122 lượt xem

Sơ đồ tư duy là gì? Cách vẽ sơ đồ tư duy đẹp, dễ ghi nhớ

Sơ đồ tư duy là một phương pháp hệ thống kiến thức vô cùng hiệu quả không chỉ dành cho học sinh, sinh viên mà còn cho người đi làm. Phương pháp này được khuyến khích áp dụng cho giáo dục và các lĩnh vực khác nữa. Vậy nếu bạn muốn hiểu thêm sơ đồ tư duy là gì và cách vẽ sơ đồ tư duy như thế nào thì hãy đọc tiếp bài viết nhé!

I. Sơ đồ tư duy là gì?

1. Định nghĩa sơ đồ tư duy

Sơ đồ tư duy hay “mindmap” là phương pháp hệ thống hóa thông tin, kiến thức bằng các hình ảnh, ký tự sinh động, nhiều màu sắc và có tính tổ chức cao. Sơ đồ tư duy giúp cho bộ não của chúng ta dễ dàng cấu trúc, sắp xếp lại các ý tưởng, thông tin một cách trực quan, dễ nhớ, dễ hiểu, phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và lên ý tưởng.

2. Bản chất của sơ đồ tư duy

Bản chất của sơ đồ tư duy là một sơ đồ rẽ nhánh, được xây dựng bắt nguồn từ một chủ đề, từ khóa chính của vấn đề đang nghiên cứu. Từ từ khóa chính đó, phân ra các nhánh nhỏ và các nhánh nhỏ tiếp tục phân tách thêm không giới hạn, tùy thuộc vào lượng ý tưởng, thông tin. Giữa các thành phần được vẽ liên kết với nhau bằng ký hiệu mũi tên thể hiện mối liên hệ giữa các thông tin với nhau. Sơ đồ tư duy không có một khung, sườn nhất định mà tùy thuộc vào chủ đề, sự sáng tạo của người vẽ. Bạn có thể vẽ sơ đồ tư duy trên giấy hoặc sử dụng các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ để vẽ trên máy tính.

Tuyển dụng có thể bạn quan tâm, việc làm Thiết kế đồ họa:

– Nhân viên Graphic Designer (phòng Marketing)

– UX/UI Designer (website TGDĐ/ĐMX)

II. Ưu – nhược điểm của sơ đồ tư duy

Ưu điểm của sơ đồ tư duy thứ nhất là sự trực quan, thay vì một đoạn văn bản dài, sử dụng sơ đồ tư duy sẽ khiến cho thông tin được tổng hợp, sắp xếp logic, từ vấn đề gốc rễ cho đến các vấn đề liên quan, rất dễ hình dung khi nhìn vào. Ưu điểm thứ hai là sơ đồ tư duy rất dễ vẽ, chỉ cần một số dụng cụ đơn giản và chủ đề rõ ràng thì tất cả mọi người đều có thể tự mình vẽ được sơ đồ tư duy. Ưu điểm thứ ba là sự linh hoạt, khác với các sơ đồ có cấu trúc có sẵn, sơ đồ tư duy không có một khung cụ thể mà người dùng có thể linh hoạt vẽ theo ý thích, thêm màu sắc, hình ảnh, ký hiệu, trình bày theo phong cách cá nhân.

Nói về nhược điểm của sơ đồ tư duy thì không có nhiều vì ưu điểm hay lợi ích của nó mang lại chiếm ưu thế hơn. Nhược điểm thứ nhất là mất thời gian, khi lượng thông tin, dữ liệu quan sát quá nhiều thì việc tổng hợp ý để vẽ sơ đồ tư duy sẽ khiến bạn mất khá nhiều thời gian. Nhược điểm thứ hai, có thể gọi là khó khăn khi dùng sơ đồ tư duy đó là việc mã hóa cho người khác. Vì sơ đồ tư duy là “sản phẩm” từ suy nghĩ cá nhân nên mỗi người sẽ có cách trình bày, sắp xếp khác nhau. Do đó, nếu người vẽ trình bày quá rắc rối thì mọi người sẽ khó mà hiểu được nội dung họ muốn truyền đạt.

