1. Dịch vụ hành chính công
Một trong những chức năng cơ bản của Nhà nước giao cho nền hành chính đảm trách là cung ứng dịch vụ công. Nền hành chính ngày càng phát triển, vì vậy dịch vụ công được mở rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, đồng thời cần phối hợp và điều hòa các nguyện vọng cá nhân với lợi ích của cộng đồng, của đất nước, hướng tới các mục tiêu của một xã hội dân chủ. Nhiều hoạt động cung ứng dịch vụ công được chuyển giao dần cho các khu vực ngoài Nhà nước thực hiện. Tức là Nhà nước không tự mình giải quyết tất cả các vấn đề xã hội mà đẩy mạnh dân chủ hóa gắn với phân quyền, xã hội hóa nhằm tập trung thực hiện tốt vai trò “lái thuyền”.
Ở nước ta, chức năng cung cấp dịch vụ công là một hoạt động thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của bộ máy hành chính nhà nước đã được pháp luật quy định trong nhiều văn bản như Hiến pháp ngày 28 tháng 11 năm 2013; Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 06 năm 2015; Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;… Các văn bản quy phạm pháp luật này đã có những tác động tích cực trong quản lý, điều hành đối với các cơ quan hành chính các cấp; vừa tăng cường kỷ cương hành chính, vừa từng bước tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quản lý hành chính nhà nước, cung cấp dịch vụ công.
Theo như cách hiểu thông thường hiện nay thì hành chính công là hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quản lý hành chính nhà nước, sử dụng nguồn lực công để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hoặc hoạt động của tổ chức, cá nhân được ủy quyền cung ứng dịch vụ công theo quy định của pháp luật. Dịch vụ công là những hoạt động thuộc về bản chất của bộ máy nhà nước. Là những hoạt động phục vụ các lợi ích chung, thiết yếu, các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức, do Nhà nước trực tiếp đảm nhận hay ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện nhằm bảo đảm trật tự, lợi ích chung và công bằng xã hội. Xét theo lĩnh vực cung ứng dịch vụ, dịch vụ công gồm 3 loại: dịch vụ công trong lĩnh vực sự nghiệp; dịch vụ công trong lĩnh vực công ích và dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính nhà nước hay còn gọi là dịch vụ hành chính công. Như vậy, dịch vụ hành chính công là một bộ phận cấu thành của dịch vụ công và được hiểu như sau:
“Dịch vụ hành chính công là một loại hình dịch vụ công do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện để phục vụ các quyền và nghĩa vụ cơ bản của các tổ chức và công dân. Nói cách khác, dịch vụ hành chính công là những hoạt động phục vụ các quyền và nghĩa vụ cơ bản của các tổ chức và công dân, do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện dựa vào thẩm quyền hành chính – pháp lý của Nhà nước” (theo Nguyễn Ngọc Hiến (chủ biên), Hành chính công, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, năm 2006).
Cũng theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ, “dịch vụ hành chính công là những dịch vụ liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật, không nhằm mục tiêu lợi nhuận, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức các loại giấy tờ có giá trị pháp lý trong các lĩnh vực mà cơ quan nhà nước đó quản lý. Mỗi dịch vụ hành chính công gắn liền với một thủ tục hành chính để giải quyết hoàn chỉnh một công việc cụ thể liên quan đến tổ chức, cá nhân”.
2. Các loại hình và đặc điểm của dịch vụ hành chính công
Dịch vụ hành chính công ở nước ta thường được thể hiện thông qua các loại hình cơ bản như sau:
Một là, các hoạt động cấp các loại giấy phép. Giấy phép là một loại giấy tờ do các cơ quan hành chính nhà nước cấp cho các tổ chức và công dân để thừa nhận về mặt pháp lý, thể hiện quyền của các chủ thể này được tiến hành một hoạt động nào đó phù hợp với các quy định của pháp luật trong lĩnh vực được cấp phép.
Hai là, các hoạt động cấp các loại giấy xác nhận, chứng thực, bao gồm: công chứng, cấp chứng minh thư nhân dân (căn cước công dân), cấp giấy khai sinh, khai tử, cấp giấy đăng ký kết hôn, cấp giấy phép lái xe, đăng ký ô tô, xe máy, tàu thuyền…
Ba là, các hoạt động cấp giấy đăng ký kinh doanh và chứng chỉ hành nghề. Giấy đăng ký kinh doanh được cấp cho chủ thể kinh doanh khi chủ thể này thành lập doanh nghiệp hoặc cơ sở kinh doanh của mình. Giấy phép hành nghề là một loại giấy tờ chứng minh chủ thể này có đủ khả năng và điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật đối với một nghề nhất định nào đó, ví dụ: giấy phép hành nghề luật sư, hành nghề khám chữa bệnh…
Bốn là, hoạt động thu các khoản đóng góp vào ngân sách và các quỹ của Nhà nước. Các hoạt động này gắn với nghĩa vụ mà Nhà nước yêu cầu các chủ thể trong xã hội phải thực hiện.
Năm là, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và xử lý các vi phạm hành chính. Hoạt động này nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của công dân trong mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với công dân.
Như vậy, có thể nói, dịch vụ hành chính công là loại dịch vụ công đặc biệt, chỉ do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện, luôn gắn liền với thẩm quyền mang tính quyền lực pháp lý, nhằm phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước và không vì mục tiêu lợi nhuận, mọi người dân có quyền ngang nhau trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hành chính công. Với tư cách là chủ thể chịu trách nhiệm cung ứng dịch vụ hành chính công, Nhà nước tham gia cung ứng dịch vụ hành chính công với tư cách trực tiếp để bảo đảm việc cung cấp đầy đủ các dịch vụ này thông qua các cơ quan, tổ chức của mình lập ra. Nhiều nước coi cải cách các dịch vụ do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện là nội dung quan trọng nhất của cải cách dịch vụ công. Bởi lẽ, sự quan tâm của người dân đang tập trung vào việc cải thiện mối quan hệ của Nhà nước đối với công dân thông qua dịch vụ công do các cơ quan hành chính nhà nước cung ứng. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước ta đang khuyến khích và thực hiện xã hội hóa các dịch vụ hành chính công. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm huy động sự tham gia rộng rãi của Nhân dân và các tổ chức vào hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công để cải thiện hiệu quả cung ứng và giảm tải áp lực cho Nhà nước. Đồng thời, Nhà nước chỉ đảm trách vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở thực hiện cung ứng dịch vụ hành chính công./.
htmlinh.snv
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.
- Errol mùa 26: Cách lên đồ, bảng ngọc, phù hiệu cho Errol rừng, top mạnh nhất
- Giải Bài Tập Ví Dụ 2 Trang 60 Vật Lý 11 : Bài 11, Tổng Hợp Bài Tập Ví Dụ 2 Trang 60 Vật Lý 11
- PRAIM – Game Iron Blade Mod: Chiến Đấu Với Quỷ Vương, Bảo Vệ Yên Bình Nước Pháp
- Chữ Người Tử Tù – Sự Hành Trình Đầy Gian Khổ Của Nguyễn Tuân
- Laminate là gì? 6 Thông tin cần biết về vật liệu Laminate này