CGI là gì?
CGI được viết tắt của Computer Generated Imagery, dịch ra có nghĩa là Hình ảnh được tạo ra từ máy tính. Công nghệ này sử dụng đồ họa của máy tính để tạo ra các hình ảnh trong nghệ thuật, trò chơi điện tử, mô phỏng hình ảnh trong phim, hoạt hình, phim ngắn, quảng cáo và các hình thức hình ảnh, video khác.
Hình ảnh được tạo ra từ CGI có thể là ảnh tĩnh hoặc ảnh động, hay còn được gọi là hoạt hình máy tính. CGI có thể tạo ra hình ảnh hai chiều 2D và ba chiều 3D nhưng nó phổ biến và được nổi tiếng nhất ở việc vẽ ra hình ảnh 3D để tạo nên các nhân vật, cảnh tượng và hiệu ứng trong các bộ phim điện ảnh nổi tiếng.
Bộ phim đầu tiên trong lịch sử sử dụng CGI được biết đến là Westworld vào năm 1973 của đạo diễn Michael Crichton. Tiếp theo đó, các bộ phim nổi tiếng khác như Star Wars (1977), Tron (1982), Golgo 13: The Professional (1983), The Last Starfighter (1984),… Sự phát triển của CGI dẫn đến sự ra đời của kỹ thuật quay phim ảo vào năm 1990, đưa ngành công nghiệp làm phim đến những bước tiến mới với những bộ phim có chất lượng đồ họa tuyệt vời, người xem đắm chìm trong thế giới ảo huyền bí và hấp dẫn.
CGI được tạo ra như thế nào?
CGI được tạo ra bằng nhiều phương pháp khác nhau, cụ thể:
- Sử dụng các thuật toán có thể tạo ra các mẫu fractal phức tạp.
- Tạo ra các hình ảnh dạng vector dựa trên pixel 2D bằng trình chỉnh sửa hình ảnh.
- Phần mềm đồ họa 3D tạo ra mọi thứ từ các hình dạng đơn giản đến phức tạp từ các hình tam giác và tứ giác phẳng.
Phần mềm 3D có thể mô phỏng lại cách ánh sáng phản ứng với bề mặt và tạo ra Particle Effect (tạm dịch: hiệu ứng hạt).
CGI thường được xếp vào các ảnh quay kỹ thuật số sử dụng kỹ xảo tổng hợp hay kỹ xảo phông xanh (Compositing).
Những công dụng tuyệt vời của công nghệ CGI
Trước khi có công nghệ CGI, các hiệu ứng đặc biệt trong phim thường được tạo ra bằng cách làm các hiệu ứng có thật, dẫn đến chi phí rất cao vì làm hư hại đến nhiều tài sản. Nhưng với sự xuất hiện của công nghệ này, những bộ phim điện ảnh đã có thể tiết kiệm chi phí hơn. Sau đây là những công dụng tuyệt vời của công nghệ CGI được các nhà làm phim sử dụng:
- Hình ảnh hóa trước (Pre-visualization): Pre-visualization hay pre là phương pháp mà các nghệ sĩ có thể mô phỏng các cảnh quay người thật đóng bằng các mô hình máy tính 3D. Nhờ vậy, đạo diễn và người quay phim có thể xem trước mô phỏng một cảnh quay cụ thể nào đó. Điều này cho phép các ý tưởng được thử nghiệm theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt là những ý tưởng phức tạp và khó thực hiện trong thực tế.
- Dựng mô hình 3D (3D Modelling): Các nghệ sĩ có thể dùng CGI để tạo ra mô hình 3D cho bất kỳ vật thể, bề mặt hoặc sinh vật nào như quái vật chẳng hạn. Ngoài ra, CGI có thể thêm hình ảnh vào cảnh quay như đám đông thường dân hoặc các tòa nhà, kiến trúc.
- Hoạt hình 3D (3D Animation): Máy tính có thể tạo ra một thực tế ảo hay thế giới hoạt hình bao gồm toàn bộ cảnh vật và các nhân vật sống trong đó.
- Tạo các hiệu ứng đặc biệt khác (Special effects): Công nghệ CGI có thể thay đổi màu sắc, ánh sáng, diện mạo khuôn mặt, cơ thể diễn viên và các chi tiết khác, khiến cho nhân vật được mô phỏng giống như thật. CGI cũng có thể mô phỏng lại mưa bão, thiên tai và các hiệu ứng cảnh vật khác.
Ví dụ của CGI trong những bộ phim nổi tiếng
Nhờ sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ mà CGI đã trở nên phổ biến từ những bộ phim có kinh phí trung bình cho đến những bom tấn điện ảnh toàn cầu. Dưới đây là một số ví dụ của CGI trong những bộ phim nổi tiếng:
- Jurassic Park (1993): Bộ phim về đề tài khủng long nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử điện ảnh Jurassic Park của đạo diễn Steven Spielberg là một bước ngoặt của công nghệ CGI. Trong phim, các cảnh quay về khủng long, đặc biệt là khủng long bạo chúa velociraptor đã áp dụng CGI khiến cho các chuyển động, kết cấu da và mô được tái tạo chân thực.
- Avatar (2009): Bộ phim có doanh thu cao nhất lịch sử Avatar của đạo diễn James Cameron sử dụng công nghệ 3D và CGI một cách tuyệt vời. Toàn bộ thế giới, cảnh vật, các sinh vật và con người sinh sống trong đó được sử dụng các mô hình phức tạp và cực kỳ chi tiết. Bộ phim đã đưa khán giả đắm chìm trong thế giới Pandora nhiều màu sắc và đẹp đẽ, ấn tượng. Đây có lẽ là một trong những bộ phim có CGI xuất sắc nhất trong lịch sử.
- Toy Story (1995): Toy Story do John Lasseter làm đạo diễn là phim truyện dài đầu tiên được làm hoàn toàn bằng hoạt hình CGI. Bộ phim này đã tạo ra một tiêu chuẩn mới cho ngành công nghiệp phim hoạt hình ngày nay.
Đó là toàn bộ những gì bạn cần biết về công nghệ tạo hình ảnh bằng máy tính CGI. Công nghệ này hiện nay đã trở nên phổ biến, được sử dụng trong hầu hết các bộ phim bom tấn và ngày càng tiên tiến hơn. Hy vọng là bài viết đã giúp các bạn hiểu hơn về CGI. Cám ơn các bạn đã theo dõi.
Xem thêm:
- IMAX là gì? Ứng dụng công nghệ IMAX trong rạp phim
- AR là gì? Khác với VR ở đâu?
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.