Xem thêm  Số 111 có ý nghĩa gì? #4 ý nghĩa số 111 có thể bạn chưa biết

III. Lợi ích sử dụng sơ đồ tư duy

– Dễ dàng hệ thống thông tin: sơ đồ tư duy đem đến cho người xem một cái nhìn tổng quan nhất về vấn đề, kiến thức đang được đề cập đến. Khi nhìn qua sơ đồ tư duy, người xem có thể nhanh chóng biết được nội dung chính của vấn đề, nắm được các ý chính và và ý nhỏ quan trọng.

– Kích thích não bộ tư duy: trong quá trình xây dựng sơ đồ tư duy, bạn sẽ phải phải vận dụng sự suy nghĩ, tưởng tượng và tư duy rất nhiều của não bộ để biến lượng lớn thông tin văn bản thành hình ảnh, biểu tượng, ký hiệu trực quan. Điều này giúp cho bộ não được luyện tập và ngày càng được phát triển hơn về tư duy.

– Kích thích sự sáng tạo của não bộ: sơ đồ tư duy được thể hiện tùy theo ý của mỗi người nên điều này sẽ khiến bạn tự sáng tạo ra một sơ đồ riêng của bản thân. Bạn sẽ phải động não tìm cách thể hiện sơ đồ tư duy như thế nào là tốt nhất, sử dụng màu sắc, hình ảnh, cách liên kết, chú thích như thế nào để khiến bản thân dễ hiểu. Vì vậy, sự sáng tạo sẽ được thể hiện rõ ràng thông qua sơ đồ tư duy của chính bạn.

– Liên kết các thông tin một cách có hệ thống: sơ đồ tư duy sử dụng từ ngữ trọng tâm, ngắn gọn và sắp xếp theo sự liên kết về nội dung, từ vấn đề gốc đến vấn đề con. Điều này giúp bạn dễ dàng liên kết các vấn đề một cách nhanh chóng và khoa học nhất.

– Nâng cao chất lượng công việc và học tập: việc sử dụng sơ đồ tư duy thường xuyên kích thích bộ não bạn hoạt động và sáng tạo nhiều hơn, giúp cho bạn thông minh hơn mỗi ngày. Vì vậy, dù bạn đang đi học hay đi làm thì điều này cũng giúp bạn tư duy logic, phân tích sâu sắc và đưa ra các ý tưởng chất lượng hơn. Từ đó nâng cao chất lượng, hiệu suất công việc và học tập của bạn.

IV. Các loại sơ đồ tư duy phổ biến hiện nay

1. Circle Map – Sơ đồ tư duy vòng tròn

Sơ đồ tư duy vòng tròn là sơ đồ được thiết kế gồm một vòng tròn lớn bên ngoài và một vòng tròn nhỏ bên trong. Vòng tròn nhỏ bên trong thể hiện chủ đề, ý tưởng trọng tâm, còn vòng tròn lớn bên ngoài liệt kê những ý phụ, ý bổ trợ cho chủ đề trung tâm. Mục đích của sơ đồ tư duy vòng tròn là để Brainstorm một ý tưởng hoặc một chủ đề nào đó bằng cách sử dụng các thông tin mà chúng ta đã biết.

2. Bubble Map – Sơ đồ tư duy bong bóng

Sơ đồ tư duy bong bóng là sơ đồ được thiết kế gồm một hình tròn nhỏ ở trung tâm và các bong bóng hình tròn bao xung quanh. Hình tròn nhỏ thể hiện vấn đề chính như mục đích, mục tiêu còn các bong bóng xung quanh thể hiện bản chất, hành động, các ý tưởng cụ thể để bổ sung đầy đủ ý nghĩa cho vấn đề trong hình tròn nhỏ. Sơ đồ tư duy bong bóng thường được dùng để thiết lập mục tiêu, mô tả phân khúc khách hàng,…

3. Double Bubble Map – Sơ đồ tư duy bong bóng kép

Sơ đồ tư duy bong bóng đôi hay còn gọi là biểu đồ Venn là sơ đồ so sánh sự tương đồng và khác nhau giữa hai chủ đề, đối tượng. Hai vòng tròn trung tâm chứa hai chủ đề, đối tượng chính. Phần bong bóng giao nhau của 2 vòng tròn là nơi chứa các điểm tương đồng còn các bong bóng còn lại xung quanh 2 vòng tròn trung tâm xác định sự khác biệt giữa 2 chủ đề, đối tượng. Loại sơ đồ tư duy này được dùng khi có các khái niệm, ý tưởng, đối tượng cần so sánh một cách trực quan. Đặc biệt là khi cần đưa ra quyết định lựa chọn quan trọng thì sơ đồ này sẽ giúp bạn đánh giá toàn diện hơn để quyết định đúng đắn.

