Kiểm soát quyền lực được hiểu là hệ thống những cơ chế, hoạt động được thực hiện bởi các chủ thể xã hội, bằng các cách thức, biện pháp, phương tiện khác nhau nhằm giữ cho việc thực thi quyền lực đúng mục đích và hiệu quả. Tiếp cận thiết chế chính trị – pháp luật, hệ thống quan hệ quyền lực và cơ chế kiểm soát quyền lực trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam thể hiện trên các khía cạnh sau:
Một là, tính tất yếu, khách quan và phổ biến của quan hệ quyền lực và kiểm soát quyền lực trong xã hội hiện đại. Quan hệ quyền lực và kiểm soát quyền lực là một trong những vấn đề trung tâm trong đời sống chính trị của mỗi quốc gia. Quyền lực luôn mang tính hai mặt, một mặt, là yếu tố không thể thiếu để tổ chức và quản lý xã hội; mặt khác, nó luôn tiềm ẩn nguy cơ bị tha hóa dẫn đến sự chuyên quyền, độc đoán, đi ngược lại với lợi ích của đa số nhân dân. Trong điều kiện của chế độ dân chủ, kiểm soát quyền lực luôn là một yêu cầu tự thân. Để loại bỏ nguy cơ lạm quyền hay thiết lập quyền lực tuyệt đối, nhà nước pháp quyền luôn phải được tổ chức và hoạt động trên nền tảng của nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Việc xác định rõ giới hạn quyền lực và thủ tục thực hiện quyền lực của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, vừa bảo đảm tính thống nhất, tính hệ thống của quyền lực, vừa bảo đảm không một thiết chế quyền lực nào có thể nằm ngoài sự kiểm soát(1). Sự chi phối mọi hoạt động đối với bộ máy nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp) của các đảng chính trị bằng các hình thức khác nhau và mức độ khác nhau vì lợi ích của các giai cấp mà đảng phái đó đại diện. Cho dù là nhà nước “tam quyền phân lập” hay nhà nước trong các thể chế chính trị khác thì cũng đều chú trọng đặc biệt đến việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực đối với từng chủ thể trong hệ thống chính trị và đối với toàn bộ hệ thống chính trị(2).
Hai là, trên thế giới, tùy thuộc vào lịch sử, văn hóa và điều kiện cụ thể để từng quốc gia, dân tộc lựa chọn và thực hiện mô hình kiểm soát quyền lực khác nhau. Nhiều quốc gia tổ chức quyền lực nhà nước dựa trên học thuyết phân quyền. Tuy nhiên, việc vận dụng học thuyết đó hết sức đa dạng, không giống nhau. Có nước thì phân quyền cứng rắn theo chính thể cộng hòa tổng thống (Mỹ); có nước thì phân quyền mềm dẻo theo chính thể cộng hòa đại nghị (Đức) hay chính thể quân chủ lập hiến (Anh); ngược lại, có nước phân quyền theo chính thể cộng hòa lưỡng tính (Nga, Pháp). Có nước giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp không có sự độc lập, đối trọng chế ước lẫn nhau (Anh) mà dựa vào phe đối lập thiểu số trong nghị viện. Có nước giữa quyền lập pháp và quyền hành pháp lại độc lập, kiềm chế và đối trọng một cách cứng rắn (Mỹ); có nước kiềm chế, đối trọng một cách mềm dẻo giữa các quyền (Đức). Sự khác nhau này là do tổ chức quyền lực nhà nước về phương diện chính trị và kỹ thuật pháp lý, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố từ tương quan lực lượng giữa các giai cấp, nhất là trong nội bộ của giai cấp cầm quyền, từ đặc thù của cuộc đấu tranh giai cấp ở trong nước và trên trường quốc tế, tư tưởng lập hiến của những người đương thời… Vì thế, không thể nói phân quyền theo nước này tốt, nước kia không tốt, theo mô hình này thì dân chủ, theo mô hình kia thì không dân chủ. Do vậy, tuyệt nhiên không có sự sao chép, rập khuôn máy móc mô hình phân quyền của nước này cho nước kia; đòi hỏi tổ chức quyền lực nhà nước của nước này phải giống nước kia mới có dân chủ và nhân quyền như một số người mong muốn(3).
Ba là, yếu tố đặc biệt có tính cốt lõi của quan hệ quyền lực và cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên trong ở Việt Nam là do các chủ thể là cơ quan nhà nước trực tiếp vận hành. Đây chính là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp kiểm soát lẫn nhau và kiểm soát bên trong của mỗi quyền. Cơ chế kiểm soát bên trong giúp cho bộ máy nhà nước tránh được những nguy cơ đe dọa phá vỡ tính thống nhất và sự vận hành có hiệu quả cao của cả bộ máy nhà nước; đồng thời, giữ cho các cơ quan nhà nước luôn duy trì được mối quan hệ nội tại với nhau với tư cách là bộ phận của một bộ máy chỉnh thể. Mặt khác, để bảo đảm sự hợp lý trong việc phân công, phối hợp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước nhằm duy trì sự kiểm soát, chế ước, phát hiện và xử lý kịp thời những biểu hiện không đúng, không hiệu quả trong việc thực hiện quyền lực nhà nước được giao(4). Một trong những phương thức quan trọng để kiểm soát quyền lực nhà nước là tổ chức bộ máy nhà nước sao cho các cơ quan quyền lực nhà nước hoặc thực thi quyền lực nhà nước vừa thống nhất phối hợp hành động, vừa kiểm soát lẫn nhau để không một cơ quan nào có thể lạm quyền(5).
Bốn là, yếu tố đặc biệt, bao trùm và đặc thù của vị thế nhân dân với tư cách là chủ thể tối cao, chủ thể gốc của quyền lực nhà nước, đồng thời cũng là chủ thể trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam. Ðiều 2, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Chế định của Hiến pháp nước ta đã nói lên vấn đề có tính nguyên lý của mọi nền dân chủ, mà Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Nguồn gốc quyền lực nhà nước là từ nhân dân. Bản thân Nhà nước, cơ quan nhà nước, công chức, viên chức nhà nước không có quyền, mà chỉ nhận sự ủy quyền của nhân dân, thay mặt nhân dân thực thi quyền lực của nhân dân. Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, nên nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước là một tất yếu, chính đáng. Phương tiện để nhân dân giao quyền, ủy quyền quyền lực nhà nước của mình là thực hành quyền lập hiến. Bằng quyền lập hiến của mình, nhân dân ủy thác quyền lập pháp cho Quốc hội, quyền hành pháp cho Chính phủ và quyền tư pháp cho tòa án(6).
Thực tiễn cho thấy, việc đề cao chủ quyền nhân dân thể hiện một cách sâu sắc sự hòa hợp dân tộc, sự hài hòa về lợi ích và sự đồng thuận xã hội nhằm tạo nên sức mạnh để phát triển đất nước. Hiến pháp không chỉ ghi nhận lợi ích của nhân dân, dân tộc mà còn thể hiện lợi ích của các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội(7). Quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được bảo đảm; bộ máy nhà nước từng bước được đổi mới trong tổ chức và hoạt động theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ngày càng được định hình rõ nét và góp phần hạn chế tình trạng tha hóa quyền lực(8).
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.