Những người cùng chung một dòng họ gọi là gia tộc. Một gia tộc có thể có nhiều gia đình họp lại như là một đoàn thể nhỏ trong đoàn thể lớn của xã hội. Vì thế, gia tộc là cái gốc của một nước. Gia tộc không có tôn ti trật tự tất sẽ không có một nước an toàn ổn định.
Người đầu tiên tạo lập nên gia tộc gọi là Thủy Tổ. Ít có thân tộc nào hiểu được ông tổ nguyên thủy của dòng họ mình là ai.
Điều này do từ nguyên nhân: trong thân tộc, người lớp dưới không được gọi tên của người lớp trên. Ngoại trừ hoàng tộc, quan lại, những gia đình thế phiệt mới có gia phả ghi lại nguồn gốc, còn đại đa số quần chúng chỉ lưu truyền lại bằng miệng từ đời này sang đời khác.
Chỉ vì sự cử tên ấy mà nhiều thế hệ về sau không biết được tên của thế hệ trước. Người dân bình thường gọi chung những bậc tiền bối đã quá cố lâu đời là “ông sờ, ông sẫm”. Dưới đó lần lượt tiếp theo là ông bà sơ, ông bà cố, ông bà nội và cha mẹ.
Gọi theo chữ nghĩa thì cha mẹ là “phụ mẫu”, ông bà nội là “tổ phụ mẫu”, ông bà cố là “tằng tổ phụ mẫu”, ông bà sơ là “cao tằng tổ phụ mẫu”. Gọi chung những bậc trên nữa là “cao cao chi tổ”.
Từ cha mẹ trở xuống gọi là con cháu, cũng chia ra nhiều thế hệ: con, cháu, chắt, chút, chít,… Nói theo chữ nghĩa thì con là “tử”, cháu là “tôn”, chắt là “tằng tôn”, chút là “huyền tôn”, chít là “viễn tôn”.
Tính từ đời “cao cao chi tổ” đến “viễn tôn” là “cửu tộc”. Mỗi thế hệ là một đời, hay còn gọi là “đại”. Một thân tộc thường chỉ đến “tam đại đồng đường” hay “tứ đại đồng đường” (chung nhà). Ít khi nào đến được “ngũ đại”.
Từ thế hệ này tiếp nối thế hệ khác, những người trong một gia tộc như những mắt xích gắn liền, liên kết với nhau bằng tính máu mủ ruột thịt không tách rời ra được, gọi là họ nội.
Con gái có chồng thì coi là ngoại tộc (nữ nhi xuất giá ngoại tộc) vì khi có chồng, sanh con đã mang họ khác rồi.
Những người trong cùng một họ nội không được phép lấy nhau làm vợ làm chồng, vì như thế là loạn luân. Luật Chu Công đã có phép cấm đoán, mà tục lệ của dân tộc nếu làm sai cũng sẽ bị người đời chê cười, biếm nhẻ.
Đến như họ ngoại mới chỉ có một đời như con cô con cậu hay con dì cũng không được phép lấy nhau. Từ đời cháu trở đi thì có thể, vì “cháu cậu mà lấy cháu cô, thóc lúa đầy bồ giống má nhà ta”. Tục lệ này có nơi có, có nơi không. Như ở quê tôi thì không có, vì “bà con 9 đời không nhìn trời đánh”.
Trong gia đình, chú được kính trọng như cha, dì được kính trọng như mẹ. Những người này coi cháu như là con của mình (sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì).
Thế hệ trước chăm sóc, nuôi nấng thế hệ sau nên người. Thế hệ sau tôn kính, nghĩ đến công ơn cao cả của thế hệ trước. Người đã làm quan lớn, công danh thành đạt đến đâu, lúc về nhà cũng phải giữ bổn phận của mình đối với các bậc tôn trưởng. Chữ hiếu được đặt lên hàng đầu trong gia tộc.
Không giữ được chữ hiếu thì không thể có được chữ trung. Con có hiếu được người đời tôn trọng, con bất hiếu bị xã hội khinh rẻ, chê bai.
Ngày xưa, bất cứ điều gì con cái cũng phải nghe theo lời cha mẹ mới được gọi là con có hiếu (cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư). Ngày nay, cha mẹ không áp đặt tư tưởng ấy với con cái, nhưng tinh thần gia tộc vẫn không thay đổi.
TRÀ KIM LONG (TP Hồ Chí Minh)
Chào mừng bạn đến với PRAIM, - nền tảng thông tin, hướng dẫn và kiến thức toàn diện hàng đầu! Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn một trải nghiệm sâu sắc và tuyệt vời về kiến thức và cuộc sống. Với Praim, bạn sẽ luôn được cập nhật với những xu hướng, tin tức và kiến thức mới nhất.
- Bộ sưu tập hình nền công thức toán học cực chất đầy đủ 4K với hơn 999+ hình nền
- ROS là gì? Công thức tính và cách phân tích chỉ số ROS
- Hướng dẫn bạn cách tạo kênh Youtube trên điện thoại đơn giản
- Thông tin quan trọng cần biết về bảng chữ cái tiếng Việt mới 2020
- Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn về trầm cảm