4. Tree Map – Sơ đồ tư duy hình cây

Sơ đồ cây là sơ đồ được thiết kế giống như một cái cây phân ra nhiều nhánh với phần trên cùng thể hiện nội dung chính, chủ đề chính và các phần nhỏ được phân rẽ mô tả chủ đề phụ, thông tin liên quan hoặc nội dung chi tiết. Sơ đồ cây không giới hạn số lượng phân nhánh, các thông tin được phân nhánh và liệt kê xuống phía dưới cho đến khi đầy đủ. Đây là loại sơ đồ khá phổ biến, học sinh và sinh viên dùng để hệ thống lại lượng kiến thức lớn của các môn học. Ngoài ra, trong công việc, sơ đồ này cũng được dùng để xây dựng kế hoạch, liệt kê các nhiệm vụ cụ thể.

5. Flow Map – Sơ đồ tư duy luồng

Sơ đồ tư duy luồng được thiết kế khá giống với một lưu đồ (flowchart), biểu diễn trực quan về quá trình, tiến trình hoặc tổ hợp các hướng dẫn theo một trình tự nhất định. Chủ đề chính thường được gắn ở ngoài cùng bên trái của sơ đồ. Các khung hình chữ nhật được nối tiếp nhau, ở giữa là các mũi tên, tạo thành từng bước trong tiến trình của một chủ đề nào đó. Loại sơ đồ này thường được sử dụng để hướng dẫn các bước thực hiện cho một nhiệm vụ, một công thức hoặc trình bày hành trình, quá trình của một sự việc nào đó.

Xem thêm 

6. Multi Flow – Sơ đồ tư duy đa luồng

Sơ đồ tư duy đa luồng là sơ đồ được thiết kế với 3 thành phần gồm: ô trung tâm ở giữa thể hiện sự kiện chính, nội dung của các ô bên trái thể hiện nguyên nhân dẫn đến sự kiện chính còn phần nội dung trong các ô bên phải thể hiện kết quả hoặc dự đoán xảy ra từ sự kiện chính. Giữa 3 thành phần là các mũi tên để thể hiện sự liên quan giữa các sự kiện với nhau, tùy vào từng tình huống và sự việc mà chiều mũi tên sẽ được thể hiện khác nhau. Sơ đồ tư duy đa luồng giúp bạn dự đoán được kết quả sẽ xảy ra từ một vấn đề, sự kiện hoặc tìm ra các phương pháp để đạt được kết quả mong muốn. Đây là một trong những sơ đồ linh hoạt nhất trong các sơ đồ tư duy.

7. Brace Map – Sơ đồ tư duy dấu ngoặc “{“

Sơ đồ Brace được thiết kế gồm các dấu ngoặc nhọn từ lớn đến nhỏ giúp phân tích, liệt kê đầy đủ các thành phần của một vấn đề đang phân tích. Về mặt trực quan, sơ đồ Brace trông giống như sơ đồ cây nhưng nằm ngang. Tuy nhiên sơ đồ Brace thiên về mặt phân tách còn sơ đồ cây thiên về khái niệm hơn. Sơ đồ Brace có thể được sử dụng cho học tập đặc biệt là trong công việc khi muốn hình dung tất cả các thành phần của một chủ thể như nhân sự của công ty hoặc của các phòng ban.

8. Bridge Map – Sơ đồ tư duy hình cầu

Sơ đồ Bridge là một sơ đồ được thiết kế nằm ngang, thể hiện những thành phần tương đồng, những điểm giống nhau cho cùng một vấn đề, mỗi thành phần được ngăn cách bởi dấu hiệu hình tam giác có chữ “as” bên trong. Sơ đồ Bridge có thể được sử dụng để tạo những tình tiết, ý tưởng có sự tương quan với nhau cho một tác phẩm bằng văn bản, thể hiện các thành phần có dinh dưỡng tương đương trong khẩu phần ăn,…

