cơ cấu dân số theo độ tuổi
Cơ cấu dân số theo giới tính còn có sự khác nhau rõ rệt giữa thành thị và nông thôn. Sự khác nhau này phụ thuộc vào nhiều nhân tố như kinh tế, văn hóa, xã hội ở từng nơi và trong từng thời gian cụ thể. Tính chất và nhu cầu lao động cũng có ảnh hưởng nhiều đến cấu trúc dân số theo giới tính giữa hai khu vực nói trên. Chẳng hạn ở các khu công nghiệp nặng và lao động nặng nhọc (luyện kim, khai mỏ,…) thường có số nam cao hơn, trái lại ở các khu công nghiệp nhẹ (dệt, may) lại thường có số nữ cao hơn.
Các nhân tố ảnh hưởng tới cơ cấu dân số theo giới tính
Theo các số liệu thống kê thì khi mới sinh ra, nam nhiều hơn nữ nhưng trong quá trình phát triển, sự chênh lệch giữa nam và nữ ngày càng giảm bớt. Xem xét theo từng lứa tuổi, người ta thấy từ độ tuổi trưởng thành trở lên sự chênh lệch gần như không đáng kể. Số liệu vào lúc sơ sinh thì nam nhiều hơn (hơn 4 triệu so với số trẻ sơ sinh nữ) nhưng tổng số nam trên thế giới tính ở mọi lứa tuổi chỉ nhiều hơn tổng số nữ khoảng 25 triệu. Cơ cấu dân số theo giới tính chịu tác động của những yếu tố như:
• Chiến tranh là một nguyên nhân quan trọng gây ra sự chết chóc hàng loạt trong một thời gian ngắn và đã làm đảo lộn kết cấu nam nữ. Trong chiến tranh, đa số tử vong thuộc về nam giới và sự mất mát này ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu dân số theo giới tính của nhiều nước và hậu quả thường kéo dài qua nhiều thế hệ. Ví dụ, Thụy Điển không có chiến tranh từ năm 1813 nên số nam và nữ ở độ tuổi 30 – 50 gần như ngang nhau. Trong khi đó, ở Liên bang Nga sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tương quan giữa số nam và nữ trên tổng số dân là 45% và 55%.
• Sự chênh lệch về điều kiện sống và làm việc của nam và nữ cũng như tình trạng kém về chăm sóc sức khỏe có thể làm tăng tỉ lệ tử vong của phụ nữ khi sinh đẻ. Trong khi đó những tệ nạn xã hội (nghiện rượu, ma túy…) làm chết người ở nam giới nhiều hơn. Mặt khác, nam giới thường làm việc trong các điều kiện nặng nhọc, vất vả hơn nữ giới và điều đó cũng có nhiều ảnh hưởng tới mức tử vong của nam.
• Mức độ phát triển kinh tế cũng có tác động đáng kể đến cấu trúc dân số theo giới tính. Ở các nước kinh tế phát triển thường có hiện tượng tỉ lệ tử vong cao hơn ở nam giới. Trong khi đó ở các nước đang phát triển, mức tử vong của nữ giới lại có phần trội hơn, đặc biệt ở các bà mẹ khi sinh đẻ và ở các em gái do tình trạng thiếu chăm sóc hoặc nuôi dưỡng.
Một dữ liệu quan trọng để đánh giá sự chênh lệch về mức tử vong giữa hai giới là tuổi thọ trung bình. Tuổi thọ trung bình của giới này so với giới kia càng chênh lệch bao nhiêu thì cấu trúc nam nữ càng thay đổi bấy nhiêu. Ở phần lớn các nước trên thế giới, tuổi thọ của nữ cao hơn tuổi thọ của nam. Ở nhiều nước phát triển (châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Úc) mức chênh lệch cao nhất có thể lên đến 5 – 8 tuổi nghiêng về nữ. Trong khi đó ở các nước kém phát triển (Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Iraq, Nepan…) tuổi thọ trung bình của nữ thấp hơn. Bình quân trên toàn thế giới, tuổi thọ trung bình của nữ cao hơn của nam là 2,6 tuổi.
• Việc chuyển cư cũng có nhiều tác động đến sự thay đổi cơ cấu dân số theo giới tính, nhất là đối với từng khu vực, từng quốc gia ở từng thời điểm cụ thể. Số người xuất cư từ nước này sang nước khác tìm kiếm công việc phần đông là nam giới và do đó, ảnh hưởng ít nhiều tới cơ cấu dân số theo giới tính của cả hai quốc gia.
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.