V. Nguyên tắc và cách tạo sơ đồ tư duy hiệu quả

1. Chuẩn bị các dụng cụ cơ bản

Bạn có thể lựa chọn tạo sơ đồ tư duy bằng cách vẽ tay hoặc bằng các công cụ, phần mềm trên máy tính. Mỗi cách đều có những ưu điểm riêng, đối với vẽ tay thì bạn sẽ thỏa sức sáng tạo, tô vẽ đầy màu sắc tùy thích, còn chọn công cụ trên máy tính thì rất tiện lợi khi copy tài liệu sang. Những thứ bạn cần chuẩn bị là toàn bộ tài liệu cần thiết và các dụng cụ cơ bản như giấy vẽ, bút, màu, cục tẩy (nếu vẽ tay).

2. Cách vẽ sơ đồ tư duy đẹp, sáng tạo

– Xác định rõ ý chính của sơ đồ tư duy: việc đầu tiên khi bắt đầu vẽ sơ đồ tư duy là bạn phải tổng hợp lại toàn bộ thông tin, kiến thức và xác định chủ đề chính hay cụm từ khóa thể hiện ngắn gọn nhưng rõ ý chính của vấn đề cần phân tích.

– Vẽ chủ đề ở trung tâm sơ đồ tư duy: sau khi đã xác định chủ đề, bạn tiến hành vẽ sơ đồ trên giấy vẽ, bắt đầu từ ô chủ đề ở trung tâm. Nên chọn vị trí phù hợp với từng loại sơ đồ, ước lượng sao cho không bị thiếu giấy khi vẽ tiếp các thành phần.

– Thêm vào các nhánh thích hợp: từ ô chủ đề chính, bạn vẽ tiếp các nhánh nhỏ thể hiện các ý phụ, chủ đề phụ bổ trợ nội dung cho chủ đề chính. Bạn có thể sáng tạo vẽ các nhánh với hình dạng khác nhau, sắp xếp sao cho dễ nhìn thấy nhất.

– Vẽ thêm các nhánh cấp 2, cấp 3: từ các nhánh cấp 1, bạn tiếp tục thể hiện các ý nhỏ bằng các nhánh cấp 2, cấp 3. Cứ tiếp tục vẽ phân nhánh cho đến khi liệt kê đầy đủ nội dung cần thiết.

– Sử dụng từ khóa phù hợp cho mỗi nhánh: để sơ đồ tư duy trở nên dễ hiểu hơn thì bạn cần thêm chú thích, từ khóa cho mỗi nhánh. Các từ khóa này phải thật ngắn gọn, bổ sung ý nghĩa cho nhánh đó.

– Chọn màu khác nhau cho các nhánh: muốn sơ đồ tư duy trở nên sinh động và rõ ràng, trực quan hơn thì bạn nên tô màu khác nhau cho các nhánh khác nhau, các ô liên quan thì tô cùng màu.

Xem thêm 

– Kết hợp nhiều hình ảnh minh họa: yếu tố quan trọng giúp cho sơ đồ tư duy của bạn đẹp hơn, độc đáo và dễ nhớ đó là hình ảnh minh họa. Vì bộ não của chúng ta tiếp thu thông tin từ hình ảnh nhanh hơn nên hãy sử dụng nhiều hình ảnh minh họa sinh động. Thêm yếu tố này chắc chắn bạn sẽ hài lòng với sơ đồ của mình.

VI. Công vụ và phần mềm hỗ trợ vẽ sơ đồ tư duy

1. Canva

Canva là phần mềm thiết kế online nổi tiếng được ra mắt vào năm 2012, cung cấp rất đa dạng các mẫu thiết kế trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có mẫu thiết kế sơ đồ tư duy. Để thiết kế nhanh sơ đồ tư duy của mình, bạn chỉ cần nhấn chọn một mẫu trong bộ sưu tập khổng lồ có sẵn trên Canva sau đó chỉnh sửa, thêm thông tin, dữ liệu cho sơ đồ cũng như thay đổi font chữ, màu sắc, sticker tùy thích. Ngoài ra bạn cũng có thể tự mình thiết kế toàn bộ sơ đồ tư duy sử dụng các khung, hình khối có sẵn. Sau khi thiết kế xong, Canva sẽ hỗ trợ bạn xuất file với độ phân giải cao dưới các dạng JPG, PNG, PDF, Video MP4 và GIF. Ưu điểm của Canva là sử dụng cơ bản miễn phí, tiện lợi chia sẻ, tải về đa dạng loại file, mẫu template đa dạng, sáng tạo do người dùng tạo ra.

2. Edraw Mind Map

Edraw Mind Map là một phần mềm chuyên tạo sơ đồ tư duy online, hỗ trợ người dùng phác thảo ý tưởng, suy nghĩ, kế hoạch một cách dễ dàng. Phần mềm này cung cấp đến 600 mẫu sơ đồ có sẵn cùng các thành phần có sẵn dành riêng cho việc vẽ sơ đồ tư duy. Bạn có thể dễ dàng chia sẻ sơ đồ trực tuyến cho những người cộng sự. Ưu điểm của Edraw là phần mềm chuyên dụng cho sơ đồ tư duy, cung cấp số lượng lớn template có sẵn, sử dụng miễn phí, chia sẻ dễ dàng trên nền tảng online.

3. Textize MindMap

Textize MindMap là một phần mềm thiết kế sơ đồ tư duy đặc biệt vì được phát triển hoàn toàn bởi người Việt, đây không phải là phần mềm online như hai loại trên, bạn cần tải về nếu muốn sử dụng. Ưu điểm của Textize Mindmap là hỗ trợ tạo bản đồ tư duy cực nhanh, chỉ cần gõ nội dung và sử dụng phím Tab, lưu trữ tất cả sơ đồ tư duy đã tạo trên đám mây, xuất sơ đồ ra ảnh PNG với độ nét cao, size lớn, quản lý mindmap thuận tiện bằng Treeview.

4. Diagram

Diagram (trước đây là Draw.io) là một website hỗ trợ vẽ trực tuyến, cung cấp đa dạng các loại biểu đồ, hình khối, biểu tượng dành cho việc vẽ biểu đồ hoặc sơ đồ. Bạn có thể truy cập website và vẽ sơ đồ ngay mà không cần đăng nhập. Điểm khác biệt của website này là sử dụng nền giấy kẻ ô rất thú vị và có rất nhiều biểu tượng, ký hiệu đa dạng, mới lạ. Ưu điểm của website này là sử dụng hoàn toàn miễn phí, truy cập nhanh chóng, hỗ trợ lưu ở nhiều dạng khác nhau, chia sẻ dễ dàng. Tuy nhiên nó không có sẵn các template như các phần mềm khác.

5. Ayoa (iMindMap)

Ayoa là một phần mềm offline không chỉ là công cụ vẽ sơ đồ tư duy mà còn hỗ trợ tính năng quản lý tác vụ. Bạn sẽ được học hỏi cách tạo lập, theo dõi, phân công nhiệm vụ một cách khoa học. Ưu điểm của Ayoa là sử dụng miễn phí, hỗ trợ tạo sơ đồ tư duy chi tiết, rõ ràng, cung cấp tính năng quản lý công việc, phân công nhiệm vụ, cho phép cộng tác giữa các thành viên.

Link tải Ayoa

6. PowerPoint

Powerpoint là công cụ thiết kế bản thuyết trình rất quen thuộc với mọi người, ngoài ra ứng dụng được phát triển bởi Microsoft này cũng hỗ trợ người dùng vẽ biểu đồ, sơ đồ đơn giản. Bạn có thể truy cập ngay vào phần mềm Powerpoint có sẵn trên máy tính và sử dụng mà không cần thực hiện các thao tác tải hay truy cập khác. Ưu điểm của Powerpoint khi dùng để vẽ sơ đồ tư duy là giao diện vô cùng quen thuộc, sử dụng dễ dàng, thao tác nhanh chóng, không cần học hỏi thêm cách dùng.

Xem thêm:

– Storytelling là gì? Nguyên tắc xây dựng Content Storytelling thu hút

– Case Study là gì? Các bước triển khai Case Study hoàn chỉnh

– Kỹ năng lập kế hoạch: Vai trò, phương pháp, quy trình lập kế hoạch

Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ hiểu được sơ đồ tư duy là gì và biết cách tự tạo nên một sơ đồ tư duy thật hiệu quả trong học tập hoặc công việc. Hãy chia sẽ bài viết này nếu thấy nó bổ ích nhé!

Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.